Ngày càng có nhiều sản phụ lựa chọn sinh nở không cần hỗ trợ của thuốc, nhất là thuốc giảm đau.
Khi phát hiện mình đang mang thai bé thứ 4, Calyn Lee, bà mẹ 37 tuổi người Singapore, quyết định sẽ không dùng thuốc giảm đau như biện pháp gây tê ngoài màng cứng lúc sinh nữa. Nữ trưởng phòng tiếp thị cho hay: "Tôi đã trải qua cảm giác vô cùng khó chịu với mũi tiêm gây tê ngoài màng cứng trong những lần >sinh nở trước. Toàn bộ quá trình chuyển dạ của tôi trở nên cực kỳ thiếu thoải mái khi xuất hiện các tác dụng phụ của mũi tiêm. Tôi không thể cảm nhận được chân mình hay việc tôi đang rặn em bé ra nữa. Trong 2 lần sinh khác, tôi phải chịu đựng tác dụng sau gây tê màng cứng như nôn mửa và run rẩy không ngừng".
Mặc dù chồng cô và bác sĩ không hứng thú với ý tưởng sinh mà không dùng thuốc của Lee, cô vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng và cảm thấy hoàn toàn xứng đáng để làm vậy.
"Tâm trạng của tôi tốt hơn và tôi hồi phục nhanh hơn nhiều. Tôi có thể đi lại xung quanh gần như ngay lập tức sau sinh. Không có hiện tượng tê bì ở chân hay cả người tôi. Không buồn nôn, cũng không run rẩy. Tôi còn chẳng cần đến ông thông đường tiểu vì đã có thể tự đi vệ sinh", Calyn Lee chia sẻ.
Giống Lee, ngày càng có nhiều sản phụ lựa chọn sinh nở không cần thuốc hỗ trợ và giảm tối đa những can thiệp y tế.
Ginny Phang, chủ cơ sở chăm sóc sản phụ Four Trimesters (Singapore), cho hay: "Với nhận thức và giáo dục được tăng cường nhờ Internet, ngày càng có nhiều chị em cảm thấy tự tin và được nhắc nhở về khả năng sinh nở tự nhiên của mình. Đó là mong muốn bản năng mà phần lớn phụ nữ đều mang trong người".
Ginny Phang nhấn mạnh: "Điều quan trọng là sản phụ và chồng cô ấy cần hợp tác với nhau, hướng tới mục tiêu chung và kết quả tốt đẹp của quá trình sinh nở. Họ muốn việc đó sẽ diễn ra như thế nào".
Sự chuẩn bị chu đáo là chìa khoá giúp tăng cơ hội sinh nở không cần dùng thuốc. Bởi nó giúp quá trình mang thai và chuyển dạ trở nên dễ dàng hơn. Sau đây là 6 gợi ý giúp bạn tăng khả năng sinh nở không dùng thuốc giảm đau:
1. Tăng cường kiến thức
Tri thức chính là sức mạnh. Bằng cách học hỏi càng nhiều càng tốt về quá trình chuyển dạ, sinh nở, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về những điều mình đang trông đợi, cũng như tin tưởng nhiều hơn vào khả năng sinh nở tự nhiên của cơ thể mình. Do đó, hãy đọc những cuốn sách tích cực và tham gia các lớp giáo dục tiền sản.
2. Tập luyện, tập luyện, tập luyện
Một cơ thể cân đối, khỏe mạnh sẽ là cơ sở để cuộc sinh nở diễn ra thuận lợi. Hãy duy trì >sức khỏe trong suốt thai kỳ. Nhờ đó, cơ thể bạn sẽ đủ khả năng thích thích nghi với những thay đổi mà quá trình chuyển dạ, sinh nở mang tới. Bạn cũng sẽ hồi phục nhanh hơn sau sinh.
3. Thực hành các kỹ thuật thư giãn và kiểm soát cơn đau
Yoga cho bà bầu giúp bạn thư giãn và tập trung vào các chuyển hộng mở hông, nghiêng khung chậu. Kết quả, bạn sẽ sẵn sàng hơn cho việc sinh nở. Thực hành các kỹ thuật hít thở sâu để đương đầu với các cơn đau. Mát-xa vùng đáy chậu trong thai kỳ sẽ tạo điều kiện cho khu vực quanh âm đạo được thư giãn, từ đó giảm đau cũng như đẩy nhanh thời gian chuyển dạ sinh bé.
4. Tìm kiếm sự ủng hộ phù hợp
Nếu bạn có kế hoạch sinh thường, không dùng thuốc, điều thiết yếu là phải nhận được sự ủng hộ từ chồng và bác sĩ. Bạn không muốn bị thử thách hoặc chất vấn với mỗi quyết định mình đưa ra như từ chối gây tê ngoài màng cứng hay gắn thiết bị kiểm soát thai nhi trong bụng bạn. Hãy sử dụng các loại tinh dầu, bật nhạc thư giãn và chấp nhận sự có mặt của bà đỡ trong phòng đẻ.
5. Tìm kiếm trợ giúp chuyên khoa
Thuê một bà đỡ giàu kinh nghiệm sẽ tăng khả năng sinh nở không thuốc của bạn. Bà đỡ này sẽ cung cấp sự hỗ trợ về mặt thể chất và tinh thần cần thiết cho bạn trước, trong quá trình chuyển dạ, sinh nở. Bà đỡ cũng sẽ biết một cách chính xác phải giúp bạn đương đầu với cơn đau, tìm lại sự thoải mái như thế nào.
6. Lập kế hoạch sinh nở, có kèm các phương án dự phòng
Viết bản kế hoạch sinh nở và đảm bảo rằng, bác sĩ, bà đỡ, chồng bạn biết rõ ý định của bạn. Hãy thêm vào đó những thay đổi, lựa chọn thay thế trong trường hợp kế hoạch sinh nở không dùng thuốc gặp trục trặc, phải từ bỏ. Lập kế hoạch và lên danh sách những ưu tiên của bạn, đặc biệt nếu quá trình chuyển dạ kéo dài/dậm chân tại chỗ hay xuất hiện tín hiệu nguy hiểm từ thai nhi.