Sau sinh, sản phụ cần chú ý chăm sóc sức khỏe và đi khám ngay nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường dưới đây.

05:07 22/09/2021

Trầm cảm sau sinh

Ngoài dấu hiệu về thể chất, phụ nữ sau khi sinh còn thay đổi về cảm xúc, dễ xúc động, vui buồn thay đổi đột ngột, khóc vô cớ, dễ cáu giận, biếng ăn, mệt mỏi, khó ngủ… Khi thấy sản phụ có những dấu hiệu này, người thân cận cần ở bên cạnh nói chuyện, động viên tinh thần.

Ảnh minh họa

 

Sản giật sau đẻ

Sản giật sau đẻ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ. Sản giật sau đẻ thường có các triệu chứng giật, đau đầu, huyết áp tăng, mờ mắt, lơ mơ, hoặc hôn mê. Nếu có một trong các dấu hiệu trên, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.

Sốt và ra máu âm đạo kéo dài

Sau khi đẻ 2 - 3 ngày, sản phụ bắt đầu sốt trên 38 độ và sợ lạnh. Khi bị nặng, trạng thái thân thể của sản phụ có thể chuyển biến xấu, dẫn đến nhiễm trùng máu. Trong trường hợp này phải đến ngay cơ sở y tế để khám xác định nguyên nhân và xử trí cụ thể.

Thường xuyên đi tiểu

Sau khi sinh, các mẹ thường quan tâm đến việc làm thế nào để giảm cân, lấy lại vóc dáng hay ăn gì cho con mau lớn, khỏe mạnh. Ít ai để ý hoặc có thể không mấy ai dám lên tiếng về một hiện tượng tế nhị mà một bộ phận không nhỏ các mẹ gặp phải, đó chính là hiện tượng tiểu són, tiểu không tự chủ.

Ảnh minh họa

Đặc biệt, mẹ nên đến bệnh viện khi đi tiểu có cảm giác đau, rát, nước tiểu ra ít, sẫm màu… để tránh trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh.

Đau bụng dưới và tử cung co hồi kém

Trong thời kì đầu nằm cữ, sản phụ có lúc cảm thấy hơi đau bụng dưới, tuy nhiên cảm giác đau sẽ hết trong vòng 2-3 ngày. Nếu thấy bụng dưới đau nhiều, kéo dài thì phải khám xem có viêm nhiễm không. Các chứng nhiễm trùng ở tử cung, phần phụ, ruột thừa, đại tràng đều có thể gây đau bụng dưới.

Thường trong 10 ngày đầu sau đẻ, tử cung co hồi tốt, mỗi ngày co hồi khoảng 1cm để tống sản dịch ra ngoài. Nếu tử cung co hồi kém, sản dịch sẽ bị ứ đọng trong tử cung sẽ gây nhiễm trùng tử cung, thường do sót rau. Lúc này sản phụ cần đến bác sĩ ngay, nếu không, bệnh sẽ rất nhanh chóng chuyển biến thành thể nặng.

Tắc tia sữa và áp-xe vú

Những dấu hiệu này rất hay gặp. Tắc tia sữa nếu không xử trí tốt, sữa không thông dẫn đến viêm và áp -xe vú. Khi phát hiện tắc tia sữa thì phải thông tia sữa bằng các biện pháp dân gian như vắt hết sữa bị tắc, chườm nóng cho đến khi thông.

Ảnh minh họa

 

Để tránh bị tắc tia sữa, mỗi lần cho con bú các bà mẹ nên cho con bú hết từng bên rồi mới chuyển sang bên kia. Nếu không bú hết thì phải vắt hết sữa. Khi có dấu hiệu viêm ở vú như sốt, sưng đỏ, đau... thì đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.

 
Theo Hoàng Ly/Gia Đình Việt Nam