Trên một số diễn đàn mẹ và bé “có tiếng”, nhiều chị em phụ nữ cảnh báo nhau rằng, sử dụng điều hòa thường xuyên khi mang thai dễ gây dị tật thai nhi. Điều này có đúng?
Những ngày hè nắng nóng, khi mà nhiệt độ ngoài trời có lúc hơn 40 độ C, còn trong nhà cũng phải 35-36 độ C thì việc sử dụng điều hòa để làm mát và “giảm nhiệt” sẽ càng tăng cao, đặc biệt là với phụ nữ đang mang thai. Do sự thay đổi hormone cùng nhiều phản ứng sinh hóa diễn ra trong cơ thể, thân nhiệt của >mẹ bầu sẽ cao hơn so với bình thường nên cảm giác nóng bức, khó chịu, bí bách tăng. Vì vậy, dùng điều hòa là giải pháp hữu hiệu giúp xua tan nắng nóng, bớt căng thẳng hơn.
Vậy nhưng, với thể chất đặc biệt nhạy cảm, mỏng manh và cũng dễ ốm hơn, việc dùng điều hòa làm sao cho “mát mẹ, khỏe con” là việc chị em cần lưu tâm.
Phụ nữ mang thai có nên dùng điều hòa?
Nhiều mẹ bầu tin rằng, họ nên tránh xa điều hòa không khí, hoặc ít nhất là giảm thiểu tối đa việc sử dụng để tránh không khí lạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc cảm cúm hoặc một số bệnh khác. Thực tế, thời tiết nắng nóng, oi bức là nỗi sợ của người bình thường, huống chi bà bầu, với tình trạng phát nhiệt và đổ mồi hôi nhiều, nếu không được tản nhiệt kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến >sức khỏe. Việc dùng điều hòa một cách “thông minh” và thích hợp sẽ giúp “hạ nhiệt” hiệu quả, giúp mẹ bầu cảm thấy thư thái, thoải mái, tâm trạng ít bị kích động, ức chế…
Thêm vào đó, nếu không có điều hòa không khí thích hợp, môi trường trong nhà có thể không đủ không khí trong lành lưu thông. Không khí nóng và ẩm là điều kiện tuyệt vời kích thích sự phát triển của vi khuẩn. Có một máy điều hòa không khí được bảo trì và lắp đặt đúng cách trong nhà sẽ đảm bảo không khí được lưu thông không có bụi, phấn hoa hay các chất gây dị ứng khác…
Cũng không có chuyện dùng điều hòa thường xuyên khi mang thai có thể gây dị tật thai nhi như “đồn đại”.
Nhiệt độ điều hòa thích hợp?
Mức nhiệt từ 23-28 độ C là lý tưởng cho mẹ bầu khi sử dụng điều hòa. Tuyệt đối không để nhiệt độ điều hòa quá lạnh, chỉ nên để mức nhiệt đủ cảm thấy mát bởi sự chênh lệch nhiệt độ quá nhiều giữa trong phòng điều hòa với bên ngoài có thể khiến bà bầu bị “sốc nhiệt” hay mắc một số bệnh khác.
Các mẹ bầu cũng không nên để luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào người. Hay lúc vừa đi bên ngoài trời nắng về, người còn nhễ nhại mồ hôi, tạm thời không bật điều hòa. Nếu cần đi ra ngoài khi trời nắng nóng, bạn nên tắt điều hòa trước khoảng 30 phút cho cơ thể điều hòa và thích ứng với nhiệt độ trước.
Cách sử dụng điều hòa thông minh?
Ngồi trong phòng điều hòa kín quá lâu là điều “tối kỵ” với phụ nữ đang mang thai. Hãy mở điều hòa khoảng 1,5 – 3 tiếng rồi tắt đi, sau đó mở cửa để không khí trong phòng lưu thông ra ngoài, đồng thời đưa không khí trong lành ở bên ngoài vào trong phòng.
Nên kiểm tra, vệ sinh điều hòa định kỳ, đặc biệt là sau thời gian dài không sử dụng điều hòa thì càng cần phải lau chùi sạch sẽ. Sử dụng điều hòa “bẩn” sẽ làm tăng nguy cơ rước bệnh vào người, nhất là với các mẹ bầu, khi mà sức đề kháng kém hơn.
Để một chậu nước trong phòng để không khí không bị khô. Và khi nằm ngủ trong phòng điều hòa, bà bầu nên đắp một chiếc chăn mỏng.
Có nên bật quạt khi dùng điều hòa?
Đây là thói quen, cũng là thắc mắc của nhiều người chứ không riêng gì chị em đang mang thai. Nếu căn phòng của bạn có diện tích rộng và có nhiều đồ vật gây cản trở không khí lưu thông, hoặc nằm đúng hướng ánh nắng… thì bật thêm một chiếc quạt là hợp lý. Còn căn phòng có diện tích nhỏ, đồ đạt ít thì không cần thiết. Việc bật quạt khi đang sử dụng điều hòa nên được cân đối tùy theo hoàn cảnh.
Nên dùng điều hòa bao nhiêu tiếng/ ngày?
Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết ngoài trời để sử dụng điều hòa. Ví dụ, trong những ngày “nắng lửa”, khi nhiệt độ nên cao, bạn có thể dùng điều hòa 15-20 tiếng mỗi ngày. Nhưng vào những ngày tiết trời mát mẻ, 8-10 tiếng sử dụng/ 1 ngày là hợp lý.
Nên tắt điều hòa mỗi khi ra ngoài?
Có việc phải rời phòng trong ít phút thì bạn không nên tắt điều hòa. Lý do rất đơn giản là: dù chỉ 10-15 phút tắt điều hòa cũng khiến mức nhiệt trong phòng thay đổi đáng kể, lúc bật lại thì điều hòa lại phải làm mát từ đầu với công suất cao nhất.
Nên lắp điều hòa ở vị trí nào trong phòng ngủ?
Tuyệt đối không đặt điều hòa đối diện với giường nằm để tránh việc hơi lạnh thổi thẳng vào người dẫn đến cảm cúm hay nhiễm bệnh khác. Bạn có thể chọn đặt điều hòa trên cửa ra vào, đặt trên thẳng cửa sổ phòng hay “ngụy trang” đặt trên một kệ sách… tùy theo mục đích bài trí và diện tích phòng ngủ.