Khi mang thai, chị em có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh: Cảm cúm, táo bón, đau đầu và những căn bệnh thông thường khác.
Không chỉ đối mặt với cơn ốm nghén triền miên, phụ nữ mang thai còn mắc một số bệnh thường gặp do sự thay đổi hormone nội tiết tố trong cơ thể, chế độ ăn uống và sự co giãn các vùng cơ bụng cùng dây chằng.
Chứng táo bón và trĩ là hiện tượng thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai. Giai đoạn này, các hormone nội tiết thay đổi khiến các dây cơ bụng bị căng lên, các dây chằng vùng thắt lưng và xương chậu giảm hoạt động. Cảm giác nặng nề khiến >mẹ bầu ít hoạt động hơn từ đó gây nên hiện tượng táo bón và trĩ.
Để cải thiện tình trạng này, chị em phụ nữ nên tăng cường ăn rau củ quả và các thực phẩm giàu chất xơ giúp nhuận tràng, tốt cho hệ tiêu hóa và tránh các thực phẩm cay, nóng.
Cơ thể phụ nữ mang thai sẽ trở nên nhạy cảm, sức đề kháng trở nên yếu đi do thay đổi nội tiết tố. Khi thời tiết chuyển mùa, mẹ bầu rất dễ bị cảm cúm, sốt cao vì nhiễm virus cúm.
Trao đổi với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Đào Thanh Hương - Khoa sản Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho biết, chị em nếu bị cúm nhẹ có thể sử dụng các phương pháp tự nhiên để chữa trị (uống nước gừng, trà gừng...). Trường hợp có dấu hiệu sốt cao, chị em nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Phụ nữ mang thai thường trải qua nhiều sự thay đổi lớn trong cơ thể khiến tâm trạng mệt mỏi, dễ cáu gắt và đau đầu. Để cảm thấy thoải mái hơn, mẹ bầu nên uống nhiều nước trái cây, ăn các loại hạt và massage thư giãn các cơ thần kinh. Trường hợp liên tục đau đầu trong thời gian dài kèm theo các chứng mất ngủ, căng thẳng… mẹ bầu nên đến bác sĩ để kiểm tra tình trạng >sức khỏe.
Khi mang thai, phần lưng của phụ nữ có xu hướng cong về phía trước do phải gánh toàn bộ trọng lượng của thai nhi. Bên cạnh đó, lượng hormone tiết ra làm căng dây cơ bụng, giảm hoạt động của dây chằng vùng thắt lưng và xương chậu khiến bà bầu cảm thấy khó chịu vùng lưng. Để khắc phục tình trạng này, chị em nên có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không nên ngồi làm việc quá lâu. Khi ngủ nên kê thêm các gối chuyên dụng cho bà bầu để giảm cảm giác nhức mỏi.
Chuột rút là tình trạng co cơ đột ngột thường xuất hiện ở vùng bắp chân, bàn chân. Hiện tượng này hay xảy ra vào ban đêm làm gián đoạn giấc ngủ của bà bầu. Theo nghiên cứu, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu canxi ở thai phụ.
Khi bị chuột rút, chị em hãy xoa bóp nhẹ nhàng vùng bắp chân, bàn chân rồi nhẹ nhàng đi lại để máu dễ lưu thông. Chị em nên xin ý kiến bác sĩ để bổ sung viên uống canxi và vitamin D nếu thấy cần thiết.
Các dây chằng của phụ nữ mang thai sẽ mềm hơn và giãn rộng ra để tạo điều kiện cho sự phát triển của thai nhi trong bụng. Cơ thể mẹ bầu cũng tích nước và sản xuất thêm 50% lượng máu để nuôi thai nhi dẫn đến hiện tượng phù nề từ tháng thứ 4 của thai kì.
Để hạn chế độ sưng phù bàn chân, chị em nên lưu ý đến chế độ >dinh dưỡng, cần ăn đa dạng thực phẩm. Phụ nữ mang thai nên nằm nghiêng khi ngủ, vận động nhẹ nhàng 20 phút mỗi ngày để khí huyết lưu thông. Ngoài ra, chị em tuyệt đối không mang các loại dép quá chật, không nhịn tiểu kẻo tình trạng phù nề nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung - Khoa sản Bệnh viện Đại học Y dược cho biết, hiện nay tỉ lệ phụ nữ mang thai mắc chứng tiểu đường thai kỳ khá cao. Nguyên nhân là do mẹ bầu tăng cân mất kiểm soát khi mang thai dẫn đến việc dư thừa chất dinh dưỡng.
Do đó, bà bầu nên tăng cân một cách hợp lý khi mang thai (chỉ nên tăng từ 10 -12kg) và hạn chế ăn các loại thức ăn chứa nhiều đường, không uống nước mía và các loại nước ngọt có ga.