“Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được khoảnh khắc 2 vợ chồng nắm tay nhau, nhìn ra cửa sổ, trên bầu trời đêm là 1-2 quả pháo bắn muộn lúc gần 1 giờ đêm mùng 1 Tết".
“Khi vợ trong phòng sinh chồng ngồi bên ngoài làm gì?”, có bao giờ các chị hỏi chồng mình như vậy, câu trả lời nhận về thế nào, có đủ làm các chị thỏa mãn? Với anh Hạ Hồng Việt (25 tuổi, Hà Nội), mỗi giây phút nhìn vợ trên bàn sinh là mỗi phút lòng anh nóng như lửa đốt.
Khác với Tết mọi năm, năm nay gia đình anh Việt đón năm mới trong bệnh viện, không bánh kẹo, không mứt ngọt, không cả những phút giây quây quần. Thế nhưng, với anh đây là cái Tết hạnh phúc nhất bởi từ hôm ấy gia đình anh có thêm thành viên mới ra đời, chính thức “đá đít” một loạt bố mẹ, ông bà các bên lên chức.
Dù đã qua cơn “choáng váng” mấy ngày, nhưng khi nhớ lại khoảng khắc vợ đi đẻ anh không thể cầm lòng nổi: “Đêm giao thừa không hương khói, không đếm ngược, chỉ đơn giản là những khoảnh khắc nhói trong tim khi nhìn vợ đau trong phòng đẻ. Tay nắm tay, cứ 5-10 phút một lượt tay cô ấy lại xiết tay tôi thật chặt. Chiếc nhẫn cưới lúc đó còn chà xát vào tay tôi mạnh hơn nữa, nhưng hơn lúc nào hết tôi biết rằng cô ấy đang chịu 1 cơn đau lớn hơn tôi rất nhiều, trên cuộc hành trình vĩ đại của một người mẹ”.
Khác với nỗi đau thể xác của các bà mẹ trong phòng sinh. Ở phía ngoài là cuộc chiến từ tâm khảm và cảm giác bất lực cứ trực trào không cách nào đè nén của người thân, nhất là những ông chồng. Ai trải qua cảm giác ngồi bên ngoài chờ vợ, chị, em… trong phòng sinh hay nhìn vợ đau đớn, quằn quại lúc chuẩn bị lâm bồn hẳn hiểu hơn tất thẩy cảm giác khó nói này.
Với anh Việt, cảm giác đó được gói gọn trong 2 chữ “xót xa”, anh nói: “Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được khoảnh khắc 2 vợ chồng nắm tay nhau, nhìn ra cửa sổ, trên bầu trời đêm là 1-2 quả pháo bắn muộn lúc gần 1h đêm mùng 1. Một khoảnh khắc rất bình yên và cũng rất xót xa”.
Đến ngày mùng 3 Tết, sau khi mọi chuyện có vẻ ổn thoả hơn rất nhiều, những bối rối của việc lên chức cũng đã được lấp đầy. Anh trở về nhà, mở máy tính lên. Âm thanh đầu tiên là đoạn nhạc kết của một bộ phim 2 vợ chồng cùng nhau xem vào đêm 29 Tết - một trong những hoạt động thư giãn hiếm hoi cả 2 có cùng nhau, anh lại nhớ lại ngày chị chuyển dạ.
“Sau bộ phim đó, tôi thì ngủ được, cô ấy thì chập chờn bởi những cơn đau lại đến. 3h đêm vợ chồng dậy dắt díu nhau vào bệnh viện. Những cơn đau cứ thế nối tiếp và cô ấy phải chịu đựng hơn 1 ngày. Tôi không biết bao nhiêu lần thốt lên cô ấy quá giỏi. Không biết bao nhiêu lần tôi nhìn cô ấy và thầm nể phục. Hàng đống cảm xúc có thể xảy đến cùng lúc trong một khoảnh khắc và chẳng lời nào diễn tả hết được.
Sáng mùng 1, khi mọi người cùng chào năm mới, thì gia đình tôi được đón thêm một thành viên mới. Và điều quan trọng hơn là mọi thứ đang dần tốt lên, với cả mẹ và con. Tôi cứ nhìn vợ, nhìn con, một người vẫn đang còn đó những cơn đau và những sự lo lắng, một người vô tư lự nhắm mắt ngủ êm đềm, đói thì kêu, lạnh thì kêu, khó chịu thì kêu. Trong đầu lúc đó tôi chỉ văng vẳng câu hát: "Có bình yên nào không xót xa!", anh Việt tâm sự.
Trải qua những giờ căng thẳng, chứng kiến tất cả hành trình từ khi còn son trẻ, tới lúc mang bầu rồi trận chiến sinh con đầy máu và nước mắt càng khiến người đàn ông này thêm yêu và thương vợ nhiều hơn.
Với anh, mỗi người vợ khi trải qua quá trình sinh nở đau đớn đều rất vĩ đại. Bởi vậy họ xứng đáng được nhận về đủ đầy và tràn ngập sự trân trọng, yêu thương vô điều kiện từ người chồng và cả những người thân trong gia đình.
“Những người mẹ thật vĩ đại, nhận lấy muôn phần đau đớn, để mang đến những sinh linh mới cho cuộc đời. Họ xứng đáng nhận được sự trân trọng, yêu thương và quan tâm vô điều kiện từ người thân trong gia đình.
Hãy cố gắng quan tâm, lắng nghe, hoặc ít nhất là hãy hiện diện bên họ. Đó là điều tôi thấm thía, sẽ cố gắng hơn nữa trong cuộc sống của mình và thực sự mong những người thân, người bạn của tôi cũng hãy trân trọng những người mẹ như vậy!”, anh Việt bộc bạch.
Cuối cùng, anh Việt dành tới vợ mình lới cảm ơn chân thành nhất. "Cảm ơn vì em đã thật kiên cường, mạnh mẽ và luôn mỉm cười!”, anh viết.
Dưới đây là toàn bộ những dòng chia sẻ trên facebook cá nhân của anh Hạ Hồng Việt:
"Có bình yên nào không xót xa..."
Tết năm nay sẽ là một trong những ngày tháng khó quên nhất của tôi cũng như gia đình, khi mà thành viên mới ra đời đá đít một loạt bố mẹ ông bà các bên lên chức. Đêm giao thừa không hương khói, không countdown và đếm ngược, chỉ đơn giản là những khoảnh khắc nhói trong tim khi nhìn vợ đau trong phòng đẻ. Tay nắm tay, cứ 5-10 phút một lượt tay cô ấy lại xiết tay tôi thật chặt. Chiếc nhẫn cưới lúc đó còn chà xát vào tay tôi mạnh hơn nữa, nhưng hơn lúc nào hết tôi biết rằng cô ấy đang chịu 1 cơn đau lớn hơn tôi rất nhiều, trên cuộc hành trình vĩ đại của một người mẹ.
Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được khoảnh khắc 2 vợ chồng nắm tay nhau, nhìn ra cửa sổ, trên bầu trời đêm là 1-2 quả pháo bắn muộn lúc gần 1h đêm mùng 1. Một khoảnh khắc rất bình yên và cũng rất xót xa.
Ngày hôm nay, mùng 3 Tết, sau khi mọi chuyện có vẻ ổn thoả hơn rất nhiều sau những bối rối của việc lên chức, tôi cũng đã mở máy tính lên. Âm thanh đầu tiên là đoạn nhạc kết của một bộ phim tôi và cô ấy xem cùng nhau đêm 29 Tết, là một trong những hoạt động thư giãn hiếm hoi cả 2 có cùng nhau. Rồi tôi nhớ lại, sau bộ phim đó, tôi thì ngủ được, cô ấy thì chập chờn bởi những cơn đau lại đến. 3h đêm vợ chồng dậy dắt díu nhau vào bệnh viện. Những cơn đau cứ thế nối tiếp và cô ấy phải chịu đựng hơn 1 ngày. Tôi không biết bao nhiêu lần thốt lên cô ấy quá giỏi. Không biết bao nhiêu lần tôi nhìn cô ấy và thầm nể phục. Hàng đống cảm xúc có thể xảy đến cùng lúc trong một khoảnh khắc và chẳng lời nào diễn tả hết được.
Sáng mùng 1, khi mọi người cùng chào năm mới, thì gia đình tôi được đón thêm một thành viên mới. Và điều quan trọng hơn là mọi thứ đang dần tốt lên, với cả mẹ và con. Tôi cứ nhìn vợ, nhìn con, một người vẫn đang còn đó những cơn đau và những sự lo lắng, một người vô tư lự nhắm mắt ngủ êm đềm, đói thì kêu, lạnh thì kêu, khó chịu thì kêu. Trong đầu lúc đó tôi chỉ văng vẳng câu hát: "Có bình yên nào không xót xa!"
Những người mẹ thật vĩ đại, nhận lấy muôn phần đau đớn, để mang đến những sinh linh mới cho cuộc đời. Họ xứng đáng nhận được sự trân trọng, yêu thương và quan tâm vô điều kiện từ người thân trong gia đình. Hãy cố gắng quan tâm, lắng nghe, hoặc ít nhất là hãy hiện diện bên họ. Đó là điều tôi thấm thía, sẽ cố gắng hơn nữa trong cuộc sống của mình và thực sự mong những người thân, người bạn của tôi cũng hãy trân trọng những người mẹ như vậy!
Trước đây tôi từng nghe thấy nhiều người kể về "đón Tết trong viện" với những ấn tượng xấu, những kỷ niệm buồn. Năm nay tôi cũng đón Tết trong viện, không bánh kẹo, không mứt ngọt, không cả những phút giây quây quần. Gia đình tôi mỗi người một nơi, nhưng tôi tin rằng ai cũng đã có một cái Tết hạnh phúc và không thể quên.
Cảm ơn em đã thật kiên cường, mạnh mẽ và luôn mỉm cười!