Mỡ bụng có thể xảy ra với bất cứ ai, thậm chí cả với những người gầy, và đó là lý do vì sao chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp ngăn ngừa.
Lâu nay chúng ta vẫn hay nghĩ rằng, chỉ những người “phì nhiêu” mới có mỡ bụng, thật sự thì suy nghĩ ấy hoàn toàn sai lầm, vì ngay cả người gầy cũng có thể “sở hữu” chất béo nội tạng. Có mỡ bụng cũng là điều hết sức bình thường, nhưng nhiều mỡ bụng quá sẽ ảnh hưởng không tốt đến >sức khỏe. Nếu lượng mỡ bụng chỉ nằm ngay dưới da thì không vấn đề gì, nhưng nếu chất béo nằm phía sâu bên trong, bám xung quanh tim, phổi, gan hay các các cơ quan nội tạng (chất béo nội tạng) khác thì đã là chuyện lớn và bạn cần phải quan tâm hơn nếu không muốn sức khỏe càng ngày càng xuống dốc.
Phía sau một chiếc bụng béo có gì?
Bình thường, các cơ quan nội tạng của chúng ta vẫn luôn cần một lượng chất béo xung quanh để làm việc như một tấm đệm bảo vệ. Nhưng nếu lớp đệm quá dày, chất béo không chỉ ngồi yên ở đó mà sẽ “bám” vào những nơi khác, tham gia vào các hoạt động của cơ thể và tạo ra nhiều thành phần có hại có thể khiến chúng ta dễ mắc một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, mất trí nhớ, bệnh tim... “Ngày nay, với sự gia tăng của bệnh béo phì, càng có nhiều người "sở hữu" những khu vực trên cơ thể đầy chất béo. Và khi đó, chúng được chuyển bớt vào các cơ quan nội tạng, giả sử như xung quanh tim...” - Tiến sĩ Carol Shively (trường Y Wake Forest) cho biết.
Nhưng ngay cả khi đang sở hữu một thân hình mảnh mai, bạn vẫn có khả năng có quá nhiều chất béo nội tạng. Việc bạn có bao nhiêu chất béo xung quanh nội tạng được quyết định một phần bởi gen, một phần khác thuộc về lối sốngKhi bạn không vận động, chất béo trong nội tạng càng tích lũy nhiều hơn. Ngay cả khi bạn ăn uống vừa phải mà không tập thể dục vẫn có nhiều khả năng hình thành chất béo trong nội tạng.
Để biết được chính xác lượng chất béo nội tạng trong cơ thể bạn phải đến bệnh viện chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ MRI. Nhưng vẫn có một cách rất đơn giản hơn nhiều nếu bạn muốn kiểm tra một cách ước chừng. Lấy thước dây quấn quanh eo vòng, qua rốn và xem chu vi bụng của bạn đang là bao nhiêu. Nhớ thực hiện điều đó trong tư thế đứng và để vòng thước dây cân bằng. Theo đó, các nàng nên giữ vòng eo không vượt quá 89cm và các chàng không vượt quá 101cm để có sức khỏe tốt hơn.
Làm thế nào để “đánh bại” béo bụng?
Năng tập luyện thể dục thể thao, ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc và kiểm soát tốt stress là 4 “chìa khóa” giúp chúng ta kiểm soát mỡ bụng tốt nhất.
- Tập thể dục: Thường xuyên tập thể dục và tập tích cực sẽ giúp “đánh bay” tất cả chất béo trong cơ thể, bao gồm cả chất béo nội tạng. Bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần, cho dù đó là những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, miễn là bạn khiến mình đổ mồ hôi, thở mạnh hơn và nhịp tim nhanh hơn cũng đã có tác dụng. Nếu muốn giảm thời gian tập luyện xuống một nửa mà vẫn đạt được hiệu quả tương tự, bạn hãy chuyển sang tập luyện với cường độ mạnh.
- Ăn uống khoa học: Có rất nhiều chế độ ăn uống giúp giảm cân khác nhau bạn có thể áp dụng. Và một khi bạn kiên quyết áp dụng việc giảm cân từ bất kể một chế độ ăn nào, mỡ bụng cũng sẽ thường tan đi đầu tiên. Ví như nếu bạn ăn 10 gam chất xơ hòa tan mỗi ngày thì chất béo nội tạng của bạn tích lũy sẽ ít hơn những người khác. Thậm chí, ngay cả khi bạn giữ nguyên chế độ ăn và chuyển từ bánh mì trắng sang bánh mì nâu, bạn cũng có thể quản lí được tốt hơn cân nặng của mình theo thời gian.
- Kiểm soát tốt stress: Trong cuộc sống quay cuồng với công việc như ngày nay, ai trong chúng ta cũng rất dễ đối mặt với nhiều căng thẳng, vậy làm thế nào để có thể kiểm soát tốt được stress? Bạn cần dành thời gian thư giãn với gia đình, bạn bè, thiền, tập thể dục... – những việc làm giúp giảm căng thẳng rất tốt. Kiểm soát tốt stress còn giúp bạn khỏe mạnh hơn và đưa ra những lựa chọn tốt hơn.