Những phụ nữ sinh con sau 35 tuổi thuộc vào nhóm mang thai khi lớn tuổi - dễ mắc tai biến tắc mạch ối.
Chúng ta đều biết >tắc mạch ối là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng ở sản phụ sau sinh. Một trường hợp vừa được đăng tải mới đây khiến các >mẹ bầu vô cùng quan tâm đó là ca sinh của chị Hạ (Trung Quốc). Sau khi hạ sinh con khỏe mạnh, chị bỗng cảm thấy chóng mặt và rất nhanh sau đó bị mất ý thức, da tím tái.
Một trường hợp khác cũng mới được ghi nhận đó là ca sinh của chị Mai Mai. Bà mẹ trẻ này thực sự đã trải qua nhiều xúc cảm thăng trầm trong lần mang thai thứ hai này vì đó là một quãng thời gian không hề suôn sẻ.
Trong thời gian đầu mang thai, cô đã phải tiêm bổ sung hooc môn progesterone (một trong những nội tiết tố nữ quan trọng có lợi cho quá trình biến hóa sinh lý khi mang thai), tiếp đến cô phải nằm treo chân một chỗ nửa tháng trong bệnh viện để tránh bị động thai, đó là một quãng thời gian khủng hoảng đối với Mai, khiến cô gầy đi hơn 5kg chỉ vì điều trị. Hơn thế nữa, Mai Mai còn trải qua không biết bao lần chọc ối để làm những xét nghiệm loại trừ dị tật thai nhi. 9 tháng thai nghén là quãng thời gian vô cùng khủng hoảng đối với Mai nhưng khi cảm nhận đứa con trong bụng mình lớn lên từng ngày thì Mai cũng cảm thấy phần nào được an ủi.
Thế nhưng, cuộc đời thật trớ trêu và bất công với Mai. Trong lúc người thân đang hồi hợp mong ngóng, chờ đợi tin tức từ phòng đẻ, đột nhiên văng vẳng đâu đó một vài âm thanh trong phòng mổ vọng ra: “Mai Mai sau khi hạ sinh một bé trai đã bị tắc mạch ối nên qua đời ngay trên bàn sinh”, tất cả người thân của Mai chết lặng sau khi hung tin đó.
Vậy hiện tượng “tắc mạch ối” sau sinh là gì? Có ảnh hưởng gì tới sản phụ sau sinh? Đây là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm sau sinh, tỷ lệ tử vong rất cao, một biến chứng bất khả kháng sau sinh.
Nguyên nhân của hiện tượng này do đâu?
Bình thường, nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của người mẹ. Một khi hàng rào ngăn cách giữa khoang ối và tuần hoàn của người mẹ bị phá vỡ, có thể do sự chênh lệch áp lực làm cho nước ối đi vào hệ thống tĩnh mạch của người mẹ (xoang tĩnh mạch tử cung) một cách bất thường qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí rau bám (nếu đã bong rau), qua nội mạc tử cung hay qua nơi tử cung bị chấn thương.
Người ta vẫn không hiểu tại sao nước ối đi vào hệ tuần hoàn chỉ xảy ra ở một số ít người mà không xảy ra ở nhiều người khác. Hơn nữa, rất ít xảy ra tình trạng này do các mảnh mô thai đi theo nước ối vào tuần hoàn người mẹ mặc dù trong quá trình chuyển dạ, trong đẻ, mổ lấy thai hay các thăm dò gây chấn thương làm cho nước ối có thể đi vào tuần hoàn người mẹ nhưng không gây ra triệu chứng.
Do vậy, tắc mạch ối chỉ gặp ở một tỷ lệ rất nhỏ trong số các phụ nữ này làm cho người ta nghĩ tới vai trò của mức độ, số lượng mảnh mô thai, loại mảnh mô thai (có kèm theo phân su hay không?) hay một số yếu tố nào đó của người mẹ. Nước ối và tế bào thai qua tĩnh mạch đi tới tim và phổi của người mẹ với một lượng đủ gây ra tắc mạch hay co thắt mạch phổi nghiêm trọng.
Thời điểm gây tắc mạch ối
Tắc mạch ối thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, chọc hút nước ối, thậm chí có thể gặp tắc mạch ối sau khi đẻ, sau mổ lấy thai. Một số lý do hay gặp như: rau cài răng lược, vỡ tử cung, sót rau. Thời điểm xảy ra tắc mạch ối cũng rất khác nhau tùy trường hợp, 12% số trường hợp xảy ra tắc mạch ối khi màng ối còn nguyên, 70% xảy ra sau đẻ qua đường âm đạo, 19% xảy ra trong mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.
Những bà mẹ nào dễ có nguy cơ bị tắc mạch ối?
Một trong số những sản phụ thuộc một trong nhóm đối tượng dưới đây có nguy cơ cao bị “tắc mạch ối” sau sinh:
Sản phụ mang thai khi lớn tuổi
25-35 tuổi là quãng thời gian thích hợp nhất để sinh con, những phụ nữ sinh con sau 35 tuổi thuộc vào nhóm mang thai khi lớn tuổi. Những sản phụ thuộc nhóm đối tượng này sẽ có nguy cơ cao bị “tắc mạch ối” sau sinh, vì vậy, những sản phụ thuộc nhóm này phải thường xuyên kiểm tra trong quá trình mang thai cũng như quan sát cẩn thận trong quá trình sinh, nếu có biểu hiện bất thường thì nên mổ đẻ.
Những bà mẹ đã từng đẻ mổ
Tắc mạch ối thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra ngay trong quá trình mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, chọc hút nước ối, thậm chí có thể gặp tắc mạch ối sau khi đẻ, sau khi mổ lấy thai. Mổ lấy thai, đẻ đường dưới có can thiệp thủ thuật foocs- xép hay giác kéo có nguy cơ cao hơn đẻ thường.
Sản phụ mổ lấy thai khi có cơn chuyển dạ
12% số trường hợp tắc mạch ối khi màng ối còn nguyên, 70% xảy ra sau đẻ qua đường âm đạo, 19% xảy ra trong khi mổ lấy thai khi đã chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.
Tắc mạch ối là một cấp cứu sản khoa không thể dự báo được, không thể dự phòng được và trong hầu hết các trường hợp là không thể điều trị được. Chưa có một can thiệp nào cho thấy cải thiện tiên lượng của sản phụ bị tắc mạch ối. Tắc mạch ối thực sự là một thảm họa không chỉ đối với nhân viên y tế mà còn đối với cả gia đình sản phụ.
Ở Hoa Kỳ, ước tính 1 trường hợp tắc mạch ối 8.000 - 30.000 thai nghén. Một nghiên cứu ở Canada từ năm 1991 - 2002 trên 3 triệu trường hợp đẻ trong bệnh viện cho thấy, tỷ lệ tắc mạch ối là 14,8/100.000 trường hợp đẻ đa thai, 6,0/100.000 đẻ một thai. Nghiên cứu trong khoảng thời gian 2000-2002 ở Anh cho thấy tỷ lệ gặp tắc mạch ối là 3,7/1 triệu trường hợp thai nghén và tử vong mẹ do tắc mạch ối lên đến gần 80%. Tuổi sản phụ cao thì nguy cơ bị tắc mạch ối nhiều hơn. Tuổi mẹ từ 35 trở lên kéo theo nguy cơ cao bị tắc mạch ối.
Con rạ có nguy cơ cao hơn con so. Người ta thấy 75% số trường hợp tắc mạch ối xảy ra ở người đẻ con rạ. Về giới tính của thai: 67% số trường hợp tắc mạch ối là mang thai trai. Mổ lấy thai, đẻ đường dưới có can thiệp thủ thuật foóc-xép hay giác kéo có nguy cơ cao hơn đẻ thường. Đa ối, đa thai (tử cung quá to), thai chết lưu, vỡ ối, rách cổ tử cung, vỡ tử cung, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật, gây chuyển dạ cũng là yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối.
Theo Sức khỏe và Đời sống