Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh lý hay gặp ở người phụ nữ, đặc biệt hay gặp ở phụ nữ mang thai. Đôi lúc nhiễm khuẩn đường tiết niệu xảy ra âm thầm...
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh lý hay gặp ở người phụ nữ, đặc biệt hay gặp ở phụ nữ mang thai. Đôi lúc nhiễm khuẩn đường tiết niệu xảy ra âm thầm, lặng lẽ không có triệu chứng rõ ràng nhưng đa số đều có biểu hiện lên chức năng tiểu tiện tùy theo vị trí nào của hệ tiết niệu như viêm bàng quang, viêm đài bể thận, viêm thận một bên hoặc hai bên. Các ổ nhiễm khuẩn có thể phát hiện sớm trước lúc mang thai hoặc đồng thời song song trong suốt thai kỳ.
Nguyên nhân gây bệnh
Thời kỳ mang thai nhất là trong 3 tháng cuối, tử cung thường nghiêng sang phải sẽ đè ép vào niệu quản và thận phải nên dễ gây ứ nước thận và viêm thận. Hơn nữa, trong thời kỳ có thai, sự thay đổi về sinh lý nội tiết như dưới tác dụng của progesterone khi mang thai sẽ làm nhu động ruột, nhu động niệu quản giảm nên thai phụ hay bị táo bón và ứ đọng nước tiểu hơn. Hoặc trong thời kỳ hậu sản, một số sản phụ thường bí tiểu do cuộc đẻ gây ra như chấn thương đường sinh dục dưới, do thủ thuật Forceps, giác hút, đại kéo thai. Hoặc dùng thông tiểu trước, trong và sau sinh không đảm bảo vô khuẩn.
Ảnh hưởng đối với thai kỳ
Tùy vị trí bị nhiễm khuẩn (bàng quang, niệu quản hay bể thận) mà có sự ảnh hưởng khác nhau đến thai kỳ: Khoảng 25% các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu không có triệu chứng sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu có triệu chứng. Một số trường hợp có thể dẫn đến động thai, sẩy thai đặc biệt vào những tháng đầu tiên của thời kỳ mang thai. Nếu viêm thận - bể thận sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn thường dẫn đến đẻ non, thai chết trong tử cung nếu chẩn đoán muộn và điều trị không tích cực.
Cảnh giác viêm bể thận trong thai kỳ
Đây là hình thái nặng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu đối với thai kỳ hay gặp vào 3 tháng cuối của thai kỳ, nguyên nhân hay gặp là do nhiễm khuẩn tiết niệu từ dưới ngược dòng lên trên (theo niệu quản). Bệnh xuất hiện đột ngột trên một thai phụ bình thường hoặc ở thai phụ đã bị viêm niệu đạo hoặc viêm bàng quang trước đó với triệu chứng như: tiểu buốt, tiểu khó, tiểu máu; sốt cao (có thể tới 40oC, rét run; đau một bên hông hoặc hai bên (lúc khám); kém ăn hoặc chán ăn; buồn nôn, hay nôn mửa. Xét nghiệm nước tiểu có nhiều vi khuẩn, bạch cầu, mủ... Nếu cấy máu có thể gặp 15% trường hợp có nhiễm khuẩn máu.
Đừng để viêm thận - bể thận mạn tính
Nếu thai phụ có tiền sử bị viêm tiết niệu (niệu đạo, viêm bàng quang hoặc viêm thận - bể thận) cấp tính cần điều trị triệt để. Vì triệu chứng viêm thận - bể thận thường âm thầm chỉ biểu lộ suy chức năng thận (suy thận) lúc bệnh quá nặng.
Trường hợp chức năng thận còn tốt, huyết áp còn trong giới hạn bình thường thì thai vẫn phát triển bình thường. Điều trị như đối với viêm thận cấp tính nhưng cần chú ý theo dõi kỹ về chức năng thận. Đôi khi có thể kết hợp chạy thận nhân tạo nếu đủ điều kiện và đúng chỉ định. Nói chung nếu suy thận thì tiên lượng cho mẹ và thai thường xấu.
Chú ý trong phòng ngừa và điều trị
Cần chẩn đoán sớm và phải điều trị tích cực các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu trong thai kỳ để tránh các biến chứng xấu có hại cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, thai phụ cần định kỳ khám thai và xét nghiệm nước tiểu nếu có biểu hiện bất thường. Ngoài ra, trong quá trình khám và xử trí cần tránh các yếu tố thuận lợi gây nên nhiễm khuẩn tiết niệu như sang chấn sản khoa, cần hạn chế thông tiểu nếu thấy chưa cần thiết; cần điều trị viêm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung trong quá trình thai nghén để phòng lây nhiễm sang đường tiết niệu. Nhớ uống nhiều nước 1,5 - 2 lít/ngày để phòng sỏi tiết niệu.
Khi phát hiện thai phụ bị viêm thận - bể thận thì cần phải nhập viện để điều trị. Bao gồm: nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường; Truyền dịch và theo dõi lượng nước tiểu để đánh giá chức năng thận và phát hiện sớm hình thái nhiễm khuẩn tiết niệu lan tỏa. Theo dõi thêm về các chỉ số huyết áp, mạch, nhiệt độ. Dùng kháng sinh có kháng phổ rộng... hoặc có thể dùng phối hợp các kháng sinh. Theo dõi kỹ trong 2 ngày đầu điều trị, nếu các triệu chứng lâm sàng nói trên giảm hoặc biến mất cần tiếp tục điều trị thêm cho đến 10 ngày. Nếu sau 2 ngày theo dõi (mặc dù đã dùng kháng sinh tích cực) vẫn không thuyên giảm về triệu chứng, cần phải đổi kháng sinh dựa theo kết quả kháng sinh đồ.