Mẹ bị thủy đậu có nên cho con bú và để trẻ tiếp xúc với sữa mẹ trong thời gian mẹ mắc thủy đậu hay không là thắc mắc của nhiều người.

Thúy Ngọc 11:44 27/11/2024

Thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Thời gian ủ bệnh khoảng 10 ngày đến hơn 2 tuần. Bệnh không phân biệt lứa tuổi nhưng trẻ em là nhóm dễ bị lây bệnh nhất. Bệnh lây qua đường hô hấp và dịch từ các nốt mụn bị vỡ ra. Vì vậy, việc cần tránh tiếp xúc và dùng chung đồ cá nhân với người bệnh là điều cần thiết để tránh lây nhiễm.

Bệnh thủy đậu tuy là bệnh lành tính, thường tự khỏi sau 7-10 ngày nhưng có thể gây biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, viêm não từ những mụn nước bị bội nhiễm.

Mẹ bị thủy đậu cho con bú có an toàn không?

Sữa mẹ luôn là >dinh dưỡng tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thế nhưng khi mẹ bị thủy đậu có nên cho con bú và để trẻ tiếp xúc với sữa mẹ trong thời gian mẹ mắc thủy đậu hay không.


Ảnh minh họa/ Nguồn: Being The Parent

Bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào, giám đốc phòng khám Hội KHHGĐ TP Đà Nẵng cho biết: “Trong hầu hết các trường hợp, mẹ vẫn có thể cho con bú ngay cả khi mắc thủy đậu vì trong sữa mẹ không có virus thủy đậu nên khi con bú trẻ không thể lây nhiễm thủy đậu từ sữa mẹ.

Sữa mẹ cung cấp kháng thể giúp trẻ được bảo vệ trước các nguy cơ bệnh lý trong đó có thủy đậu. Trẻ được bú sữa mẹ giúp hệ miễn dịch được tăng cường nên có sức đề kháng để chống lại virus gây bệnh”.

Tuy nhiên, mẹ bị thủy đậu cho con bú cần chú ý các nốt phỏng nước trên ngực của mẹ. Nếu nốt thủy đậu nằm ở vùng tiếp xúc trực tiếp với miệng của trẻ khi bú thì mẹ nên hút sữa để cho con bú bằng bình, điều này sẽ tránh nguy cơ trẻ bị lây nhiễm.

Biện pháp phòng ngừa khi cho con bú trong thời gian bị thủy đậu

Rửa tay đúng cách bằng xà phòng trước khi chạm vào em bé. Mẹ cũng nên rửa tay trước khi chuẩn bị đồ ăn cho con hoặc trước khi tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, tã lót,… của con.

“Tiếp xúc trực tiếp với phát ban có thể gây nhiễm trùng. Các mẹ nên dùng vải che các vết phát ban trên tay, ngực hoặc bất kỳ vị trí nào trên cơ thể có thể tiếp xúc với con. Bên cạnh đó, mẹ có thể ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con qua nước bọt và các giọt chất nhầy bằng cách đeo khẩu trang khi cho con bú” – bác sĩ Đào nói.


Bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào, giám đốc phòng khám Hội KHHGĐ TP Đà Nẵng

Bác sĩ cũng lưu ý, nếu mẹ bị thủy đậu cho con bú hãy cố gắng giảm tiếp xúc trực tiếp với con trong giai đoạn bệnh tiến triển nặng để tránh nguy cơ lây nhiễm. Thay vào đó, mẹ có thể nhờ người thân hoặc nhân viên y tế hỗ trợ chăm sóc bé trong thời gian này. Đây cũng là cách giúp giảm căng thẳng cho mẹ để quá trình phục hồi >sức khỏe của mẹ diễn ra nhanh hơn.

“Mẹ nên chú ý quan sát trẻ để phát hiện kịp thời dấu hiệu cho thấy nguy cơ trẻ bị lây nhiễm thủy đậu. Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào liên quan, cần đưa con đến cơ sở y tế ngay lập tức để được kiểm tra và điều trị tích cực” – Bác sĩ Đào nói.

Bác sĩ cho rằng lời khuyên tốt nhất vẫn là các bà mẹ nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có con (nếu chưa từng bị). Vì mẹ có tiêm phòng và cho con bú thì kháng thể sẽ theo đường sữa vào cơ thể bé, bảo vệ bé trong 12 tháng đầu đời dù có tiếp xúc với mầm bệnh.

Theo Thùy Linh/Gia đình Việt Nam