Lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng mách mẹ một số bài thuốc dinh dưỡng Y học cổ truyền là các món ăn bổ dưỡng cho bà bầu có công dụng giúp dưỡng thai an toàn, khỏe mạnh.
Theo Lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng, lúc phụ nữ mang thai, huyết phải tập trung để nuôi thai. Ở phụ nữ huyết thường không đủ, khí thường có dư, nay huyết lại được tập trung để nuôi thai nên càng thiếu. Huyết thiếu dễ thương âm, âm hư sẽ sinh nội nhiệt.
Lúc này, người phụ nữ có nhiều thay đổi vì vậy dễ có bệnh. Bệnh lúc này vừa ảnh hưởng đến sức khoẻ của thai phụ, vừa ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Bệnh thai sản có nhiều loại như: Nôn mửa khi có thai (ác trở), đau bụng khi có thai, đái khó (tử lâm), phù khi có thai (tử thũng), sản giật (tử sản), động thai ra huyết (thai lậu), sẩy thai, đẻ non (tiểu sản), thai lưu, đẻ khó…
Quá trình mang thai người mẹ phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả và sự hi sinh để con sinh ra được khỏe mạnh. Dưới đây là một số bài thuốc >dinh dưỡng Y học cổ truyền có công dụng giúp dưỡng thai an toàn, khỏe mạnh mà >mẹ bầu nên biết.
1. Dưỡng thai từ Ngải cứu và Trứng gà
Theo Đông y, ngải cứu có vị đắng, hơi cay, mùi hắc, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận, có tác dụng làm tan hàn thấp, ôn bào cung, cầm máu, an thai, thông kinh, sát trùng, giảm đau. Ngải cứu vừa là thực phẩm được sử dụng trong nhiều món ăn vừa là một vị thuốc chữa bệnh rất tốt. Bộ phận dùng để ăn và làm vị thuốc thường là lá.
Đối với phụ có thai có thể sử dụng ngải cứu kết hợp với trứng gà để ôn kinh, an thai dùng cho những thai phụ có các biểu hiện của chứng hư hàn như sắc mặt nhợt nhạt, sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng đau, mỏi gối, hay hồi hộp, khó thở, chán ăn, đại tiện loãng, dễ sảy thai, âm đạo ra huyết lượng ít sắc nhợt…
Cách chế biến món ăn bài thuốc này rất đơn giản: Dùng 20g ngải cứu rửa sạch với 2 quả trứng gà luộc bóc bỏ vỏ, sau đó cho ngải cứu và trứng gà vào nồi đổ thêm nước đun to lửa cho sôi rồi hạ lửa đun tiếp chừng 1-2 giờ là được, thêm gia vị vừa ăn.
2. Dưỡng thai từ cá diếc
Theo Lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng, cá diếc (tức ngư) là loại cá đồng được làm thực phẩm trong các gia đình. Ngoài ra cá Diếc còn được biết đến là loại cá chứa nhiều chất dinh dưỡng, nó được dùng làm thực phẩm để tẩm bổ cho phụ nữ mang thai với tác dụng kiện tỳ hành khí, hòa vị, chỉ ẩu. Các thai phụ có các triệu chứng buồn nôn, ăn kém, chậm tiêu, ngực bụng đầy chướng, mệt mỏi, đại tiện lỏng nát, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhớt đều dùng rất tốt.
Thịt cá diếc vị ngọt, tính ấm, không độc, nấu với rau Rút làm canh ăn chữa dạ dày bất ổn, biếng ăn, nấu với Ngũ vị tử hạ khí ấm bụng, chữa hư yếu, nấu với đậu đỏ tiêu phù thũng. Trong các loại cá chỉ có cá diếc là tốt với tất cả mọi người, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và sau sinh đẻ.
Cách chế biến: Dùng 2 con cá diếc mổ bụng rửa sạch, bỏ hết nội tạng cùng với 15g tía tô, 6g sa nhân và 6 lát gừng tươi, cho vào nồi đổ thêm nước hầm nhừ tầm 2-3 giờ là dùng được. Mẹ bầu nên nêm gia vị cho vừa ăn, chia làm vài phần sử dụng trong ngày.
3. Cháo hầm bồ câu
Thịt chim bồ câu rất giàu dinh dưỡng lại vô cùng thơm ngon, dễ hấp thu và dễ tiêu hóa hơn các loại thịt gia cầm khác vì vậy rất thích hợp với phụ nữ mang thai. Trong thịt chim bồ câu có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể như canxi, sắt, lipit; đặc biệt hàm lượng chất đạm (protein) có trong thịt bồ câu chiếm hơn 22% nhưng lượng chất béo (cholesterol) lại rất thấp, chỉ có 6% nên mẹ bầu có thể yên tâm tẩm bổ mà không phải lo lắng việc ăn quá nhiều cháo hầm bồ câu gây tăng cân quá nhiều.
Lương y Sáng cho rằng, từ lâu người ra đã coi thịt chim bồ câu là một trong nhiều món ăn dưỡng thai rất tốt. Ngoài nấu cháo, chị em có thể hầm bồ câu cùng hạt sen, đậu xanh, tổ yến để đa dạng thực đơn.
4. Cháo cá chép
Cháo cá chép là một trong số các món ăn bổ dưỡng cho bà bầu quen thuộc từ ngàn xưa. Thực tế thấy rằng, thịt cá chép ngon, tính bình có tác dụng lợi tiểu tiện, tiêu phù thũng, an thai, thông sữa, hạ khí, tốt cho hệ tiêu hóa, bớt ho suyễn, chữa mẩn ngứa....
Đặc biệt, với bà bầu và sản phụ sau sinh cháo cá chép được biết đến nhiều là món ăn an thai, lợi sữa. Quan niệm dân gian cho rằng, trong thai kì bà bầu ăn cháo cá chép thường xuyên sẽ sinh ra những đứa con thông minh, da dẻ hồng hào, khỏe mạnh. Vì trong thịt cá chép có nhiều protein và các axit amin, chất béo cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.
Thịt cá chép ngon, tính bình có tác dụng lợi tểu tiện, tiêu phù thũng, an thai, thông sữa, hạ khí, bớt ho suyễn.
"Một số bà mẹ mang thai thời kì đầu thường lựa chọn cháo cá chép để bổ sung dinh dưỡng đồng thời đề phòng tình trạng động thai. Ngược lại, ở giai đoạn gần cuối thai kì, cháo cá chép kết hợp với gừng và đậu đỏ lại có tác dụng giảm tình trạng tê phù chân tay và lợi tiểu cho mẹ bầu khi sát ngày sinh" - Lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng phân tích.
5. Gà ác hầm hạt sen và thuốc bắc
Đây là món ăn có mùi vị thơm ngon, hấp dẫn lại rất quý và vô cùng bổ dưỡng, đặc biệt thích hợp với mẹ bầu đang mang thai những tháng đầu, bị ốm nghén và các chứng hư tổn.
Vì sao gà ác hầm hạt sen và thuốc bắc lại là một trong các món ăn bổ dưỡng cho bà bầu? Bởi thịt gà ác có thành phần dinh dưỡng cao gồm protein, các chất béo có lợi, chất khoáng... khi được nấu cùng các vị thuốc bắc như nhân sâm, táo đỏ, kỷ tử, ý dĩ, hoài sơn... có công dụng chữa chán ăn, suy nhược cơ thể, bổ máu.
Ngoài ra, việc kết hợp gà ác cùng hạt sen giúp mẹ bầu chữa mất ngủ, an thần rất tốt. Đây chính là món ăn thuốc vô cùng bổ dưỡng dành cho phụ nữ mang thai.
6. Dưỡng thai từ rau má trứng gà
Là một món ăn bài thuốc dưỡng thai, làm cho mẹ khỏe, con khi ra đời ít bị mụn nhọt, rôm sảy.
Cách chế biến: Rau má 01 nắm (giã dập nát), Gừng tươi 03 lát mỏng, đun sôi, chắt lấy 01 cốc, đập một lòng đỏ trứng gà, khuấy đều, uống ấm (lúc đói), tuần 03 lần.
Rau má vị đắng, hơi ngọt, vào can, tỳ, vị, thanh nhiệt, giải độc, chữa bụng xôn xao, nóng ruột, nhiệt uất, chán ăn, trẻ em cam nhiệt, tiện táo.
Lương y Bùi Đắc Sáng nhấn mạnh, trứng gà là thực phẩm phổ biến trong gia đình vì trong trứng gà gần như chứa đầy đủ các dưỡng chất có lợi cho cơ thể và >sức khỏe.