2 cháu đầu tôi đều bị sinh non, có cháu hơi khó nuôi. Nay tôi mang thai lần thứ ba và rất sợ điều này lặp lại. Có cách gì để phòng tránh không?
Bạn đọc Hoàng Ngọc Nga (nữ, 37 tuổi, quận 12, TP HCM) hỏi: Hai đứa con trước tôi đều bị >sinh non, lúc 34 và gần 37 tuần, có lẽ tại tôi phải làm việc khá vất vả. Nay 2 cháu đã 5 và 3 tuổi, tôi thì đang mang thai cháu thứ ba được 5 tháng. Cháu 5 tuổi (sinh non lúc 34 tuần) yếu đuối, khó nuôi, hay bệnh, cháu thứ hai tôi cũng có cảm giác không được khỏe như bé khác. Hiện tôi rất lo lắng, xin bác sĩ chỉ cho tôi cách để cháu thứ ba không đòi ra đời sớm…
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc >sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:
Sinh non là khi trẻ được sinh ra từ hết 22 tuần đến trước khi hết 36 tuần. Trường hợp của bạn ở 2 lần sinh trước gọi là sinh non muộn. Bạn đã sinh non 2 lần trước nên thai kỳ lần này là thai kỳ có nguy cơ cao (nguy cơ sinh non là rất cao, từ 25- 50%).
Nguyên nhân gây sinh non có rất nhiều, tuy nhiên, vẫn có khoảng 50% cuộc sinh non mà chúng ta không tìm ra nguyên nhân (vô căn). Những ca sinh non xác định được nguyên nhân chia làm 2 nhóm: do thai và do mẹ.
Do thai là khi thai có các tình trạng như đa thai, đa ối, ối vỡ non, viêm màng ối, dị tật thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, nhau kém phát triển; do mẹ là tật hở eo tử cung, dị tật tử cung, bệnh lý nhiễm trùng cấp tính trong lúc mang thai, viêm đài bể thận, viêm ruột thừa cấp, mẹ có tiền căn sinh non, stress, nghiện rượu…
Với tình trạng thai kỳ nguy cơ cao, bạn nên thăm khám và chuẩn bị cuộc sinh ở cơ sở sản khoa lớn, chú ý thông báo rõ với bác sĩ về 2 lần từng sinh non để có phương án theo dõi thai đặc biệt. Trong tình huống cần thiết, bác sĩ sẽ cho bạn thuốc điều trị dự phòng. Bạn cũng nên nhớ các dấu hiệu dọa sinh non được dặn dò để nhập viện ngay nếu cần, giúp thai kỳ được duy trì càng lâu càng tốt.
Bạn không nên quá lo lắng vì stress góp phần làm tăng nguy cơ sinh non. Những tuần thai sau, hãy áp dụng chặt chẽ các biện pháp dự phòng sinh non:
- Loại bỏ yếu tố nguy cơ: ngưng hút thuốc, ngưng uống rượu nếu có, điều trị viêm nhiễm ở các nơi trên cơ thể như viêm nha chu, đường tiết niệu, âm đạo, cổ tử cung; điều trị ổn định các bệnh nội khoa như huyết áp, tiểu đường; điều trị tích cực bất kỳ dạng bệnh nặng nhẹ nào, đi khám ngay nếu bị sốt cao…
- Đảm bảo >dinh dưỡng vì thiếu dinh dưỡng cũng là một nguyên nhân dây chuyển dạ sinh non.
- Vận động vừa sức, tập thể dục nhẹ theo hướng dẫn của thầy thuốc (những bài tập dành riêng cho thai phụ).
- Thai phụ có nguy cơ sinh non cao cũng cần kiêng quan hệ tình dục trong thai kỳ.
Quan trọng hơn, nếu tình trạng sinh non vẫn lặp lại, bạn cần bình tĩnh, giữ sức khỏe cho chính mình và con, >chăm sóc con theo hướng dẫn của bác sĩ để dần bù đắp phần thiệt thòi ban đầu, giúp bé có thể phát triển khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Đó cũng là một lý do nữa bạn nên chọn một bệnh viện lớn, có khoa sơ sinh.