Dưới đây là những nguyên nhân gây mất ngủ, khó ngủ ở bà bầu và cách khắc phục hiệu quả nhất.
Nằm kiểu gì cũng không thoải mái
Đối với phụ nữ mang thai thì nằm nghiêng sang bên trái là vị trí nằm tốt nhất. Tuy nhiên, nếu cả đêm cứ giữ nguyên tư thế đó, >mẹ bầu chắc chắn sẽ rất khó chịu, toàn thân đau nhức. Nằm mãi bên trái không được, mẹ bầu bắt đầu trở mình liên tục và mãi không ngủ được. Lâu lâu mẹ muốn nằm ngửa ra một chút nhưng nghĩ tư thế này không tốt cho em bé nên vội vàng thay đổi sang nằm nghiêng. Vậy là cả đêm mãi mẹ không ngủ được vì “bận” chọn tư thế nằm.
Thường xuyên phải dậy đi vệ sinh
Một trong những nguyên nhân gây mất ngủ khác ở bà bầu là thường xuyên phải dậy đi vệ sinh. Nhiều mẹ bầu cho biết một đêm phải đi vệ sinh 5, 6 lần nên không thể ngủ sâu, ngủ ngon giấc.
Lý giải cho hiện tượng này, các bác sĩ cho biết trong thời kỳ mang thai, tổng lượng máu lưu thông trong cơ thể phụ nữ tăng lên 50%, đồng nghĩa với việc trong máu tồn dư nhiều hợp chất không cần thiết, khi qua bộ máy lọc của thận, sẽ đi xuống bàng quang và được bàng quang tống xuất ra ngoài thông qua đường nước tiểu.
Mặt khác, khi nằm ngủ chất lỏng ở chân thường có xu hướng quay trở lại mạch máu và bàng quang nhiều hơn. Cả hai hiện tượng này cùng lúc xảy ra khiến bà bầu thường xuyên buồn đi vệ sinh vào ban đêm.
Thai nhi đạp nhiều về đêm
Không phải mẹ thức thì thai nhi cũng thức, mẹ ngủ ngon thì bé yêu cũng ngoan ngoãn ngủ cùng mẹ. Nhiều chị em than thở chứng mất ngủ của mình một phần là do thai nhi cử động về đêm rất nhiều, bé có thể liên tục có các chuyển động co đạp thậm chí huých mạnh vào thành bụng làm mẹ đột ngột tỉnh giấc và khó ngủ trở lại.
Các chuyên gia giải thích rằng, thai nhi thường đạp về đêm nhiều do buổi đêm yên tĩnh, mẹ ít hoạt động nên dễ cảm nhận những chuyển động của bé. Thêm nữa, ban ngày khi mẹ làm việc các cử động của mẹ ru bé ngủ nhưng ban đêm mẹ nghỉ ngơi khiến bé thấy “không quen” nên “làm phiền” mẹ để gây chú ý.
Đang ngủ thì bị chuột rút
Do trọng lượng cơ thể ngày càng tăng lên, gây áp lực nhiều hơn tới các cơ bắp ở chân nên bà bầu rất dễ bị chuột rút, đặc biệt là về đêm. Đây cũng là một trong những lý do khiến bà bầu mất ngủ.
Ngoài ra, bà bầu thường xuyên bị chuột rút cũng có thể do thiếu canxi. Điều này khiến cơ bắp mẹ đau nhức, dễ căng cứng cơ, co rút,…
Do lo lắng, căng thẳng
Đôi khi, bà bầu bị mất ngủ chính là do quá lo lắng, căng thẳng về chuyện mất ngủ. Khi mới nằm lên giường, mẹ bầu chưa thể chìm vào giấc ngủ nên bắt đầu lo sợ điều đó ảnh hưởng đến con, khó chịu, suy nghĩ, cố gắng ngủ và kết quả là hai mắt không thể khép nổi.
Trục trặc ở hệ tiêu hóa
Khi mang thai, mẹ bầu có xu hướng ăn nhiều các loại thực phẩm khác nhau khiến cơ thể không tiêu hóa kịp. Bên cạnh đó, tuyến nội tiết thay đổi và thai nhi phát triển sẽ chèn ép các cơ quan tiêu hóa. Do đó, bà bầu thường bị táo bón, ợ hơi, đầy bụng nên khó ngủ, ngủ không sâu giấc và mất ngủ.
Thân nhiệt tăng
Một vấn đề khác “hành hạ” mẹ bầu mỗi đêm là cảm giác nóng bức. Thân nhiệt cao, mồ hôi ra nhiều khiến mẹ bầu khó chịu và chắc chắn không thể ngủ ngon.
Những giấc mơ kỳ lạ
Sau khi cơ thể mệt mỏi và tự rơi vào giấc ngủ thì bà bầu lại xuất hiện những giấc mơ kỳ lạ. Do nội tiết tố thay đổi, hay suy nghĩ nên nhiều mẹ bầu thường mơ những giấc mơ xấu như con gặp vấn đề, chồng đi theo người khác,… Những giấc mơ “đáng sợ” như vậy sẽ khiến mẹ bầu “ngủ không yên”.
Một số biện pháp trị chứng mất ngủ ở bà bầu như:
- Sử dụng các loại gối chuyên dụng dành cho bà bầu, chèn gối mềm, mỏng để kê bụng.
- Không xem tivi, sử dụng điện thoại, máy vi tính trước giờ đi ngủ 2 tiếng.
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá no trước giờ đi ngủ gây khó tiêu.
- Không dùng các loại đồ uống chứa chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia dễ gây rối loạn giấc ngủ.
- Hạn chế uống nước trước giờ đi ngủ, đảm bảo rằng bạn đã đi tiểu trước khi ngủ.
- Nếu bạn hay bị chuột rút tốt nhất nên chuẩn bị chậu nước ấm để ngâm chân và mát- xa chân trước khi đi ngủ.
- Duy trì thói quen ngủ đúng giờ, đúng giấc.
- Ngoài nghỉ ngơi, trong ngày mẹ bầu cần tham gia các hoạt động thể thao, làm việc nhẹ nhàng, phân bố lịch sinh hoạt ăn, ngủ, nghỉ khoa học, tránh thức muộn, ngủ dậy muộn.
- Kết hợp các liệu pháp trị liệu tâm lý như nghe nhạc thiền, mát-xa cho bà bầu, ổn định tinh thần tránh căng thẳng sẽ giúp cải thiện cho mẹ bầu giấc ngủ ngon.