Bác sĩ Lê Tiểu My (Bệnh viện Mỹ Đức, TP. HCM) có những chia sẻ về các xét nghiệm quan trọng mẹ cần thực hiện trong thai kỳ.
Xét nghiệm là một phần quan trọng của việc theo dõi thai kỳ. Xét nghiệm không phải kiếm lý do để bỏ thai mà để biết con mình và bản thân có vấn đề sức khoẻ gì để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sinh, cho cuộc sống sau này.
1. Mang thai xét nghiệm máu có sao không?
Rất có sao, những ngôi sao chỉ đường cho bạn hướng cần đi, để tầm soát và chẩn đoán những bất thường của hai mẹ con. Miễn là làm đúng thời điểm, đúng chỉ định.
2. Các xét nghiệm quan trọng theo giai đoạn của thai kỳ
- Mới có thai: Công thức máu, nhóm máu, HIV, Viêm gan siêu vi B (+/- siêu vi C), Rubella.
- Zika virus: qua mùa Zika virus rồi nên không ai để ý, hiện tại không xét nghiệm thường quy nếu không có yếu tố nguy cơ (ví dụ bạn hay chồng có du lịch đến vùng lưu hành dịch).
- Xét nghiệm Double test khi thai khoảng 11-12 tuần. Đây là xét nghiệm quan trọng trong tầm soát một số bất thường nhiễm sắc thể, ví dụ T21 trong hội chứng Down. Bạn cố gắng đừng bỏ qua xét nghiệm này (cộng thêm siêu âm đo độ mờ da gáy)
- Một số xét nghiệm chẩn đoán đặc biệt: sinh thiết gai nhau, NIPT, chọc ối. Những loại XN này ở nước ta không thực hiện cho tất cả bệnh nhân mà khi cần chỉ định bác sĩ sẽ giải thích và tư vấn.
- Tầm soát đái tháo đường thai kỳ: thực hiện khi thai từ 24-28 tuần. Ăn nhiều, ăn ngọt, uống nước mía, ăn cho hai người, ăn bồi dưỡng…đó, toàn là điều kiện thuận lợi.
- Xét nghiệm GBS: là một loại vi khuẩn trong âm đạo và trực tràng, hầu hết không gây triệu chứng. Mẹ nhiễm GBS có thể lây cho thai nhi trong quá trình mang thai gây hại cho bé. Xét nghiệm này thực hiện tuần 35-37 của thai kỳ, bác sĩ lấy dịch từ âm đạo và hậu môn đem xét nghiệm.
Bác sĩ Lê Tiểu My cũng khuyên >mẹ bầu nên thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khi được các bác sĩ chỉ định. Xét nghiệm không phải kiếm lý do để bỏ thai (bỏ hay không do bạn quyết định). Xét nghiệm để biết con mình và bản thân có vấn đề sức khoẻ gì để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sinh, cho cuộc sống sau này. Đừng để bất ngờ ập đến, vì thật ra, nhiều khi làm đầy đủ hết vẫn có những bất ngờ không mong muốn. Hoặc có những bệnh lý cần xử lý ngay sau khi bé vừa ra khỏi bụng mẹ, với sự giúp đỡ của các bác sĩ Nhi sơ sinh.