Sau khi sinh, có tới 73% các mẹ thường trải qua những cơn ác mộng liên quan đến đứa con mới chào đời.
Nhiều mẹ khi mang thai thường gặp mộng đẹp, nhưng kể từ sau khi sinh thì những cơn ác mộng liên tiếp kéo đến khiến họ sợ hãi. Không ít các mẹ giật mình tỉnh dậy khi mơ thấy đứa con bé bỏng gặp nguy hiểm, nguyên nhân do đâu khiến các mẹ sau sinh thường gặp ác mộng như vậy?
Theo một báo cáo cho thấy sau khi sinh, có đến 73% các mẹ thường trải qua cơn ác mộng, đặc biệt là đều liên quan đến đứa trẻ mới chào đời. Trong những cơn ác mộng các mẹ thường thấy con mình gặp nguy hiểm và sau khi tỉnh dậy có 42% các mẹ cảm thấy rất lo lắng. Thậm chí có mẹ còn bất an đến nỗi đưa con đến bệnh viện kiểm tra >sức khỏe.
Theo các nhà khoa học, có 2 nguyên nhân chính khiến các mẹ sau sinh thường gặp ác mộng:
1. Mệt mỏi sau sinh
Những giấc mơ thường xuất hiện ở giai đoạn nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp thở và huyết áp đều tăng lên, nhãn cầu chuyển động nhanh qua lại trong khi cơ tay chân tạm thời không hoạt động.
Sau khi sinh, các mẹ hầu như đảm trách nhiệm vụ chăm con cả ngày lẫn đêm nên nhanh bị mất sức. Khi các mẹ chìm vào giấc ngủ trong trạng thái mệt mỏi, giai đoạn nhãn cầu chuyển động nhanh qua lại sẽ kéo dài hơn người bình thường. Khi đó, các mẹ sẽ nằm mơ, thậm chí gặp ác mộng nhiều hơn người bình thường.
2. Đặt toàn bộ tâm trí vào đứa trẻ
Trong quá trình ngủ, bộ não của con người không nghỉ ngơi hoàn toàn. Một phần não vẫn ở trạng thái kích thích, khiến thần kinh hưng phấn, tạo nên những giấc mơ.
Nhiều mẹ cho dù đã chìm vào giấc ngủ nhưng tâm trí vẫn hướng về đứa trẻ, vẫn lo lắng cho sức khỏe của trẻ. Đây là lý do khiến tiềm thức của các mẹ ở trạng thái kích thích và sản sinh ra những giấc mơ liên quan đến đứa trẻ, bao gồm cả những cơn ác mộng.
Cách giảm thiểu nỗi lo lắng và những cơn ác mộng ở các mẹ sau sinh:
Nằm mơ thấy ác mộng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm sinh lý của các mẹ. Không những ngủ không ngon giấc, các mẹ còn dễ bị trầm cảm, hậu chấn tâm lý bởi những thứ cảm xúc bất an, lo lắng, sợ hãi, sợ có điều không hay xảy ra với trẻ. Điều các mẹ cần làm là:
- Phối hợp với quy luật ngủ nghỉ của trẻ: Các mẹ nên tranh thủ thời gian nghỉ ngơi bằng cách phối hợp với quy luật ngủ nghỉ của trẻ. Cách này vừa đảm bảo chất lượng giấc ngủ, vừa giúp các mẹ hồi phục thể trạng sau sinh.
- Thư giãn bằng vài hoạt động nhẹ nhàng trước khi ngủ: Trước khi ngủ nửa tiếng, các mẹ nên thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc, massage, đắp mặt nạ... những hoạt động này giúp thả lỏng tâm trí, có lợi cho giấc ngủ.
- Vận động nhẹ nhàng: Thực hiện những động tác nhẹ nhàng giúp nâng cao chất lượng của giấc ngủ, 3 tiếng trước khi ngủ là khoảng thời gian lý tưởng để các mẹ vận động nhẹ nhàng, không khiến các mẹ hưng phấn quá độ mà còn dễ chìm vào giấc ngủ.
- San sẻ việc chăm con với chồng: Các mẹ nên chủ động san sẻ việc chăm con với chồng, đặc biệt là vào lúc nửa đêm. Các mẹ có thể hút sữa ra bình, phân nhiệm vụ để chồng cho con bú vào lúc nửa đêm.
- Chia sẻ cảm xúc với người thân: Sau khi gặp ác mộng, các mẹ không nên giấu diếm cảm xúc sợ hãi mà cần trò chuyện với người thân, người bạn đời để xoa dịu nỗi căng thẳng.
- Điều chỉnh ánh đèn trong phòng ngủ: Ánh đèn với gam vàng dịu nhẹ, ấm áp sẽ giúp điều chỉnh tâm trạng và giúp các mẹ ngủ ngon hơn.