Bộ “bốn quy tắc vàng” đã được đông đảo mẹ bầu áp dụng và chứng minh là cho hiệu quả tuyệt vời.
Trong quá trình bầu bí, bạn sẽ nhận được vô số lời khuyên từ người thân, bạn bè, thậm chí cả hàng xóm về việc làm sao để có một >thai kỳ khỏe mạnh. Hoang mang không biết “bí kíp” nào là đúng và có nên làm theo hay không rất có thể là cảm xúc bạn thường xuyên trải qua khi nhận được hàng tá lời khuyên.
Học cách nghi ngờ, “nghe một tai” và luôn kiểm chứng thông tin là điều vô cùng quan trọng giúp bạn có hành trình “9 tháng 10 ngày” hạnh phúc. Tuy nhiên, bộ “bốn quy tắc vàng” giúp thai kỳ khỏe mạnh dưới đây, là những quy tắc đã được bác sĩ sản khoa xác nhận và được đông đảo >mẹ bầu chứng minh là có hiệu quả. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm áp dụng.
Chọn thực phẩm hữu cơ
Thực phẩm bạn ăn phần nào phản ánh con người bạn. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, đứa trẻ có sở thích thực phẩm của mình ngay từ thời điểm đang ở trong bụng mẹ. Vì thế, việc vô cùng quan trọng mà bạn cần làm là kiểm tra tất cả những gì bạn ăn khi đang bầu bí. Hãy chọn các thực phẩm hữu cơ, có nguồn gốc rõ ràng, tươi sạch, không chứa chất bảo quản hoặc có dư lượng hormone tăng trưởng để thêm vào thực đơn >dinh dưỡng hàng ngày của bạn.
Ngoài ra, hãy ăn uống một cách thông minh. Trong bữa ăn của bạn, nhất thiết phải có mặt của các dưỡng chất là: axit folic, sắt, canxi, protein, đặc biệt là canxi, bởi cơ thể mẹ không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết thì bé sẽ hấp thụ canxi từ xương và răng của mẹ, khiến mẹ tăng nguy cơ loãng xương.
“Tẩy chay” những thực phẩm có hại như: đồ sống hay chín tái, sữa chưa tiệt trùng, gan động vật, các loại cá có chứa thủy ngân… và chú ý bổ sung thêm vitamin cùng khoáng chất. Nếu bạn không chắc liệu mình có bổ sung đủ dưỡng chất hay không thì có thể uống thêm thuốc, nhưng phải được sự chỉ định của bạn sĩ.
Kiểm soát cân nặng
Tư duy bầu bí phải ăn cho 2 người thực sự đã lỗi thời và bạn nên loại khỏi đầu ngay. Tăng cân một cách hợp lý là dấu hiệu của một bà bầu khỏe mạnh và việc tăng cân của mẹ cũng liên quan trực tiếp đến cân nặng và sự phát triển của bé. Nếu bạn tăng cân quá ít thì thai nhi có thể chậm phát triển, dễ suy dinh dưỡng bào thai nên dễ bị sinh non. Nhưng nếu bạn tăng cân quá nhiều thì lại có nguy cơ mắc tiểu đường, huyết áp cao hoặc khó sinh…
Theo Ủy ban đánh giá tình trạng dinh dưỡng trong thời gian mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ, để biết cân nặng hợp lý khi mang thai thì dựa vào tỷ số trọng khối cơ thể (BMI) trước lúc có thai.
Tỷ số này được tính như sau: BMI = trọng lượng cơ thể/ (chiều cao x chiều cao)
Nếu BMI < 19,8: Bạn nên tăng từ 12,8kg đến 18kg trong suốt thai kỳ.
Nếu BMI dao động từ 19,8 đến 26: Bạn nên tăng từ 11,5kg đến 16kg.
Nếu BMI dao động từ 26 đến 29: Bạn nên tăng từ 7kg đến 11kg.
Nếu BMI > 29: Bạn chỉ nên tăng khoảng 6kg.
Lưu ý: Nếu mẹ mang đa thai thì nên tăng 16kg – 20kg trong suốt thai kỳ.
Tập thể dục đều đặn
Lợi ích của việc tập thể dục đều đặn là không thể phủ nhận. Nếu bạn đã từng là một người đam mê thể dục trước khi mang thai, hãy tiếp tục làm như vậy nhưng để đảm bảo an toàn cho cả bạn và bé yêu thì cần cân đối hợp lý “sức nặng” của các bài tập. Trước khi tham gia tập luyện, bạn cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa và tránh một số vấn đề sau:
- Không tập thể dục khi cảm thấy khó chịu.
- Không tham gia các môn thể thao đối kháng hoặc các môn thể thao đồng đội.
- Không tập các bài thể dục có các động tác nhảy.
- Nếu muốn tập Aerobic trong khi mang thai, chỉ nên tham gia ở cấp độ thấp.
- Sau tam cá nguyệt đầu tiên, tránh các bài tập thể dục đòi hỏi phải nằm nhiều vì nó có thể gây trở ngại cho tuần hoàn máu.
- Uống đủ nước khi tập và mặc những bộ đồ tạo cảm giác thoải mái.
- Luôn khởi động trước khi bắt đầu và thư giãn sau khi kết thúc bài tập.
- Luôn lắng nghe cơ thể trong quá trình tập luyện. Có bất thường nào cần dừng tập ngay, cần thiết thì tham vấn ý kiến của bác sĩ.
- Không tập thể dục nếu từng có tiền sử sảy thai hoặc sinh non.
Tránh xa rượu
Đừng chạm vào rượu, dù nó hấp dẫn đến mức nào. Rượu là nguyên nhân gây sảy thai ở nhiều phụ nữ. Và cũng chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh uống một lượng rượu nhất định là an toàn cho thai phụ. Sinh non hoặc sinh nhẹ cân cũng có liên quan đến việc bạn uống rượu khi mang thai. Vì vậy, tốt nhất là tránh xa rượu hoàn toàn trong khi mang thai.
Hành trình “9 tháng 10 ngày” là một trải nghiệm đáng nhớ với bất kỳ phụ nữ nào, kể cả là khi mang thai lần đầu hay đã mang thai đến lần thứ ba. Mọi đứa trẻ đều có giá trị, quyền được nuôi dưỡng và lớn lên khỏe mạnh. Vì thế, mẹ hãy từ bỏ ngay những thói quen gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của bé.