Việc biết được các dấu hiệu bình thường cũng như nguy hiểm trong thai kỳ là vô cùng quan trọng. Có những điều này mẹ bầu cần đi khám ngay nhé!

05:00 21/11/2020

Thai kỳ là khoảng thời gian mà bạn thường có vô vàn thắc mắc về >sức khỏe của bản thân cũng như đứa con sắp chào đời. Việc biết được các dấu hiệu bình thường cũng như nguy hiểm trong thai kỳ là vô cùng quan trọng. Dưới đây là danh sách các lý do khiến >mẹ bầucần sự can thiệp của bác sỹ ngay lập tức.

Xuất huyết âm đạo, sốt, đau nhức cơ thể và ớn lạnh

Mặc dù những phụ nữ có cổ tử cung nhạy cảm thường bị xuất hiện các đốm xuất huyết nhỏ trong thai kỳ, nhưng tình trạng xuất huyết âm đạo từ trung bình tới nặng hoặc xuất huyết âm đạo đi kèm với sốt, đau nhức cơ thể và/hoặc ớn lạnh là các dấu hiệu cho thấy bạn cần đi cấp cứu ngay lập tức.

Hãy đảm bảo rằng bạn luôn biết được chính xác thân nhiệt của mình và kể được rõ ràng các triệu chứng khi đi khám bác sỹ.

Đau đầu, hoa mắt và chóng mặt

Nếu bạn cảm thấy mình thường xuyên bị cơn đau đầu dai dẳng và nghiêm trọng hành hạ - nhất là khi đau đầu kèm với chóng mặt, hoa mắt và/hoặc nhìn mờ - bạn cần phải gọi cho bác sỹ ngay. Hãy tìm một chỗ vững chãi để ngồi xuống và nghỉ ngơi một lúc.

Hãy uống một chút nước (tình trạng mất nước đôi khi cũng gây nên các triệu chứng này) và khi nằm nghỉ nghiêng người về bên trái.

Tiểu thường xuyên và đau rát khi đi tiểu

Mặc dù tiểu tiện thường xuyên là một triệu chứng khá bình thường và phổ biến khi mang thai nhưng đau và nóng rát ở bàng quang lại là một dấu hiệu bất thường, có thể là triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang.

Trong trường hợp này, hãy đi khám ngay lập tức bởi căn bệnh này có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho trẻ như đẻ non, trẻ nhẹ cân khi sinh.

Để phòng nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn nên uống đủ nước, làm rỗng bàng quang trước và sau khi quan hệ, mặc quần lót bằng cotton thoáng khí và tránh mặc các loại quần bó quá chật.

Đau vùng chậu từ trung bình đến nặng

Nhiều bà mẹ cũng thường trải qua những cơn đau vùng chậu khi mang thai nhưng thông thường chỉ nhẹ và thoáng qua. Tuy nhiên, các cơn đau nặng và dai dẳng vùng chậu lại có thể là dấu hiệu cần phải hết sức lưu ý.

Nếu việc thư giãn cơ, uống nhiều nước hoặc nghỉ ngơi không giảm được cơn đau, nhất là khi cơn đau đi kèm với sốt, hãy gọi cho bác sỹ ngay lập tức.

Nôn mửa kèm sốt và đau nhức cơ thể

 

Bạn đã từng trải qua cảm giác buồn nôn hơi khác với tình trạng ốm nghén thông thường hay chưa? Nôn mửa nhiều hơn 1 lần/ngày, sốt và đau nhức cơ thể là những triệu chứng cho thấy bạn cần phải tới bệnh viện. Có thể là bạn đang bị ốm nghén nặng cần làm dịu bằng cách sử dụng thuốc.

Mặc dù ốm nghén bình thường không gây hại cho bạn cũng như con bạn, nhưng tình trạng nôn mửa không thể kiểm soát trong suốt thai kỳ cũng là một vấn đề cần sự can thiệp của bác sỹ.

Ớn lạnh hoặc sốt cao trên 39.4 độ C

Trải qua cảm giác bị sốt thật sự không hề dễ chịu chút nào, đặc biệt trong thai kỳ, sốt ở người mẹ còn có thể gây nên những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng cho đứa trẻ.

Sự sinh trưởng và phát triển của trẻ trong bụng mẹ phụ thuộc vào khả năng duy trì một nhiệt độ tương đối hằng định của cơ thể mẹ (khoảng từ 37 độ C tới 39,4 độ C). Sự tăng bất thường của thân nhiệt người mẹ trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, chậm chí gây sảy thai.

Vào các giai đoạn muộn hơn trong thai kỳ, thân nhiệt cao của mẹ không ảnh hưởng quá nhiều đến trẻ. Tuy nhiên, đó vẫn có thể là dấu hiệu báo hiệu một bệnh nhiễm trùng hay một vấn đề sức khỏe nào khác mà cần sự can thiệp của bác sỹ.

Tiết dịch âm đạo nhiều và thường xuyên

Nếu bạn đang ở trong giai đoạn cuối thai kỳ, việc tiết dịch thường xuyên có thể là dấu hiệu túi ối của bạn đã bị vỡ và bạn sắp sinh em bé, do vậy hãy tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Còn nếu bạn bị tiết dịch thường xuyên trước tuần thứ 37, bạn cũng nên liên lạc với bác sỹ ngay bởi đây có thể là triệu chứng của sinh non. Ngoài ra, hiện tượng tiết dịch kèm theo co thắt cũng là lý do yêu cầu bạn phải đi khám ngay.

Sưng ở bàn tay, bàn chân và mặt

Nếu bàn tay, bàn chân và khuôn mặt bạn đột ngột bị sưng trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, đó có thể không phải là dấu hiệu phù do giữ nước như bạn tưởng mà là triệu chứng của tiền sản giật.

Tiền sản giật, hoặc tăng huyết áp thai kỳ là một biến chứng sản khoa nghiêm trọng cần được sự can thiệp của bác sỹ ngay lập tức. Một dấu hiệu của tiền sản giật khác bạn cũng nên lưu ý đó là hiện tượng nhìn mờ đột ngột.

Thai nhi không có dấu hiệu chuyển động

Vào giai đoạn cuối thai kỳ, bạn có thể bắt đầu việc theo dõi sự chuyển động của thai nhi bằng cách đếm số lần trẻ đạp vào thành bụng trong một khoảng thời gian nhất định. Các bác sỹ khuyên rằng bạn nên kiểm tra khoảng vài lần mỗi ngày và ước tính khoảng 10 lần chuyển động trong 10 phút đối với thai bình thường.

Trường hợp bạn thử vẫn đếm thường xuyên nhưng không có cảm giác trẻ chuyển động, hãy uống một cốc nước hoa quả (đường trong nước quả sẽ làm tăng nồng độ đường huyết của trẻ và thúc đẩy trẻ di chuyển), sau đó nằm xuống nghiêng người về bên trái trong một phòng yên tĩnh khoảng 30 phút.

Nếu sau lần thử thứ hai bạn vẫn không thấy bất cứ chuyển động nào của trẻ, hoặc bạn chỉ thấy thai nhi chuyển động dưới 10 lần trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.

Theo Gia Đình Mới