Tiêm phòng khi mang thai gồm những loại vắc-xin nào và tiêm khi nào, mẹ bầu hãy tham khảo lịch tiêm phòng cho bà bầu dưới đây nhé.
MỤC LỤC
1. Vì sao bà bầu nên tiêm phòng?
2. Các mũi tiêm phổ biến dành cho phụ nữ đang mang thai
Tiêm phòng cúm
Tiêm phòng ho gà - bạch hầu -uốn ván (mũi tổng hợp)
Tiêm phòng uốn ván (mũi đơn)
3. Các mũi chủng ngừa dành cho những phụ nữ mang thai khi có chỉ định
Viêm gan A
Viêm gan B
Phế cầu
Sốt vàng
1. Vì sao bà bầu nên tiêm phòng?
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ động phòng bệnh được áp dụng rộng rãi hiện nay. Vắc xin được dùng chủ yếu qua đường tiêm hoặc uống sẽ kích thích hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh các kháng thể chống lại bệnh nhiễm trùng. Mẹ bầu tiêm phòng không chỉ bảo vệ bản thân mình mà còn giúp con yêu tránh mắc nhiều bệnh truyền nhiễm ngay từ trong bụng mẹ và cả vào những tháng đầu sau sinh. Vì vậy tiêm phòng cho phụ nữ mang thai là cần thiết. Khi có ý định mang thai và đang trong giai đoạn chăm sóc thai kỳ, chị em cần theo dõi >lịch tiêm phòng cho bà bầu để tiêm đầy đủ các mũi tiêm cần thiết đúng lịch.
2. Các mũi tiêm phổ biến dành cho phụ nữ đang mang thai
Như đã nói ở trên, ngay từ khi có ý định thụ thai và sinh con, người phụ nữ nên chủ động tìm hiểu về các mũi tiêm phòng cần thiết. Có nhiều mũi tiêm được chỉ định tiêm trước khi bạn thụ thai từ 3-4 tháng. Nhưng cũng có những mũi tiêm có thể được thực hiện ngay cả khi bạn đã mang bầu. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lịch tiêm phòng cho bà bầu – tức là dành cho phụ nữ đang mang thai.
Tiêm phòng cúm
Khi mang thai, sức đề kháng của >mẹ bầu bị giảm sút nghiêm trọng, do đó chị em rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus tấn công. Một trong số các bệnh lây truyền qua đường hô hấp dễ gặp nhất chính là cảm cúm. Bà bầu bị cúm thường có triệu chứng sổ mũi, ho, sốt, nhức đầu, đau khắp cơ thể. Bệnh cúm rất dễ lây, dễ chữa nhưng với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nếu bị cúm rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi như dị tật bẩm sinh, sinh non, sinh con nhẹ cân.
Do vậy, tiêm phòng cúm khi mang thai là điều rất cần thiết với mẹ bầu. Người ta nhận thấy, những thai phụ tiêm phòng cúm khi mang thai, trẻ sinh ra có nguy cơ mắc bệnh cúm ít hơn 25%. Bởi vì vắc xin phòng cúm có thể đi qua nhau thai, vào máu của bào thai và bảo vệ trẻ sơ sinh mắc cúm trong suốt 6 tháng đầu đời. Điều này rất quan trọng vì trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa thể tiêm phòng cúm.
Mẹ bầu cần lưu ý vắc xin cúm có thể tiêm khi bạn ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ hoặc bạn có thể trước khi mang thai. Do vậy, nếu thực hiện mũi tiêm này càng sớm, bản thân mẹ và bé sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Một số chị em lo lắng về việc tiêm phòng cúm trong khi mang thai. Tuy nhiên, bà bầu không cần lo lắng vì vắc-xin cúm được chế tạo từ virus bất hoạt rất an toàn cho phụ nữ mang thai.
Tiêm phòng ho gà - bạch hầu - uốn ván (mũi tổng hợp)
Mũi tiêm này nên được tiêm từ khoảng tuần thứ 27-36 của thai kỳ, tiêm càng sớm càng tốt để phòng ngừa cho bé mới sinh khỏi bệnh ho gà, uốn ván và bạch hầu.
Rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh mắc ho gà đã tử vong. Bệnh rất khó phát hiện vì nhiều trẻ bị ho gà những không có triệu chứng ho nhưng trẻ có thể ngừng thở, tím tái. Do vậy, mẹ bầu tiêm phòng ho gà khi mang thai sẽ giúp bé mới sinh có kháng thể chống lại bệnh trong khi phải đợi đến lúc bé được 2 tháng mới được tiêm phòng.
Tiêm phòng uốn ván (mũi đơn)
Tiêm phòng uốn ván khi mang thai sẽ đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ và sau sinh. Thai phụ có nguy cơ bị uốn ván trong khi chuyển dạ, trực khuẩn uốn ván đi theo đường sinh dục, tấn công tử cung. Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ uốn ván rốn nếu trực khuẩn tấn công vết cắt rốn, nguy cơ tử cung có thể lên đến 95%.
Về lịch tiêm phòng cho bà bầu mũi uốn ván đơn, chị em cần lưu ý như sau:
- Nếu bạn mang thai lần đầu: tiêm 2 mũi. Mũi 1: khi biết tin có thai. Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 30 ngày và trước ngày dự kiến sinh 30 ngày. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở y tế đều thực hiện tiêm phòng uốn ván cho bà bầu trong 3 tháng giữa thai kỳ thay vì 3 tháng đầu. Lý do vì, giai đoạn mới mang thai, >sức khỏe của mẹ bầu chưa ổn định, nguy cơ sảy thai còn cao. Nếu tiêm phòng uốn ván ở thời điểm này, trong trường hợp sảy thai, có thể đổ lỗi cho vắc-xin.
- Nếu bạn mang thai lần 2: Nếu bạn đã tiêm phòng 5 mũi uốn ván trước đây. Mũi thứ 5 cách thời điểm mang thai <= 10 năm không cần tiêm phòng. Nếu mũi thứ 5 đã tiêm cách thời điểm mang thai hiện tại >10 năm, cần tiêm 1 mũi uốn ván nhắc lại.
3. Các mũi chủng ngừa dành cho những phụ nữ mang thai khi có chỉ định
Những mũi tiêm phòng này thường được thực hiện khi mẹ bầu đến vùng có dịch (đi du lịch, công tác) hoặc có nguy cơ bị bệnh cao.
Viêm gan A
Loại vắc xin này không gây ảnh hưởng đến thai nhi và khuyến cáo dành cho thai phụ có nguy cơ nhiễm bệnh.
Viêm gan B
Thai phụ bị viêm gan B có thể bị nhiễm trùng gan nghiêm trọng. Nhiều thai phụ chưa có kháng thể với virus gây viêm gan B nhưng đang ở chung với người mắc bệnh viêm gan B hoặc thai phụ chưa từng chủng ngừa trước đây nên tiêm phòng viêm gan B.
Phế cầu
Thai phụ có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn phế cầu gây bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não cần được chủng ngừa phế cầu. Lịch tiêm có thể thực hiện từ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi, và nếu có thể mũi tiêm này nên thực hiện trước khi bạn có ý định mang thai.
Sốt vàng
Bệnh do virus truyền qua muỗi gây ra đặc biệt nguy hiểm với thai phụ. Nếu bạn đang mang thai và phải đến vùng có dịch, bạn cần tư vấn chuyên gia trước khi tiêm phòng
Trước khi thực hiện các mũi chủng ngừa, mẹ bầu cần thăm khám và được sự tư vấn của bác sĩ sản khoa cũng như chuyên gia về vắc-xin. Các loại vắc-xin dành cho bà bầu đều phải đảm bảo an toàn mới được cấp phép tiêm chủng. Tuy nhiên, một số ít chị em có cơ địa dị ứng phải cẩn trọng theo dõi tình trạng sức khỏe sau tiêm. Những hiện tượng sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm là hoàn toàn bình thường.