Khi thai nhi được 39 tuần 1 ngày tuổi, sản phụ có biểu hiện chuyển dạ và đã sinh một bé gái nặng 6kg bằng phương pháp sinh mổ.
Bé gái chào đời nặng 6 kg tại bệnh viện tuyến tỉnh
Các bác sĩ Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện ĐK tỉnh Phú Thọ mới thực hiện phẫu thuật đón thai nhi có cân nặng 6 kg cho một sản phụ 28 tuổi (ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). Đây cũng là trường hợp trẻ sơ sinh có cân nặng nặng nhất được sinh tại Trung tâm Sản Nhi từ trước đến nay.
Được biết, đây là lần mang thai thứ hai của sản phụ. Trong quá trình mang thai, >sức khỏe sản phụ hoàn toàn bình thường. Khi thai nhi được 39 tuần 1 ngày tuổi, sản phụ có biểu hiện đau tức bụng nên được gia đình đưa đến Trung tâm Sản Nhi.
Tại đây, qua thực hiện các xét nghiệm, thăm dò chức năng, các bác sĩ nhận thấy thai nhi có kích thước khá lớn, đồng thời vết sẹo cũ do phẫu thuật lấy thai lần 1 có nguy cơ vỡ tử cung nên sản phụ được chỉ định phẫu thuật lấy thai.
ThS.BS Phạm Thị Thu Huyền, Phó Trưởng Khoa Phụ Ngoại – Phụ Nội tiết, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho biết, mặc dù trước sinh, thai nhi được xác định có cân nặng khá lớn song cả ekip phẫu thuật vẫn rất bất ngờ khi bé gái chào đời có cân nặng lên tới 6kg. Sau khi chào đời, bé gái được đưa về chăm sóc, theo dõi tại Khoa Nhi Sơ sinh.
“Những trẻ sinh ra có cân nặng lớn thường gặp các vấn đề về suy hô hấp và hạ đường huyết sau sinh. Do đó trẻ cần được các bác sĩ chuyên khoa Nhi theo dõi sát sao các chỉ số phát triển, nhất là các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn về >dinh dưỡng, cách chăm sóc trẻ hợp lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ”. BS Huyền cho biết thêm.
Mang thai to đáng lo hơn đáng mừng
Theo đánh giá của các chuyên gia sản phụ khoa, thai phụ mang thai quá to nên lo hơn là mừng. Bởi thai nhi quá to thai phụ có thể gặp nguy cơ sinh khó, thai to nếu theo dõi không sát sẽ có cơn co bất thường gây vỡ tử cung.
Bên cạnh đó, mang thai quá to làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường ở người mẹ, khi mà cân nặng tăng lên quá nhiều trong thời kỳ mang thai.
Hơn nữa, thai nhi to không chỉ nguy hiểm đến mẹ mà còn ảnh hưởng sức khỏe của trẻ sau khi sinh.
Nguyên nhân là do chỉ số khối của trẻ lớn nên khi cho ăn nếu không tính đủ lượng calo trẻ rất dễ bị hạ đường huyết hoặc mắc những rối loạn chuyển hóa khác. Đồng thời, trẻ cũng dễ mắc các bệnh lý khác như viêm phổi, béo phì, đái tháo đường…
Chính vì vậy, các bác sĩ sản phụ khoa vẫn luôn khuyến cáo các bà mẹ cần kiểm soát cân nặng trong quá trình mạng thai. Tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với mẹ và bé trong từng gia đoạn của thai kỳ. Trong quá trình chuyển dạ, bà bầu cần có sự trợ giúp của nhân viên y tế, thiết bị y tế để đảm bảo an toàn cho 2 mẹ con.
Khi mẹ mang bầu, thai nhi có cân nặng từ 2,9 – 3,5 kg là bình thường, vượt quá mức này là những em bé được coi là thai lớn vượt tuổi và có thể gặp phải một số nguy cơ như:
Thai to dễ dẫn đến biến chứng trong quá trình sinh nở
Trẻ nặng cân dễ có vấn đề về đường huyết
Chế độ ăn của mẹ ảnh hưởng đến khẩu vị sau này của con
Mẹ ăn nhiều chất béo, đường, sau này con dễ béo phì
Chế độ ăn của mẹ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con
Nếu người mẹ có cân nặng bình thường trước khi mang thai (BMI khoảng 18,5 - 24,9): mức tăng cân lý tưởng của người mẹ là 10 - 12 kg, cụ thể như sau:
3 tháng đầu (quý I): Tăng 1 kg
3 tháng giữa (quý II): Tăng 4 - 5 kg
3 tháng cuối (quý III): Tăng 5 - 6 kg
Nếu người mẹ nhẹ cân (BMI: <18,5): Mức tăng cân nên đạt khoảng 25% so với cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 12,7 - 18,3 kg.
Nếu trước khi mang thai mẹ bị thừa cân, béo phì (BMI từ 25 trở lên): mức tăng cân lý tưởng là 15% cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 7-11,3 kg.
Trường hợp người mẹ mang song thai: Nên tăng khoảng 16 - 20,5 kg