Dù đã bình an sau ca sinh nở kinh hoàng, nhưng chị Nhạn (sống tại Hà Nội) vẫn hay gặp ác mộng mình phải đi cấp cứu, và máu cứ tuôn chảy không ngừng.

13:00 29/09/2019

Mang thai và sinh con là niềm hạnh phúc của nhiều phụ nữ. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng trong thời gian này, nhiều mẹ sẽ gặp phải những biến chứng vô cùng kinh hoàng và có thể còn mất mạng nữa. Bởi thế, nhiều người vẫn thường nói rằng "cửa sinh là cửa tử". Điều này vô cùng đúng với trường hợp của chị Nguyễn Thị Nhạn, 33 tuổi (sống tại Hà Nội), vì khi mang thai bé thứ 3, chị bị nhau tiền đạo và phải cắt bỏ cả tử cung.

Chia sẻ về câu chuyện sinh nở của mình, chị Nhạn cho biết cả 3 lần mang thai, chị đều được chỉ định mổ. 2 lần đầu tiên là do thai to, đến lần mang thai thứ 3 chị bị nhau tiền đạo nên cũng bắt buộc phải mổ: "Trước đó trong quá trình mang thai mình hoàn toàn bình thường, vẫn làm việc và đi du lịch. Đến tuần 22, bác sĩ có nói rau bám thấp và lan vào cổ tử cung nên hạn chế vận động mạnh, nên mình không đi nữa. Khi ở tuần 28 mình đi siêu âm thì được báo bị nhau tiền đạo".

Chị Nhạn bên chồng con, lúc này chị đang mang bầu bé thứ 3 được 3 tháng.

Chỉ 2 tuần sau đó, khi đang ở nhà chị Nhạn bỗng bị máu chảy ra ướt hết quần và ga giường. Khi vào nhà vệ sinh thay đồ, chị thấy một cục máu đông to bằng lòng bàn tay chảy ra, nên đã vào viện cấp cứu. Lúc đầu chị Nhạn định vào viện mà mình đã đăng kí, nhưng về sau lại chuyển sang viện khác và được nằm theo dõi ở đấy từ tuần 30 đến 36: "Khi vào viện, các bác sĩ bảo em bé trong bụng mới 30 tuần, có khả năng giữ được thêm nên cho mình uống thuốc và nằm theo dõi trên khoa sản. Trong 6 tuần nằm viện thì mình bị ra máu 8 lần luôn, nhưng sau khi khám bác sĩ đều nói cầm máu, rồi nằm chạy máy theo dõi. Nếu ổn lại về phòng dưỡng thai nằm giữ tiếp", bà mẹ 3 con kể lại.

 

Hồi mang bầu bé thứ 3 chị Nhạn vẫn đi du lịch như bình thường, đến khi biết bị nhau tiền đạo thì chị hạn chế di chuyển nhiều.

Thế nhưng chỉ 1 tuần sau, vào tầm khoảng 6h sáng, chị Nhạn lại bị chảy máu không ngừng, nên phải mổ cấp cứu luôn. Thai nhi lúc đấy còn có biểu hiện suy thai, tim thai yếu. Còn chị bị huyết áp thấp và phải viết giấy đồng ý cắt bỏ tử cung cũng như chấp nhận mọi rủi ro.

May mắn là sau ca sinh mổ "thập tử nhất sinh" đó, con trai chị Nhạn đã chào đời bình an, khỏe mạnh ở tuần thứ 37. Còn chị cũng được về phòng nằm truyền nước, truyền kháng sinh. Thế nhưng 2 ngày sau chị lại phải cấp cứu tiếp vì thiếu máu. "Ngày đầu tiên mình được nằm truyền nước, giảm đau, kháng sinh và không có chuyện gì cả. Đến ngày thứ 2, bác sĩ khuyên dậy tập đi, mình vừa đứng lên được thì ngất lịm luôn, và lại phải cấp cứu tiếp vì bị choáng do thiếu máu. Bây giờ >sức khỏe của mình đã ổn, nhưng đêm nào mình cũng mơ bị đẩy đi cấp cứu và máu cứ tuôn ra không ngừng".

 

Bé Ken hiện đã được 2 tuần tuổi, trộm vía sức khỏe rất tốt.

Tuy phải trải qua ca sinh nở đầy nguy hiểm. Thế nhưng bà mẹ 3 con cho biết chị vẫn còn may mắn, vì nhiều mẹ khác còn không giữ được em bé, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng nặng nề: "Suốt từ tuần 30 đến 36 mình nằm ở khoa sản và chứng kiến rất nhiều sản phụ bị giống mình, nhiều mẹ ra máu không cầm được ở tuần 22 - 24 - 27 - 30... Các mẹ vẫn bị cấp cứu, vẫn bị mổ đau mà lại thêm nỗi đau tinh thần vì mất con. Thương lắm!", chị Nhạn trải lòng.

Theo NT/ Helino