Nuôi con bằng sữa mẹ là lựa chọn không ít gian nan, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực từng ngày của người mẹ. Và chị My đã hoàn toàn thành công trên hành trình này.

06:35 05/07/2018

Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những vấn đề ngày càng được nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Đối với mỗi người mẹ, mỗi lần mang thai và sinh con lại là một trải nghiệm khác nhau. Khi sinh bé đầu, mẹ nào cũng bối rối, hoang mang trước vai trò mới mẻ của mình. Nhưng khi sinh bé thứ hai, chắc hẳn mẹ sẽ rút được không ít kinh nghiệm quý giá và nhanh chóng thích nghi hơn. Đó cũng là câu chuyện của chị Đặng Nga My (28 tuổi, giáo viên sống tại Hà Nội). 

Khi sinh bé đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị My phải cho bé bú thêm sữa công thức từ tháng thứ 6. Đến bé thứ 2, chị đã thành công mỹ mãn trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ khi bé được bú mẹ hoàn toàn và chị còn trữ được hơn 100 lít sữa cho con. Hãy cùng tìm hiểu những tuyệt chiêu giúp sữa về dồi dào của bà mẹ này. 

 

Chị My thường xuyên nhận được yêu cầu chia sẻ kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ.

1. Chuẩn bị kiến thức tiền sản thật tốt, sẵn sàng bước vào "cuộc chiến" 

Nuôi con bằng sữa mẹ là lựa chọn không ít gian nan, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực từng ngày của người mẹ. Chính vì vậy dù đã sinh bé thứ 2 nhưng chị My vẫn cố gắng trang bị những kiến thức tiền sản, nuôi con bằng sữa mẹ bằng cách tham gia các lớp học tiền sản tại bệnh viện ngay từ khi mang thai. Ngoài ra. chị còn chủ động tìm hiểu thông tin về vấn đề này thông qua sách, báo, mạng xã hội và tự rút kinh nghiệm từ lần sinh đầu. 

"Qua lần sinh con đầu lòng, mình đã biết cách lắng nghe và chăm sóc cơ thể hơn, hiểu cơ chế của việc tiết sữa, tự nhận định và giải quyết được những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ như hiện tượng tắc tia sữa, thiếu sữa, sốt do tắc sữa, điều chỉnh tốc độ chảy của dòng sữa khi cho con bú... để làm tốt hơn trong lần thứ 2 này. Đối với mình, mỗi em bé không phải là một chiếc bình cần được lấp đầy, mà mỗi đứa con khi ra đời chính là một thế giới thu nhỏ khác nhau mà cha mẹ cần phải lắng nghe bằng cả trái tim để khám phá và hòa hợp. Cũng giống như người lớn chúng ta, mỗi trẻ có một tính cách và thể trạng khác nhau đòi hỏi người chăm sóc có kiến thức và kĩ năng để “giao tiếp” được với bé", chị My chia sẻ. 

Sau lần sinh đầu tiên, chị My đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi con.

2. Ăn khoa học, uống đầy đủ 

Dinh dưỡng có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Chính vì vật chị My đã tìm hiểu rất kỹ càng, sau liệt kê được một thực đơn hoàn hảo cho phụ nữ sau sinh, bao gồm các món giúp bồi bổ cơ thể sau sinh, các món thông tia sữa, các món lợi sữa, những thực phẩm nên ăn, nên tránh...và công thức chế biến các món ăn này. Chị chuẩn bị sẵn sàng giúp cho người nhà dễ dàng trong việc chăm sóc, nấu nướng, đa dạng hóa bữa ăn để tránh gây nhàm chán cho mẹ bò sữa.

Chị chia sẻ: "Khi bé bú gấp đôi gấp ba thì mẹ cũng phải ăn uống gấp đôi gấp ba. Ăn vừa phải nhưng đủ chất, giàu đạm và protein, chất xơ và khoáng ( tinh bột ăn vừa đủ, không ăn quá nhiều, ưu tiên thực phẩm giàu >dinh dưỡng: thịt bò, trứng, sữa và chế phẩm sữa, cá, tôm...). Tuyệt đối không được để bụng đói, dạ khát mà cố hút sữa – đó thực sự là một sự tra tấn đối với cơ thể mẹ, vừa không đạt được mục đích nhiều sữa, lại dễ khiến mẹ bị sụt cân, gầy ốm tiều tụy, suy nhược cơ thể. Nói cách khác, nếu không chủ động điều chỉnh lượng tiết sữa thì đối với những mẹ cơ địa nhiều sữa như bản thân mình, dễ biến thành “ con dao hai lưỡi. 

Theo mình, các món ăn lợi sữa cần được sử dụng đúng thời điểm (khi tia sữa đã được thông), nếu không có thể gây tác dụng ngược khiến tình trạng tắc tia sữa càng trở nên trầm trọng hơn.

Hiện nay chị My đã trữ được hơn 100 lít sữa mẹ.

Móng giò, chân chó, chân dê, vú bò... là món ăn lợi sữa, tuy nhiên nó chỉ phát huy tác dụng nếu ăn chung với các thực phẩm có tác dụng thông tia sữa khác như: đu đủ xanh, lá đinh lăng, quả sung, hoa chuối... nếu không dễ gây tắc tia sữa vì thành phần mỡ và collagen trong da động vật sau khi hấp thụ vào cơ thể mẹ khiến sữa trở nên đặc sánh hơn. Trong thực đơn một tuần chỉ nên ăn 1-2 lần các món hầm này, ngoài ra các mẹ có thể lựa chọn các món ăn lợi sữa khác nguồn gốc từ thực vật: vừa lợi sữa vừa không làm mẹ bị tăng cân mất kiểm soát: VD: rau thìa là, rong biển, chè lá vằng sẻ, rễ cây đinh lăng phơi khô..."

Bên cạnh việc ăn thì uống nước cũng cực kỳ quan trọng khi nuôi con bằng sữa mẹ. Chị My khuyên các mẹ sau sinh cần luôn luôn uống đủ nước, không để cơ thể bị thiếu nước sẽ không thể tiết sữa. Như chị sinh bé vào mùa hè, cơ thể toát mồ hôi nên một ngày trung bình chị uống khoảng 3-4 lít nước, 500ml sữa, 1-2 quả dừa hoặc 500ml nước hầm đậu đen, mỗi bữa đều húp sạch một tô canh hoặc nước luộc rau tương đương khoảng 300-500ml. Như vậy, tính sơ bộ mỗi ngày cơ thể tiếp nhận khoảng 5-6 lít nước.

3. Không để cơ thể mệt mỏi, giữ tinh thần vui vẻ

Bên cạnh chế độ ăn uống thì chị My khẳng định tinh thần của người mẹ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiết sữa. 

"Theo mình, việc tiết sữa cũng cần phải có năng lượng, vì vậy trong khi cho con bú, mình hạn chế những việc dễ khiến cơ thể mệt mỏi stress như lao động nặng, dọn dẹp nhà cửa, di chuyển xa, ra ngoài khi trời nắng gắt/lạnh giá/mưa..., tránh không để bị ốm vặt, tránh tiếp xúc đông người. Mục đích là để cho cơ thể được nghỉ ngơi, tẩm bổ, để dành năng lượng cho việc tiết sữa.

Có thể khó tin nhưng thực sự vào những lúc khó khăn, đau đớn trong hành trình nuôi con mình không cảm thấy lo lắng. Ngược lại, cảm thấy quyết tâm. Có lẽ vì tình yêu với con trẻ giúp mình vượt qua được chính bản thân. Và một phần là do đã được trang bị kiến thức tiền sản kĩ lưỡng và kinh nghiệm từ lần sinh con đầu lòng nên mình thấy mình bình tĩnh và mạnh mẽ hơn. Từ đó những khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ cũng dễ dàng hóa giải hơn". 

Chị My may mắn vì trong quá trình mang thai, sinh nở và nuôi con luôn có chồng đồng hành.

4. Ưu tiên cho con bú trực tiếp, hút sữa theo cữ hợp lý 

Theo kinh nghiệm của bản thân, chị My cho biết cho con bú trực tiếp càng nhiều càng tốt nhưng việc cho bú trực tiếp nên diễn ra vào ban ngày. Các em bé có xu hướng buồn ngủ trong khi bú, dẫn đến việc là bé ăn chưa no hẳn nhưng đã chìm vào giấc ngủ, và ngủ chưa lâu sau thì lại bị đánh thức dậy bởi cơn đói. Như vậy thời gian giấc ngủ không kéo dài. Lợi dụng việc này, các mẹ nên tập cho bé ngủ theo phương pháp EASY từ tháng thứ 2 trở đi. Bằng cách cho bé bú mẹ ban ngày, ngủ những giấc ngắn, thời gian ngủ không quá nhiều để bé có thời gian thức chơi, khám phá mọi thứ xung quanh, tập thể dục, trò truyện với bố mẹ. 

Đến đêm, mẹ hút sữa và chia nhỏ thành các bình để cho bé ăn, việc này có 3 ưu điểm: thứ nhất, mẹ dễ dàng ước lượng được sức ăn tối đa của con trong một lần để cho bé ăn no 100%, bé ngủ dài và sâu hơn. Thứ hai, mẹ có thể nhờ người thân ( chồng, ông bà...) hỗ trợ cho bé ăn ban đêm để mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Thứ ba, khi cho con bú mẹ sẽ dễ buồn ngủ, thậm chí có trường hợp mẹ nhiều sữa mà ngủ quên, khi thiếp đi không kịp điều chỉnh lượng sữa, lại cho con bú nằm khiến bé bị sặc lên mũi mà người mẹ không hay biết, dẫn tới tử vong rất thương tâm. Cho nên vào ban đêm, cho bé bú bình sẽ phần nào an toàn (tốc độ dòng sữa ở bình khá ổn định, tránh cho bé không bị sặc sữa.

Chị My khẳng định hành trình nuôi con bằng sữa mẹ là hành trình rất gian nan.

Bên cạnh việc cho bé bú thì chị My cũng duy trì hút sữa theo cữ hàng ngày để tránh tắc tia sữa. Tuy nhiên, chị My không "ham" hút nhiều để trữ mà khi thấy lượng sữa tiết ra nhiều gấp khoảng 3-4 lần so với nhu cầu của con, chị lập tức điều chỉnh lại khoảng cách giữa các lần hút sữa.

"Trước đây mình hút 2-3h/lần nhưng bây giờ giảm xuống là 4-5h/lần. Mỗi cữ ngày tiết ra được khoảng 350 – 400ml sữa, ban đêm cữ dài hơn nên sẽ khoảng  400 - 530ml/cữ. Trung bình mỗi ngày mình sẽ hút được khoảng 2,6 lít sữa", chị My chia sẻ. 

Với những kinh nghiệm quý giá của mình, chị My cho biết chị hy vọng sẽ giúp những người mẹ trẻ như chị được truyền thêm nguồn cảm hứng để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong những năm đầu đời.

Theo Minh An/Eva/Khám Phá