Trao đổi với Phụ nữ Sức khỏe, Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM) cho biết phương pháp sinh thuận tự nhiên hoàn toàn phản khoa học và có nguy cơ gây ra rất nhiều biến chứng . Từ đó, bác sĩ khuyến cáo sản phụ và thai nhi cần được chăm sóc y tế kỹ lưỡng trong thời kỳ mang thai.

Minh Cát 13:52 15/03/2018
ThS.BS. Lê Thị Kiều Dung - Ảnh: Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM

Thưa bác sĩ, bác sĩ vui lòng chia sẻ quan điểm về phương pháp sinh "thuận tự nhiên" được nhắc đến nhiều trong thời gian qua?

Tôi xin khẳng định phương pháp sinh con "thuận tự nhiên" xuất hiện nhiều trên mạng xã hội hoàn toàn sai lầm và phản khoa học. Xã hội ngày càng tiến bộ nhưng vẫn còn tồn tại quan niệm lạc hậu ảnh hưởng tới sản phụ và thai nhi như quan niệm này cần được loại bỏ.

Sinh con "thuận tự nhiên" nghĩa là để sản phụ tự nhiên chuyển dạ mà không áp dụng các phương pháp mổ lấy thai (dựa vào việc lấy lá số >tử vi trước cho em bé) hoặc sinh con tại nhà không can thiệp y tế.

Bác sĩ có thể nói sơ lược những nguy cơ nếu áp dụng phương pháp sinh "thuận tự nhiên"?

Phương pháp sinh con "thuận tự nhiên" tại nhà có nguy cơ dẫn đến một số nguy cơ biến chứng sau:

- Nguy cơ băng huyết sau sinh. Nguy cơ này chiếm tỉ lệ 5% các ca sinh nở trên toàn thế giới.

- Nguy cơ nhiễm trùng hậu sản chiếm tỷ lệ khoảng 2% các ca sinh nở.

- Các nguy cơ biến chứng khác liên quan đến vấn đề: Tim mạch, huyết khối, cơ tim, phổi, chèn ép rốn, tim thai suy đột ngột v.v...

Theo phương pháp sinh “thuận tự nhiên”, em bé sinh ra không được cắt dây rốn mà để nguyên bánh nhau. Bác sĩ vui lòng cho biết bánh nhau có còn giá trị khi em bé sinh ra?

Bánh nhau chỉ mang nhiệm vụ trung chuyển chất >dinh dưỡng từ mẹ sang con, không phải là nơi chứa nhiều chất dinh dưỡng như nhiều người vẫn nghĩ. Chính vì quan niệm sai lầm này dẫn đến việc một số người vẫn tận dụng bánh nhau sau khi em bé sinh ra.

Bánh nhau sẽ không còn giá trị khi em bé sinh ra - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, khi bánh nhau tróc khỏi thành tử cung sẽ không còn vai trò gì. Bánh nhau ra môi trường bên ngoài tương tự như thịt, cá rất dễ bị nhiễm khuẩn. Các bệnh viện muốn lưu trữ bánh nhau phải bảo quản lạnh khi ra môi trường ngoài. Do đó, suy nghĩ em bé sinh ra vẫn được nuôi bằng bánh nhau hoàn toàn sai.

Một số vùng nông thôn, miền núi vẫn có thói quen sinh con ngay tại nhà theo tập tục địa phương và vẫn “mẹ tròn con vuông” dẫn đến một số thai phụ áp dụng theo. Bác sĩ nghĩ sao về vấn đề này?

Chắc chắn trường hợp biến chứng hoặc tai nạn trong quá trình sinh nở tại nhà vẫn xảy ra. Tuy nhiên, tại một số nơi vùng sâu vùng xa, biên giới hoặc hải đảo, số liệu thống kê không đầy đủ, mọi người chưa nắm hết thông tin về các tai nạn sinh nở.

Trong khi đó, tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn, nếu có trường hợp tai nạn hoặc sản phụ không may tử vong trong quá trình sinh nở sẽ được truyền thông báo chí đưa tin cụ thể.

Chính vì thế, bất cứ thai phụ nào cũng không nên chủ quan và tự ý áp dụng phương pháp sinh con tại nhà.

Bác sĩ có khuyến cáo gì cho thai phụ trước khi sinh con?

Thai phụ cần được chăm sóc y tế đầy đủ trong suốt thời kỳ mang thai. Ngày nay, bà bầu có nguy cơ mắc rất nhiều chứng bệnh khi mang thai như đái tháo đường, nhau tiền đạo, nhau thai bám thấp… Vì vậy, thai phụ cần kiểm tra và theo dõi tình hình >sức khỏe định kỳ.

Đối với thai nhi, sự phát triển của y học hiện đại giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán sớm các căn bệnh, nguy cơ dị tật thai nhi, nguy cơ dọa sinh non…

Trường hợp các khuyết tật tiên lượng có thể mổ được, bác sĩ sẽ can thiệp ngay khi bé sinh ra. Ví dụ các bé bị hẹp cơ hoành, thoát vị rốn... vừa chào đời sẽ được làm phẫu thuật để tránh các biến chứng nguy hại về sau.

Như vậy, tôi xin khuyến cáo việc mẹ và bé cần có sự can thiệp của y tế để có sự chăm sóc tốt nhất.

Chân thành cảm ơn bác sĩ!

Minh Cát | Theo Phụ nữ sức khỏe