Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần được chăm sóc tốt về mặt dinh dưỡng để thai nhi phát triển khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch của người mẹ giúp phòng ngừa dịch bệnh.

13:00 29/08/2020

Mang thai 3 tháng đầu, >mẹ bầu tăng bao nhiêu cân là đủ?

3 tháng đầu thai kì là giai đoạn hình thành các cơ quan quan trọng như tủy sống, não, tim, phổi, gan..., tạo tiền đề cho sự phát triển của thai nhi trong 6 tháng tiếp theo.

Nhiễm virus và các rối loạn ảnh hưởng đến thai nhi trong giai đoạn này có thể gây ra những bất thường nặng nề về nhiễm sắc thể, gen hay cấu trúc các cơ quan quan trọng, nếu nặng có thể gây sảy thai.

Vậy nên mẹ bầu cần chú ý chăm sóc tốt về mặt >dinh dưỡng để thai nhi khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Mang thai 3 tháng đầu mẹ bầu thường bị nôn nghén, mệt mỏi nên cần được chăm sóc tốt về dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe. Ảnh minh họa

Theo khuyến cáo của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam, phụ nữ >mang thai 3 tháng đầu trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, muốn khỏe mạnh cần lưu ý những vấn đề sau:

- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần được đánh giá tình trạng dinh dưỡng cẩn thận, theo dõi cân nặng, uống bổ sung sắt, đa vi chất, đặc biệt là acid folic, theo chỉ định.

- Dinh dưỡng hợp lý, tăng cường khả năng chống bệnh, khắc phục tối đa tình trạng nghén cũng là điều cần làm để đạt được mục tiêu tăng 1 - 2 kg trong 3 tháng đầu.

- Khẩu phần ăn tương tự như khi chưa mang thai, cần đa dạng, cân đối và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cần chia nhỏ bữa ăn và tránh các mùi vị gắt để giảm cảm giác nghén.

- Nên chú trọng các thực phẩm giàu acid folic như gan, thịt gia cầm, ngũ cốc, rau xanh, đậu nành, cà chua, cam… để tránh dị tật ống thần kinh do thiếu acid folic (vitamin B9).

Mẹ bầu cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả để tăng miễn dịch và giảm tình trạng táo bón. Ảnh minh họa

Mẹ bầu nên ăn bao nhiêu thực phẩm mỗi ngày?

 

Lượng lương thực, thực phẩm trung bình một ngày khuyến cáo cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu như sau:

- Ngũ cốc và các sản phẩm chế biến: Trung bình mỗi ngày cần ăn khoảng 12 đơn vị ngũ cốc. (1 đơn vị ăn = 20g glucid)

- Chất đạm: Mỗi ngày cần ăn khoảng 5 đơn vị thức ăn giàu đạm. (1 đơn vị = 7g protein)

- Rau lá, rau củ: Sử dụng 3 đơn vị rau một ngày để cung cấp đủ vitamin, chất khoáng và chất xơ. (1 đơn vị ăn = 80g)

- Trái cây: Sử dụng 3 đơn vị trái cây/quả chín mỗi ngày. (1 đơn vị ăn = 80g)

- Sữa và chế phẩm sữa: Sử dụng 3 đơn vị sữa và chế phẩm sữa mỗi ngày. Ăn phối hợp cả 3 sản phẩm sữa. (1 đơn vị ăn = 100mg canxi)

- Dầu mỡ: Sử dụng 5 đơn vị dầu, mỡ một ngày. (1 đơn vị ăn = 5ml dầu ăn = 5g mỡ lợn)

- Đường: Sử dụng dưới 5 đơn vị đường (25g đường) một ngày.

- Muối: Sử dụng dưới 5g muối/ngày.

- Nước: Sử dụng 8 đơn vị nước/ngày. Mỗi đơn vị tương đương với 200 ml nước.

Ngoài việc đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn, bà mẹ cần uống bổ sung sắt và acid folic hoặc đa vi chất theo hướng dẫn của nhân viên y tế, cán bộ dinh dưỡng.

Theo An An/ Gia Đình Mới