Theo các bác sĩ sản khoa, biến chứng thai kỳ này là một trong số nguyên nhân gây sinh non, tử vong cả mẹ lẫn con.

05:00 18/11/2020

Chị Hứa (36 tuổi) kể từ khi mang thai đều đến khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Khi chị Hứa mang thai vào tuần thứ 34 của thai kỳ, chị bắt đầu xuất hiện triệu chứng cao huyết áp, khó thở, sưng phù. Khi được đưa vào bệnh viện Asia University Hospital (Trung Quốc), sản phụ được chẩn đoán mắc biến chứng thai kỳ là tiền sản giật.

Trong tình huống khẩn trương, bác sĩ đã cho chị Hứa dùng thuốc hạ huyết áp, tiêm thuốc trưởng thành phổi cứu nguy cho thai nhi, tiêm thuốc tĩnh mạch để kiểm soát hội chứng tiền sản giật. Sau đó, sản phụ được đưa vào phòng sinh, thật may mắn là "mẹ tròn con vuông" khiến ê kíp bác sĩ đều thở phào nhẹ nhõm.

Tiền sản giật là hội chứng mà các bác sĩ khoa sản lo ngại nhất đối với sản phụ (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Ngụy Bái Lịch, khoa sản, bệnh viện Asia University Hospital, cho biết tiền sản giật là hội chứng mà các bác sĩ khoa sản lo ngại nhất đối với sản phụ, là một trong số nguyên nhân gây sinh non, tử vong cả mẹ lẫn con.

Nếu bị tiền sản giật, chỉ có cách sinh sớm

Đối với sản phụ mắc bệnh có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) đạt 35, cân nặng 80kg, vào tuần thứ 20 của thai kỳ, cách 6 tiếng kiểm tra huyết áp vượt mức 140/90mmHg, kèm dấu hiệu sưng phù được xem là hội chứng tiền sản giật.

 

Bác sĩ Lịch cho biết, nguyên nhân của tiền sản giật có thể là do chức năng của nhau thai mất cân bằng, thường gặp ở sản phụ mang thai lần đầu, mang đa thai, sản phụ mắc bệnh huyết áp cao, đường huyết cao, bệnh thận.

Nhiều sản phụ vào thời kỳ đầu không có triệu chứng rõ ràng. Nếu đột nhiên sản phụ có dấu hiệu đau đầu, suy giảm thị lực, đau bụng trên, buồn nôn, cơ thể sưng phù, cân nặng vượt mức, chứng tỏ biến chứng thai kỳ đang chuyển biến xấu, có khả năng tổn thương hệ cơ quan của sản phụ và thai nhi, chỉ có tiến hành sinh sớm mới có thể bảo toàn >sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Cách phòng ngừa tiền sản giật

Để phòng tránh tiền sản giật, bác sĩ khoa sản khuyên các sản phụ vào tuần thai thứ 11 - 13 của thai kỳ nên xét nghiệm tầm soát tiền sản giật. Đối với những sản phụ chẩn đoán sớm tiền sản giật, vào tuần thai thứ 16 của thai kỳ, mỗi ngày nên dùng 100mg aspirin sẽ giảm 50% nguy cơ xảy ra tiền sản giật. Nếu sau tuần thai thứ 16 của thai kỳ mới tiến hành điều trị thì sản phụ chỉ có thể giảm 20% nguy cơ xảy ra tiền sản giật.

Với những sản phụ có nguy cơ mắc hội chứng tiền sản giật, bác sĩ khuyên sản phụ nên cắt giảm thực phẩm chứa natri, ăn nhiều thực phẩm chứa kali và rau xanh để các mạch máu giãn ra, giúp điều chỉnh huyết áp, đồng thời theo dõi cân nặng hợp lý. Sau khi sinh, sản phụ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn so người bình thường, các sản phụ nên đi khám sức khỏe định kỳ và kiểm soát cân nặng để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh.

Tóm lại, thai phụ có thể tham khảo những hướng dẫn sau để giảm nguy cơ tiền sản giật:

- Khám thai định kỳ: Cách tốt nhất để thai phụ và thai nhi luôn trong trạng thái khỏe mạnh trong suốt thai kỳ là thực hiện quản lý thai nghén, khám thai định kỳ, qua đó bác sĩ chuyên khoa có thể kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu, nồng độ protein niệu, sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ... cùng nhiều yếu tố khác, nhằm sớm phát hiện ra những triệu chứng và dấu hiệu không chỉ của tiền sản giật, mà còn cả những bệnh lý khác.

- Tự theo dõi cân nặng và huyết áp: Nếu thai phụ có tiền sử tăng huyết áp trước khi mang thai, hãy nói ngay với bác sĩ chuyên khoa trong lần khám đầu tiên, để bác sĩ có thể hướng dẫn cách tự theo dõi cân nặng và huyết áp giữa những lần khám định kỳ, ghi lại kết quả và thông báo lại cho bác sĩ ở lần khám kế tiếp.

- Làm giảm áp lực máu: Để làm giảm áp lực máu, bác sĩ có thể hướng dẫn thai phụ một số phương pháp, như nằm nghiêng bên trái khi nghỉ ngơi, hoặc chỉ định uống bổ sung canxi, hoặc chỉ định uống aspirin...

Theo Tú Uyên/ Tổ Quốc