Đau bụng có thể là dấu hiệu của nhiều triệu chứng bà bầu gặp phải trong thai kỳ. Chị em cần tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách khắc phục để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.
Theo trang Parents, một số cơn đau bụng trong thời kỳ mang thai có thể xuất phát từ quá trình giãn nở của tử cung và dây chằng hoặc do những cơn ốm nghén. Tuy nhiên, >bà bầu bị đau bụng cũng có thể là triệu chứng của một số dấu hiệu nguy hiểm.
Khi mang thai, tử cung >mẹ bầu bắt đầu giãn nở to hơn để thai nhi có không gian phát triển. Lúc này, mẹ sẽ cảm thấy đầy bụng, buồn nôn, căng tức vùng bụng. Để khắc phục tình trạng này, mẹ có thể nghỉ ngơi điều độ, tập thể thao đều đặn và chia nhỏ các bữa ăn để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Quá trình giãn nở của tử cung kéo theo sự co giãn nhất định của các dây chằng. Từ tam cá nguyệt thứ hai, bà bầu sẽ có cảm giác đau nhẹ vùng bụng dưới. Triệu chứng này sẽ kéo dài trong thời gian ngắn.
Khi mang thai, hormone progesterone tiết ra nhiều làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn trong khoang ruột khiến mẹ bầu mắc các chứng táo bón, đầy hơi. Đây cũng là nguyên nhân làm cho bà bầu bị đau bụng. Chị em có thể bổ sung chất xơ để kích thích nhu động ruột, cải thiện tiêu hóa.
Trong tam cá nguyệt thứ ba, bà bầu sẽ thấy vùng tử cung xuất hiện những cơn gò nhẹ khoảng từ 30 – 60 giây. Đây là những cơn gò sinh lý hoàn toàn không ảnh hưởng đến >sức khỏe và là dấu hiệu cho biết tử cung đã sẵn sàng cho quá trình sinh nở. Không uống đủ nước trong ngày có thể khiến các cơn gò xuất hiện nhiều hơn. Do đó, mẹ bầu cần uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
Những cơn đau bụng dữ dội kèm theo chảy máu âm đạo từ tuần thứ 6 và thứ 10 của thai kỳ có thể là triệu chứng mang thai ngoài tử cung. Theo nghiên cứu, những phụ nữ có tiền sử mang thai ngoài tử cung, từng tiến hành các cuộc phẫu thuật vùng xương chậu, ống dẫn trứng hoặc những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung đều có nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
Những cơn đau bụng trong ba tháng đầu có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai. Ngoài đau bụng, bà bầu bị sảy thai còn có triệu chứng chảy máu và chuột rút.
Bà bầu thường xuyên co thắt vùng bụng trước tuần thai thứ 37 kèm theo tình trạng đau lưng dai dẳng có nguy cơ sinh non. Các cơn đau co thắt có thể không kèm theo dịch nước ối rò rỉ hoặc máu báo thai. Việc mẹ bầu cần làm là đến bệnh viện để bác sĩ can thiệp kịp thời.
Nhau thai là bộ phận dẫn truyền chất >dinh dưỡng và oxy nuôi thai nhi. Thông thường, bộ phận này sẽ bám cao trên thành tử cung và không bong ra cho đến khi trẻ chào đời. Tuy nhiên, một số ít trường hợp mẹ bầu gặp phải chứng nhau thai bong non gây dọa sảy trong tam cá nguyệt thứ ba.
Theo Tổ chức tiền sản giật Hoa Kỳ, có khoảng 5 – 8% phụ nữ mang thai mắc chứng tiền sản giật và rối loạn tăng huyết áp. Mẹ bầu bị tiền sản giật nặng sẽ có cảm giác đau tức vùng bên phải bụng kèm theo các triệu chứng buồn nôn, đau đầu, sưng và rối loạn thị giác. Mẹ nên nhập viện để theo dõi tình trạng sức khỏe thai kỳ.
Có khoảng 10% bà bầu bị nhiễm trùng đường tiết niệu ở bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ. Mẹ bầu có thể gặp các triệu chứng điển hình kèm theo dấu hiệu đau bụng như: Đi tiểu nhiều lần, tiểu buốt, tiểu ra máu. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tiến triển thành nhiễm trùng thận làm tăng nguy cơ sinh non.
Bà bầu bị viêm ruột thừa sẽ có cảm giác đau ở góc phần tư vùng bụng phải dưới kèm theo các triệu chứng chán ăn, buồn nôn và ói mửa. Triệu chứng này khó chẩn đoán trong thời kỳ mang thai nên chị em cần chú ý theo dõi.
Những cơn đau bụng do sỏi mật (viêm túi mật) ở bà bầu sẽ xuất hiện tại góc phần tư phía trên bên phải vùng bụng. Phụ nữ trên 35 tuổi bị thừa cân có nguy cơ bị sỏi mật rất cao.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng ở bà bầu. Chị em cần theo dõi sức khỏe thai kỳ và xin ý kiến bác sĩ sản khoa khi gặp các triệu chứng nguy hiểm bất thường.