Những câu chuyện mẹ trầm cảm hại con trong mấy ngày qua khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Mẹ sau sinh làm gì để vui vẻ, khỏe mạnh?

An Nhiên (t/h) 11:50 13/02/2022

Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh hiện nay chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 25% trong vòng 12 tháng sau sinh. Đây là chứng bệnh rất phổ biến và nguy hiểm, người bệnh có thể bị trầm cảm nhẹ, vừa hoặc nặng, thoáng qua hoặc kéo dài, dẫn đến những hành động tiêu cực cho bản thân.

Tự tử, giết con vì trầm cảm sau sinh

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần chưa kết thúc thì cộng đồng mạng đã phải lắng nghe nhiều câu chuyện tự tử, sát hại con ruột vì trầm cảm khiến ai nấy đều thương xót, bàng hoàng.

Cụ thể, chiều 5/2, lãnh đạo xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra một vụ án mạng thương tâm. Nạn nhân là bé trai hơn 2 tháng tuổi.

Theo đó, khoảng 6h sáng mùng 5 Tết người thân của chị Lê Thị H. (39 tuổi, ngụ xã Hương Giang) phát hiện đứa con hơn 2 tháng tuổi của chị H. nằm tử vong ở khu vực nhà bếp.

Ngay sau đó, người dân phát hiện chị H. đi xe máy rời khỏi nhà với ý định tự tử nên đã giữ lại đưa về nhà.

"Nguyên nhân ban đầu đươc xác định là chị H. bị trầm cảm sau sinh nên đã dùng dao chém cháu bé", vị lãnh đạo xã Hương Giang nói.

Hiện gia đình đã phối hợp với chính quyền làm lễ an táng cho cháu bé xấu số. Còn chị H. đang được công an tạm giữ để lấy lời khai.

Được biết, vợ chồng chị H. có với nhau 2 người con, một bé trai hơn 4 tuổi và bé trai mới sinh hơn 2 tháng tuổi. Sau sinh chị H. có biểu hiện trầm cảm nặng.

 

Hay mới nhất là vụ việc mẹ tử vong trong tư thế treo cổ, con gái 7 tháng tuổi chết trong máy giặt tại TP.HCM khiến dư luận rúng động.

Cụ thể, sáng 6/2, lãnh đạo UBND phường Tân Tạo cho biết, Công an quận Bình Tân đang phối hợp với Công an TPHCM khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ 2 mẹ con tử vong ở căn nhà trọ trong hẻm Lê Đình Cẩn.

Danh tính nạn nhân được xác định là chị N.T.H.C. (34 tuổi, quê Sóc Trăng), bé L.H.T.A. (7 tháng tuổi, con gái chị C.).

Theo chia sẻ của anh L.B.P. (31 tuổi, quê Sóc Trăng, chồng chị C.), tối 5/2, anh cùng con lớn đi chúc Tết người thân, khi về tới nhà gọi cửa không thấy chị C. ra mở.

Thấy bất thường, anh phá cửa vào và hoảng hốt chứng kiến vợ tử vong trong tư thế treo cổ. Bé A. chết trong máy giặt đặt kế bên. Theo anh P., vợ mình có dấu hiệu trầm cảm sau khi sinh bé thứ hai.

Hàng ngày, anh P. chạy xe ba gác để nuôi gia đình. Dịch bệnh khiến cuộc sống vợ chồng khó khăn nên họ không về quê ăn Tết.

Lãnh đạo UBND phường Tân Tạo cho biết, anh P. là tình nguyện viên tại địa phương. Phường đang tính toán phương án hỗ trợ gia đình này.

Nguyên nhân vụ việc vẫn đang được cơ quan công an làm rõ.

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng thế nào đến >sức khỏe và cuộc sống?

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tết Vinmec Phú Quốc cho biết, vẫn còn nhiều người xem nhẹ chứng trầm cảm sau sinh con, chỉ đến khi bản thân thật sự trải qua thì mới hiểu căn bệnh này có sức ảnh hưởng ghê gớm đến sức khỏe và cuộc sống.

Đối với bản thân người mẹ, trầm cảm sau sinh con có thể khiến mẹ bị suy >dinh dưỡng, sụt cân, suy nhược thần kinh, có những suy nghĩ hoang tưởng và dễ dẫn đến hành vi nguy hiểm, tự gây hại cho bản thân.

Khi đã bị trầm cảm sau sinh con thì người mẹ sẽ không có đủ tâm trí để chăm sóc cho gia đình và đứa con sơ sinh được tốt, gia đình vì thế sẽ không được vui vẻ.

Đặc biệt, khi trầm cảm nặng thì người mẹ thường hay có suy nghĩ tự tử, một số người bị rối loạn tâm thần và luôn có cảm giác bị hại nên luôn tìm cách để trả thù hay đối phó với mọi người muốn đến gần mình.

Thậm chí, có những bà mẹ còn nghĩ con mình bị ma quỷ nhập nên tìm cách trừ tà, hại đến tính mạng của bé. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi phụ nữ bị trầm cảm sau sinh con.

 

Trầm cảm có thể chữa khỏi

Theo ThS.BS Nguyễn Thành Long - Chuyên gia tư vấn tâm thần, Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City: Trầm cảm là một bệnh lý như những bệnh lý thường gặp khác và có thể điều trị được. Vì vậy những người có biểu hiện của việc trầm cảm cần tìm gặp bác sĩ để được điều trị bệnh một cách kịp thời.

Đặc biệt, Bác sĩ Long khuyến cáo: Người trầm cảm cần tránh những việc như sử dụng rượu bia, tự ý sử dụng thuốc. Điều này sẽ làm cho bệnh lý trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó, người bệnh nên chia sẻ, đối thoại với bác sỹ để tìm ra biện pháp thích hợp cho vấn đề của mình, tìm một người tin cậy để chia sẻ cảm xúc. Ăn uống điều độ và vận động hợp lý cũng giúp ích rất nhiều trong điều trị trầm cảm.

Bệnh nhân trầm cảm cần được chăm sóc và quan tâm đặc biệt. Nếu họ không được điều trị, trầm cảm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhưng hãy luôn nhớ rằng trầm cảm là điều trị được. Bằng cách nhận được sự giúp đỡ và tuân theo kế hoạch điều trị của bác sỹ sẽ ngăn ngừa được những biến chứng phức tạp.

Theo Thúy Ngà/Gia Đình Việt Nam