Trong 3 tháng cuối, bà bầu cần hạn chế tối đa việc di chuyển xa, kiêng làm việc nặng, kiêng nằm ngửa cùng một số lưu ý khác để bảo đảm an toàn cho thai nhi, hạn chế tối đa nguy cơ sinh non.
Bước vào tam cá nguyệt thứ 3, thai nhi tăng nhanh về trọng lượng và bắt đầu hoàn chỉnh các cơ quan trong cơ thể. Lúc này, chỉ một chút bất cẩn cũng có thể dẫn đến hiện tượng sinh non. Bà bầu cần chú ý những điều kiêng kỵ dưới đây để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và bé.
Một số công việc nội trợ trong nhà như giặt quần áo, quét nhà, nấu ăn bằng bếp than… có thể ảnh hưởng xấu đến >sức khỏe >mẹ bầu. Trong 3 tháng cuối, bụng bầu lớn dần khiến việc hít thở của mẹ bầu gặp khó khăn, dễ bị choáng. Mẹ bầu cố gắng làm việc nhà sẽ tác động xấu đến thai nhi. Bên cạnh đó, một số loại bụi bẩn, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập gây bệnh cho mẹ và bé.
Hành trình quá dài trên các phương tiện khi di chuyển có thể làm cơ thể bà bầu bị nhức mỏi, động thai. Nghiêm trọng hơn bà bầu còn có nguy cơ sinh non, vỡ ối.
Từ tháng thứ 7 trở đi, bụng mẹ bầu lớn nhanh, thể tích tử cung lớn lên làm tăng sức chứa thai nhi. Quá trình này khiến các cơ vùng kín giãn theo, mềm hơn dẫn đến giảm độ dẻo dai. Lượng canxi trong xương của mẹ bầu được trích một phần nuôi thai nhi nên hệ xương trở nên yếu hơn. Do đó, nếu bà bầu ngồi thời gian lâu trong những hành trình dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hai mẹ con.
Lái xe máy khi bụng bầu quá lớn là việc làm chị em cần kiêng khi mang thai 3 tháng cuối. Mẹ bầu sẽ khó giữ thăng bằng khi điều khiển xe cũng như khó xử lý khi phát sinh những tình huống bất ngờ. Trong giai đoạn này, chị em nên nhờ chồng hoặc người thân chở đi, không nên tùy tiện tự lái xe máy.
Tư thế nằm ngửa hoàn toàn không thích hợp cho bà bầu trong 3 tháng cuối. Trọng lượng của thai nhi có thể tạo áp lực lên cột sống gây đau lưng, ảnh hưởng tới ruột và các mạch máu lớn dẫn đến một số triệu chứng bất thường. Mẹ bầu nằm ngửa cũng khiến cơ thể thai nhi ít nhận được chất >dinh dưỡng gây chậm phát triển, nhiều trường hợp dẫn đến thai lưu.
Xoa bụng nhẹ nhàng để tạo sự gắn kết giữa mẹ và con có thể thực hiện trong 3 tháng giữa thai kỳ. Tuy nhiên, bước vào 3 tháng cuối, động tác xoa bụng của bà bầu có thể khiến tử cung bị co thắt, gò cứng gây xuất huyết, sinh non.
Bên cạnh đó, việc vân vê, kích thích đầu ti hoặc lau đầu ti quá mạnh cũng có thể làm tử cung co thắt. Vì vậy, để hạn chế tối đa nguy cơ sinh non, mẹ nên kiêng hai hành động này trong những tháng cuối.
Mặc quần lót tối màu sẽ khiến mẹ bầu không thể theo dõi được tình hình sức khỏe thai kỳ trong những tháng cuối. Thay vào đó, mẹ bầu hãy mặc những chiếc quần lót sáng màu để dễ dàng theo dõi các vấn đề như: Dịch tiết âm đạo, những trường hợp ra máu, rỉ nước ối hoặc các triệu chứng viêm phụ khoa, máu báo sinh trong những tuần cuối thai kỳ.
Nằm một chỗ quá lâu khi thai nhi đã lớn trong 3 tháng cuối có thể khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, ì ạch. Để dễ dàng sinh nở và giúp máu lưu thông, bà bầu nên đi bộ nhẹ nhàng, tăng cường sức khỏe và thể lực để chuẩn bị cho thời điểm dự sinh cận kề.
Có thể thấy, việc kiêng cữ những hoạt động vừa nêu trong ba tháng cuối sẽ không quá khó khăn nếu mẹ bầu muốn con sinh ra an toàn, khỏe mạnh.