Dưới đây là một loạt những lời khuyên và hướng dẫn bổ ích dành cho các cặp vợ chồng đang muốn có con.
1. Chuẩn bị có em bé
Nếu có thể, hãy dành khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng hoặc nhiều hơn để chuẩn bị có em bé.
- Chuẩn bị cho cơ thể khoẻ mạnh, ăn uống cân bằng, nếu thừa cân thì nên giảm cân. Ăn đủ chất, cân đối giữa các nhóm thực phẩm. Nếu mẹ ăn chay, cần chú ý đủ đạm và vi chất.
- Tránh ăn thịt cá sống hoặc tái để tránh nhiễm kí sinh trùng.
- Ăn thực phẩm sạch nhất có thể được, tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm để qua ngày. Nếu ăn rau sống cần rửa thật sạch.
- Tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt tập các khớp, tập cho cột sống mềm dẻo, cơ bụng thon chắc, tập hít thờ điều hoà, hít thở sâu, đi bộ hoặc chạy bộ hàng ngày.
- Nên giảm tối đa cà phê, chất kích thích, bỏ hẳn uống rượu, bia, bỏ thuốc lá nếu trước đó hút thuốc lá.
- Tập thói quen đi ngủ sớm, đúng giờ, dậy sớm tập thể dục.
- Nếu đang sử dụng biện pháp ngừa thai thì nên dừng lại : tháo vòng, ngừng thuốc, tháo que cấy… thay vào đó là dùng bao cao su đến khi kinh nguyệt trở về bình thường, đều đặn, chu kì điều hoà.
- Nếu phải làm việc trong môi trường tiếp xúc các chất độc hại, hoá chất… thì cần tôn trọng tất cả các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa, nếu được thì nên chuyển sang công việc khác trong thời gian chuẩn bị có thai, có thai và cho con bú.
- Xét nghiệm máu (công thức máu, đinh lượng sắt, can xi, đường máu, cholesterone máu) + xét nghiệm nước tiểu + khám tổng quan tầm soát bệnh mãn tính.
- Khám phụ khoa, chữa các bệnh phụ khoa nếu có. Làm phiến đồ cổ tử cung.
- Xét nghiệm và kiểm tra miễn dịch : lao, rubella, thuỷ đậu, kí sinh trùng toxoplasmose, viêm gan B, C, HIV…
- Rà soát lại xem đã tiêm phòng đầy đủ các bệnh chính chưa. Nếu chưa cần tiêm phòng đầy đủ.
- Khám răng, chữa răng.
- Bổ sung: Axit folic nếu không ăn uống đầy đủ (nếu muốn bổ sung cần theo chỉ định của bác sĩ).
- Bổ sung canxi, sắt … nếu thiếu theo chỉ định của bác sĩ.
- Tẩy giun.
Lưu ý :
- Nếu được, nên chọn thời điểm cả hai vợ chồng cùng khoẻ mạnh, vui vẻ, thoải mái để thụ thai.
- Nếu đã dùng các biện pháp tránh thai lâu ngày, thì có thể cần vài tháng mới có thể thụ thai. Nếu sau khoảng từ 5-6 tháng mà chưa thấy có thai thì nên đi khám bác sĩ sản để được kiểm tra, tư vấn kịp thời.
- Chuẩn bị đủ về tài chính và điều kiện sống nói chung.
2. Khi mang thai
- Mẹ cần chú ý nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt như đã nêu ở trên.
- Tập thể dục nhẹ nhàng + đi bộ hàng ngày, nếu phải leo cầu thang thì cũng nên từ từ, nhẹ nhàng.
- Làm việc vừa sức đặc biệt trong những tháng đầu.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, đi giày dép thấp.
- Tránh khói thuốc lá.
- Không uống rượu bia hoặc bất cứ thứ nước có cồn nào.
(Thuốc lá và nước uống có cồn gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung cũng như hệ thần kinh, hô hấp của em bé).
- Tránh những tình huống gây xúc động quá mạnh nếu có thể.
- Giữ gìn tâm trạng an hoà nhất có thể được.
3. Các kì khám thai
Nếu không có vấn đề gì đặc biệt thì suốt quá trình mang thai thường có các kì khám sau:
Lần thứ 1: Sau khi chậm kinh chừng 2-3 tuần
Ở một số nước ví dụ ở Pháp có thể có lịch khám lần đầu vào lúc 7-8 tuần (tức là vào tháng thứ ba của thai kì).
Đây là kì khám tổng quan:
- Bác sĩ thường hỏi những vấn đề về tình trạng sức khoẻ nói chung, những thói quen sống, thói quen ăn uống của bà mẹ, công việc, cuộc sống lứa đôi, tiền sử bệnh tật, những vấn đề về sức khoẻ… để có những đánh giá ban đầu, lập hồ sơ thai sản và đưa ra một số lời khuyên cụ thể.
- Nghe tim phổi, khám tình trạng chung, đo huyết áp, khám cơ khớp, mạch máu, cân nặng…
- Khám vú xem có vấn đề bất thường không?
- Thăm âm đạo để đánh giá độ chắc, độ đóng của cổ tử cung.
- Có thể siêu âm lần 1 để đánh giá tình trạng chung.
- Bác sĩ cũng có thể làm luôn phiến đồ cổ tử cung nếu mẹ chưa làm trước đó.
- Thăm âm đạo + siêu âm để giúp đánh giá độ dài của tử cung.
- Xét nghiệm máu: công thức máu + đường máu + nhóm máu + kháng thể kháng kí sinh trùng toxoplasmose…
Lần thứ 2: Lúc khoảng 12 - 16 tuần sau khi chậm kinh (tháng thứ tư)
Trong lần khám này, bác sĩ sẽ :
- Thăm khám tình trạng chung như lần đầu. Đặc biệt đánh giá tăng cân, ăn uống, tình trạng nghén nếu có...
- Thăm âm đạo để đánh giá tình trạng tiến triển của cổ tử cung.
- Sờ nắn bụng + siêu âm đánh giá chiều cao tử cung để đánh giá sơ bộ sự phát triển của em bé.
- Nghe tim thai.
- Siêu âm: Siêu âm tổng thể thường thấy được cả người em bé vào lúc này. Lần siêu âm này cũng giúp đánh giá tuổi thai, ngày dự sinh, độ dày của da gáy, nước ối, sự hình thành bánh rau, tình trạng mạch máu nuôi dưỡng em bé…
- Xét nghiệm máu: Lúc này, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng máu nói chung + kết quả xét nghiệm máu lần khám trước.
+ Nếu bà mẹ chưa có kháng thể kháng kí sinh trùng Toxoplasmose thì cần tránh xa mèo nuôi trong nhà hoặc hàng xóm, tránh tuyệt đối không ăn thịt cá sống hoặc nấu chưa chín, ăn rau sống cần rửa thật kĩ.
+ Nếu đã có kháng thể, thì bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm cũ, hoặc cho làm thêm xét nghiệm để đánh giá xem mẹ bị nhiễm vào thời gian nào, nếu vào thời gian đã bắt đầu có thai thì sẽ đưa ra một liệu trình theo dõi hoặc điều trị cụ thể.
- Xét nghiệm đường và albumine trong nước tiểu
- Vào lần khám này, bác sĩ cũng thường cho làm tầm soát bệnh đao bằng cách xét nghiệm máu tìm nhiễm sắc thể số 21 (HT21).
- Nếu dương tính + mức độ dày của da gáy qua siêu âm : bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm nước ối.
Lần thứ 3: Khoảng thời gian từ tuần thứ 17 đến tuần thứ 21 (tháng thứ 5)
Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh vẫn đánh giá :
- Tình trạng chung, cân nặng, huyết áp, tình trạng ăn uống, thói quen sống/ hoàn cảnh sống/ công việc...
- Xét nghiệm công thức máu.
- Xét nghiệm đường và albumine niệu.
- Nghe tim thai, đo chiều cao tử cung qua thành bụng.
- Trả lời các câu hỏi / giải quyết các vấn đề nếu có.
- Tiêm phòng uốn ván nếu chưa tiêm đủ.
Lần thứ 4: Khoảng 22-26 tuần (tháng thứ 6)
- Tình trạng chung + xét nghiệm như lần trước.
- Nhịp độ lao động, làm việc. Với những bà mẹ phải làm việc trong môi trường vất vả, thì bắt đầu từ tháng này, thường là bác sĩ sẽ cấp giấy yêu cầu giảm bớt cường độ lao động.
- Siêu âm để biết tình trạng chung của em bé. Lần siêu âm này bác sĩ sẽ đánh giá hình thể, đánh giá những dị tật, những bất thường của em bé nếu có. Thường là bác sĩ sẽ thông báo giới tính của em bé vào lần siêu âm này.
- Thường bắt đầu từ tháng thứ sáu, bác sĩ cũng sẽ cho bà mẹ bổ sung chút can xi và sắt nếu thấy cần thiết.
Lần thứ 5: Khoảng thời gian từ tuần thứ 27 tuần thứ 31 (tháng thứ bẩy)
- Tình trạng chung + xét nghiệm như lần trước.
- Đánh giá tình trạng của em bé: cử động thế nào, bắt đầu quay đầu chưa?
- Tim thai.
- Chiều cao tử cung.
- Vào lần khám này thường là bà mẹ sẽ được uống một liều vitamin D để phòng thiếu can xi ở bà mẹ và phòng còi xương cho trẻ.
- Dự kiến chỗ sinh, lấy hẹn với nhà hộ sinh hoặc bệnh viện.
- Học lớp tiền sản nếu có.
Lần thứ 6: Khoảng 32-36 tuần
- Tình trạng chung + xét nghiệm như mấy lần trước.
- Cử động của em bé.
- Đánh giá chiều cao tử cung.
- Thăm âm đạo để đánh giá tình trạng cổ tử cung.
- Siêu âm đánh giá sự phát triển của em bé (chiều cao, cân nặng, hình thể, dị tật nếu có…). Xem em bé đã xoay đầu xuống đưới chưa? Xem bánh rau có bám tốt không, độ cao của bánh rau thế nào? Xem nước ối…
- Dự kiến phương pháp gây mê, gây tê khi sinh phòng trường hợp phải sinh mổ.
- Chuẩn bị đồ khi đi sinh.
Lần thứ 7: 9 tháng (từ tuần thứ 37 trở đi)
- Tình trạng chung + xét nghiệm như lần trước.
- Đánh giá vị trí của em bé, tình trạng / độ mở của cổ tử cung, đánh giá tình trạng nước ối, bánh rau...
- Đánh giá khung chậu của mẹ để dự kiến sinh thường hay sinh mổ…
Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể có lần khám thứ tám
Một số dấu hiệu bất thường trong thời kì mang thai cần đi khám bác sĩ ngay:
- Đau bụng dưới, ra máu.
- Mệt mỏi quá mức, tim đập nhanh, khó thở, đi lại khó khăn…
- Mất ngủ, ăn uống kém, nôn quá nhiều.
- Sốt, cảm cúm, đau đầu.
- Phù : Mặt, chân, tay.
- Âm đạo đau rát, đi tiểu nhiều.
- Không thấy em bé cử động sau tháng thứ tư hoặc tự nhiên thấy em bé cử động ít đi.
- Ra nước sớm (rỉ ối) khi chưa đến ngày dự sinh.
- Đã đến ngày hoặc quá ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu sinh.
- Giữa hai kì khám, nếu xét nghiệm máu có kết quả bất thường thì đừng chờ đến ngày hẹn mà nên đi khám sớm nhất có thể được.
Mỗi người mẹ nên làm một cuốn sổ ghi chép trong thời gian mang thai. Trong đó nên ghi chép tối thiểu những thông tin sau:
- Tình trạng sức khoẻ/cân nặng.
- Chế độ ăn uống/sinh hoạt hàng ngày.
- Những băn khoăn, những câu hỏi cần bác sĩ giải đáp trong lần khám sau.
- Sự phát triển của em bé hoặc cảm nhận về sự phát triển của em bé.
- Những thức ăn, món ăn thích hợp.
- Dị ứng với thứ gì không?
- Những tâm trạng buồn vui, lo lắng...
- Những kinh nghiệm hay đã học được.
- Những gì cần chuẩn bị cho em bé ra đời...
- Những việc cần hoàn thành trước khi em bé ra đời...
Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, hiện đang làm việc tại Pháp về Tâm lý học phát triển và tâm lý học thực hành. Bác sĩ cũng là người thường xuyên có những bài viết hữu ích về chăm sóc, >nuôi dạy con cái, kỹ năng sống, kỹ năng làm cha mẹ được đông đảo các mẹ chia sẻ vì có sự kết hợp các thông tin khoa học cũng như kinh nghiệm, vốn sống dồi dào.