Ở giai đoạn mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu kém hơn bình thường nên rất dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Điều nguy hiểm là khi mẹ bầu mắc bệnh truyền nhiễm thì thai nhi sẽ phải đối diện với nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, thậm chí sảy thai, thai chết lưu.

13:30 10/02/2018

Chính vì vậy, tiêm phòng trước khi mang thai có vai trò quan trọng giúp mẹ và bé tránh khỏi các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều chị em vẫn chưa hiểu rõ hết về các loại vắc xin cần tiêm phòng trước khi mang thai, thời điểm cần chủng ngừa cũng như các nguy cơ có thể gặp phải nếu không được tiêm chủng.

Những vắc xin cần tiêm phòng trước khi mang thai

Các loại vắc xin được liệt kê ở bảng dưới là những vắc xin cần thiết mà mỗi chị em nên tiêm trước khi mang thai.

Loại vắc xin

Số liều vắc xin

Thời điểm tiêm

Lưu ý

Viêm gan B

 

3

●Tiêm mũi 1 trước khi có thai 7 tháng

●Mũi 2 cách mũi 1 : 1 tháng

●Mũi 3 cách mũi 1 : 6 tháng

Cần xét nghiệm HBsAg và antiHBs trước khi tiêm.

Thủy đậu

1-2

Trước khi có thai 3 tháng

Không được tiêm nếu biết mình có thai

Sởi - quai bị - rubella

1

Trước khi có thai 3 tháng

Không được tiêm nếu biết mình có thai

Cúm

1

Trước khi có thai 1 tháng

 

Ngoài ra, với phụ nữ dưới 26 tuổi thì nên tiêm phòng thêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung (HPV). Vắc xin phòng HPV gồm 3 mũi, tiêm theo phác đồ 0, 1, 6 tháng hoặc 0, 2, 6 tháng tùy theo hãng sản xuất vắc xin. Trong trường hợp đang trong quá trình tiêm vắc xin phòng HPV mà có thai thì cần dừng tiêm, đến khi sinh xong mới tiêm mũi tiếp theo. Tuy nhiên, thời gian hoàn tất ba mũi tiêm không được quá 2 năm.

Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, các chị em nên tiêm phòng thêm vắc xin ngừa uốn ván, viêm gan A, viêm phổi do phế cầu... để bảo vệ >sức khỏe của mình.

Ở những tháng đầu đời, bé sơ sinh được bảo vệ nhờ hệ thống kháng thể của mẹ truyền sang trong thai kỳ. Do đó, tiêm phòng trước khi mang thai có ý nghĩa bảo vệ cho cả mẹ, thai nhi và bé sơ sinh

Việc tiêm phòng trước khi mang thai là không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng, thai phụ khi mắc các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm kể trên thì bé sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh hoặc lây bệnh từ mẹ, thậm chí mẹ bị sảy thai, sinh non.

Vì thế, trước khi có ý định mang thai, các chị em nên có kế hoạch tiêm phòng đầy đủ. Trong trường hợp đã có thai nhưng vẫn chưa được tiêm phòng, các >mẹ bầu có thể tiêm bổ sung một số loại vắc xin như ngừa Cúm (bất hoạt), viêm gan b (ở người chưa tiêm vắc xin, tiêm chưa đủ phác đồ, đang mắc các bệnh gan mãn tính khác). Riêng vắc xin ngừa Thủy đậu và Sởi - Quai bị - Rubella không được tiêm cho phụ nữ mang thai.

Làm gì khi lỡ tiêm phòng thì biết mình mang thai?

Các loại vắc xin cần thiết nên tiêm phòng trước khi mang thai, bao gồm vắc xin ngừa Cúm, Viêm gan B, Thủy đậu và Sởi - Quai bị - Rubella đều được khuyến cáo tiêm trước thời điểm mang thai tốt nhất là 3 tháng.

Tuy nhiên, với vắc xin ngừa Cúm và Viêm gan B, bà bầu vẫn có thể tiêm bù trong thai kỳ nếu chưa kịp hoàn thành việc tiêm chủng 2 loại vắc xin này trước khi có thai. Còn với vắc xin ngừa Thủy đậu và Sởi - Quai bị - Rubella, các chị em tuyệt đối không được tiêm nếu phát hiện mình đã được làm mẹ.

Trong trường hợp lỡ tiêm 2 loại vắc xin trên rồi mới phát hiện mình mang thai (thời gian từ lúc tiêm vắc xin đến lúc mang thai chưa được 1 tháng), các mẹ bầu cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc thai kỳ tốt nhất. Lưu ý là không có chỉ định chấm dứt thai kỳ với những trường hợp lỡ tiêm ngừa khi mang thai. Tuy nhiên, cần khám thai thường xuyên để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ.

Tại Việt Nam, hiện 1 số bệnh viện đã có cả 3 chuyên khoa là khoa sản, khoa nhi và khoa tiêm chủng, giúp quá trình theo dõi sức khỏe cho mẹ trước khi mang thai, trong thời gian mang thai và theo dõi sức khỏe em bé sau sinh diễn ra xuyên suốt, phòng ngừa tối đa rủi ro có thể xảy ra cho mẹ và bé.

Theo Hoa Hồng/Sức khỏe và Đời sống