Phụ nữ mang thai cũng có thể bị nhiễm COVID-19 như những người khác nếu tiếp xúc với mầm bệnh. Do đó, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé.
Dịch COVID-19 đã lan rộng ra 210 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu với 1.518.719 người mắc và 88.502 người tử vong.
Trong giai đoạn thai kỳ, sức đề kháng, khả năng miễn dịch thường giảm sút do ăn uống kém, ốm ghén, cơ thể ít vận động nên phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm COVID-19.
Cũng như các đối tượng khác, đa số phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình (thể bệnh viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phổi nhẹ), một số rất ít mắc bệnh thể nặng.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, hay mẹ nhiễm virus trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh. Nhưng các báo cáo cho thấy viêm phổi do virus nói chung ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh... Do vậy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra, phụ nữ mang thai cần phải biết cách tự bảo vệ >sức khỏe cho bản thân mình và thai nhi.
Ăn uống đủ chất
Trong khẩu phần ăn >dinh dưỡng hàng ngày của phụ nữ mang thai cần đáp ứng đủ các nhóm chất:đường bột, đạm, béo, vitamin chất khoáng để giúp bé phát triển tốt và mẹ cân bằng vóc dáng. Nhóm giàu chất bột đường như đậu, ngũ cốc, bí đỏ, bắp (ngô), khoai tây, khoai lang, yến mạch… Nhóm chất béo gồm các loại hạt có dầu, mỡ cá, quả bơ; dầu như dầu olive, dầu dừa, sản phẩm từ sữa. Bà bầu cũng nên ăn đồ nấu chín kỹ, không ăn thịt sống hay nấu chín tái
Đặc biệt cần phải lưu ý bổ sung thêm nhiều vitamin D, một loại vitamin cần thiết cho chuyển hoá canxi, phát triển hệ xương của thai nhi và tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho mẹ.
Ngủ đủ giấc
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng cân bằng, bà bầu cần chú trọng đến giấc ngủ. Dù có ăn đủ chất nhưng thường xuyên mất ngủ sẽ khiến chị em không tỉnh táo, thậm chí kiệt sức, nguy hiểm đến sức khỏe. Bà bầu nên đi ngủ trước 23h, dành 30 phút đến 1h để ngủ trưa mỗi ngày.
Giữ tâm lý thoải mái
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều sự thay đổi về thể chất, tinh thần như cân nặng tăng lên, vóc dáng không còn cân đối, làn da nổi mụn, >mẹ bầu bị nghén nặng nên rất mệt mỏi, cộng thêm đó là sự lo âu từ dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, để cơ mẹ và bé khỏe mạnh, việc giữ cho tâm lý thoải mái khi mang thai rất cần thiết. Bà bầu cần có những khoảng thời gian nghỉ ngơi yên tĩnh, để thư giãn đầu óc và tinh thần.
Tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của Bộ Y tế
Để phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh, bà bầu cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo cảu Bộ Y tế như: rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch, dùng sản phẩm vệ sinh tay có chứa ít nhất 60% cồn.
Cần súc miệng, rửa họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng phòng lây nhiễm bệnh.
Hạn chế du lịch, đến nơi đông người. Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên khi đi thăm khám thai kỳ tại bệnh viện, phòng khám. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, khó thở...