Những em bé chào đời bằng phương pháp này sẽ có 3 người bố mẹ trên mặt di truyền học.

05:30 10/06/2018

Một phòng khám ở Ukraine đang là một trong những đơn vị tiên phong hiện thực hóa một điều "tưởng như không thể", đó là sử dụng ADN của 3 người khác nhau để tạo ra các em bé.

Valery Zukin, giám đốc của phòng khám Nadiya tại Kiev, chia sẻ rằng quá trình này đã giúp đỡ cho rất nhiều phụ nữ phải chịu cảnh vô sinh hiếm muộn suốt nhiều năm ròng rã, giờ đây có thể thụ thai bằng cách cấy ADN của bố mẹ vào trứng của người hiến tặng. Cho đến nay, đã có 4 em bé được tạo ra theo cách này, và hiện đang có 3 phụ nữ khác đang mang thai. Không chỉ vậy, còn rất nhiều phụ nữ khác trên thế giới, đặc biệt là Brazil và Israel đang thực hiện quá trình này.

Vallery Zukin, giám đốc phòng khám cùng một trong những em bé được tạo ra thành công theo "phương pháp 3 người".

Tuy nhiên, hoạt động này của phòng khám đang gây tranh cãi khi rất nhiều nhà di truyền học và đạo đức học lo lắng rằng quá trình này có thể gây ra những căn bệnh di truyền mới hoặc có thể tạo ra những "em bé được thiết kế" khi các bậc cha mẹ muốn thay đổi và lựa chọn các bộ gen cho con mình.

Quá trình này bắt đầu bằng cách thụ tinh cho trứng với tinh trùng để tạo ra một phôi thai. Sau đó, tinh trùng của nam sẽ được dùng để thụ tinh với một trứng khác của người hiến để tạo ra phôi thai thứ 2. Cả 2 phôi được đặt dưới kính hiển vi. Các nhà khoa học có 15 phút để hoàn tất thủ thuật mà không gây ra các tổn thương nguy hiểm. Một chiếc kim siêu mảnh bằng thủy tinh được dùng để lấy ADN từ bố mẹ và trứng đã được thụ tinh của người hiến. Khi ấy, những gì còn sót lại tại quả trứng thứ 2 được gọi là ADN ti thể. Ti thể được coi là "căn nhà sức mạnh của tế bào", có vai trò như một chiếc pin cung cấp năng lượng cho tế bào.

Phòng khám Nadiya tại Ukraine là đơn vị tiên phong thực hiện thủ thuật này.

Phần lớn các ADN được tìm thấy trong hạt nhân, hoặc trung tâm của tế bào, nhưng chỉ có ít hơn 1% được tìm thấy tại ti thể, được truyền lại từ mẹ tới bé qua trứng.

Tuy nhiên, nếu mẹ có ti thể bị tổn thương, mẹ có thể truyền lại những căn bệnh nghiêm trọng hiếm gặp thuộc về ti thể, gây ra những vấn đề như yếu cơ, giảm hoặc mất thị lực và/ hoặc thính lực, và suy nội tạng. Trong những trường hợp khác, ti thể bị tổn thương có thể chính là lí do khiến một phụ nữ không thể mang bầu. Tuy nhiên, thủ thuật này cũng cho phép thay thế những ti thể tổn thương bằng những ti thể khỏe mạnh từ người hiến trứng. Vì thế, ADN của bố mẹ sẽ được chuyển tới phôi thai được hiến. 

Khi quá trình này hoàn tất, các nhà khoa học tại phòng khám Nadiya sẽ chuyển phôi thai chứa ADN của cả 3 người vào tử cung của mẹ.

Cho đến nay, đã có tổng số 21 phụ nữ đã trải qua thủ thuật này, trong đó có 14 trường hợp thất bại do độ tuổi của người mẹ quá cao. Những trường hợp thành công bao gồm những người đã sinh con hoặc đang mang thai thường là các mẹ có độ tuổi trẻ hơn nhưng không thể sản sinh ra các phôi thai "khả thi", theo thông báo từ phòng khám.

Chi phí thực hiện thủ thuật này rất đắt đỏ. Trong khi những phụ nữ ở Ukraine phải trả khoảng 8.000 USD, tương đương hơn 182 triệu đồng, những người ngoại quốc phải trả gần 15.000 USD, tương đương hơn 340 triệu đồng.

Zukin đã thành lập một công ty mới có tên Darwin Life-Nadiya, hợp tác với phòng khám New Hope Ferility tại New York, vận hành bởi bác sĩ John Zhang. Năm 2016, bác sĩ này đã đỡ một em bé được thụ tinh theo "phương pháp 3 người".

Phương pháp này có thể giảm nguy cơ về bệnh di truyền cho các em bé.

Mẹ của em bé này mắc hội chứng Leigh, một rối loạn di truyền gây ảnh hưởng hệ thần kinh, và mẹ này không muốn "truyền lại" cho con mình DNA lỗi này.

Thủ thuật này hiện bị cấm tại Mỹ, nhưng bác sĩ Zhang đã không phải chịu hình phạt nào do ông thực hiện một phần thủ thuật tại Mexico. Tuy nhiên, ông được yêu cầu ngừng quảng bá về phương pháp này.

FDA đã khiển trách vị bác sĩ này vào tháng 8 năm ngoái, cho biết rằng ông đã tiếp tục quảng cáo về phương pháp giống như là "cách điều trị đầu tiên được công nhận để giải quyết những rối loạn gen di truyền nhất định".

Marcy Darnovsky, người đứng đầu Trung tâm Di truyền và Xã hội, một nhóm giám sát được đặt trụ sở tại Mỹ, đã chia sẻ với báo chí về nỗi lo lắng rằng những sai lầm nhỏ từ thủ thuật này có thể tạo ra những căn bệnh di truyền mới.

Marcy cũng e ngại rằng quá trình có thể sẽ khiến các ba mẹ muốn "thiết kế" bộ gen cho con mình vì những lí do khác.

"Rất nhiều cha mẹ mong mỏi tạo ra những em bé với những đặc điểm như khỏe mạnh hơn, cần ngủ ít hơn, hay đặc biệt là IQ cao hơn. Phương pháp này rất có thể sẽ gây ra những hệ lụy là các "em bé thiết kế".

Theo Nam Phương/Eva/Khám Phá