Cơm rượu nếp cẩm là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ. Hãy cùng tìm hiểu cách làm cơm rượu nếp cẩm thơm ngon tại nhà qua bài viết dưới đây.
Có nhiều cách làm cơm rượu nếp cẩm khác nhau. Tùy từng vùng miền mà mỗi nơi sẽ có những cách lựa chọn nguyên liệu cũng như phương pháp thực hiện đặc trưng. Nhưng nhìn chung, món cơm rượu nếp cẩm vẫn không quá khó chế biến, chỉ cần đầu tư nguyên liệu cùng một tí tâm huyết là bạn sẽ có ngay mẻ cơm rượu nếp cẩm cực ngon cúng tổ tiên trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Gạo nếp cẩm được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao bởi đây là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng cũng như cực tốt cho dạ dày. Đặc biệt, cơm rượu nếp cẩm nếu dùng thường xuyên với một lượng vừa phải còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng và phòng ngừa nhiều loại bệnh.
Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi là Tết diệt sâu bọ. Vào ngày này, người ta lựa chọn cơm rượu nếp cẩm để ăn như một cách giúp loại bỏ các vi khuẩn, nấm trong cơ thể. Vì thế, chúng ta cũng có thể thấy, chính tính nóng ấm của cơm rượu từ nếp cẩm sẽ hỗ trợ bảo vệ >sức khỏe tốt như thế nào.
+ Lựa chọn nguyên liệu ngon để làm cơm rượu
Mấu chốt quyết định một mẻ cơm rượu có thơm, ngon hay không đầu tiên chính là việc bạn phải chọn được gạo ngon. Với gạo nếp cẩm, chúng ta cần chọn gạo có hạt tròn, thon, màu tím thẫm tự nhiên chứ không phải màu do phẩm nhuộm. Tốt nhất nếu được thì nên chọn loại gạo đã thu hoạch trong khoảng 3 tháng thì sẽ cho ra cơm rượu ngon nhất.
Tuyệt đối tránh dùng gạo nếp cẩm đã bị bạc bụng hay có lốm đốm màu trắng lạ thường. Đó có thể là do gạo đã bị xay xát quá kỹ, điều này vô tình làm mất đi lớp cám dinh dưỡng quan trọng bên ngoài. Bạn có thể nhận biết gạo nếp cẩm có bị pha gạo kém chất lượng hay không bằng cách cho một ít gạo lên lòng bàn tay và quan sát để so sánh kích thước, màu sắc hạt gạo.
Ngoài việc dựa vào màu sắc, các chị em nội trợ còn có thể dùng vị giác để nếm thử. Chỉ cần bỏ vài hạt gạo vào miệng nhai, nếu là gạo nếp cẩm chất lượng thì sẽ có vị ngọt nhẹ, không có lẫn mùi lạ như mùi mốc, còn gạo kém chất lượng sẽ có vị lạt và mùi lạ.
+ Lựa chọn men cơm rượu chất lượng
Men cơm rượu do có chứa nhiều vi sinh vật với tác dụng phân hủy tinh bột thành đường và biến các chất dịch đường thành rượu. Vì thế, chúng ta cần lựa chọn loại men có chất lượng tốt để đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như đảm bảo mẻ cơm rượu không bị hỏng do men kém chất lượng. Bạn cũng nên hạn chế chọn men tàu vì chúng rất dễ gây ngộ độc, nhức đầu cho người sử dụng.
Tốt nhất, men để làm cơm rượu nếp cẩm chị em nên chọn loại men gạo được làm thủ công từ bột gạo cùng 32 vị thuốc bắc. Những viên men màu trắng tròn, hơi phồng lên như bánh dày. Đồng thời, nên lựa chọn loại men mới, có mùi thơm nồng, không bị mốc thì mới chắc chắn sẽ làm ra các mẻ cơm rượu nếp cẩm thơm ngon.
Bước 1: Nấu gạo nếp cẩm
* Việc đầu tiên chúng ta cần làm ngâm gạo trong nước lạnh từ 4-6 giờ để gạo nở mềm, khi nấu sẽ bung nở dễ và đều hơn.
* Tiếp theo, đem gạo nếp đi rửa sạch một lần nữa rồi cho vào nồi cơm nấu hoặc hấp theo cách đồ xôi. Lưu ý, không cho quá nhiều nước khi nấu nếu không nếp dễ bị nhão, làm cơm rượu mất ngon. Ngược lại, nếu cho nước ít quá sẽ làm cơm rượu bị khô cứng. Vì vậy, bạn nên chỉnh lượng nước cho phù hợp.
* Sau khi cơm nếp chín, bạn xới cơm ra một khay lớn lúc chúng còn nóng, trải thật đều cơm, tránh để cơm bị vón cục vì như vậy khi rắc men lên sẽ không đều. Bạn nên đợi vài phút để cơm rượu nguội bớt, sờ tay vào có cảm giác âm ấm thì tiến hành rắc men lên.
Bước 2: Chuẩn bị men cơm rượu
* Thường thì tỷ lệ 100g men sẽ sử dụng cho 10kg gạo nếp, nếu bạn dùng ít hơn, khoảng 5 kg gạo thì chỉ nên cho vào 50g men. Nếu làm ít hơn nữa thì bạn cân lượng men sao cho phù hợp với lượng gạo là được.
* Khi đã chuẩn bị đủ lượng men cần thiết thì tiến hành cho chúng vào cối giã thành bột mịn hoặc cho muốn đơn giản hơn thì cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
* Rắc men đã xay lên mẻ cơm nếp cẩm vừa nấu chín. Bạn nên nhớ là chờ cho cơm còn âm ấm mới rắc men lên vì nếu rắc men lúc cơm nóng thì men sẽ chết, còn nếu cơm quá nguội thì men cũng sẽ không dậy và làm hỏng cả mẻ cơm rượu. Nên thời gian chuẩn nhất để rắc men là lúc cơm còn ấm tay.
* Chia thành 2 lần rắc men lên cơm. Nên rắc đều tay men lên mặt trên của cơm sau đó lật mặt dưới lên và tiếp tục rắc phần còn lại cho đến khi hết men. Cuối cùng, dùng tay sạch trộn đều cơm gạo nếp và men, nên thực hiện nhẹ nhàng để cơm nếp cẩm không bị nát.
* Sau khi đã rắc men lên cơm nếp xong thì nên cho cơm vào lá sen hoặc lá chuối. Nếu không có những nguyên liệu đó, bạn có thể dùng giấy bạc gói lại, sau đó bỏ một chiếc chén vào nồi rồi đặt cơm nếp vào ủ. Chú ý, phải đậy kín nắp và không để cơm không chạm vào phần đáy nồi. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể cho cơm rượu vào hũ thủy tinh để ủ. Tuy nhiên, chỉ nên cho vào khoảng 2/3 hũ và đậy kín lại để tạo khoảng trống thoáng khí, tạo điều kiện cho men ăn cơm và dậy nhanh. Sau 3 - 4 ngày, cơm rượu nếp cẩm sẽ tự động ra nước và bắt đầu tỏa mùi thơm rượu đặc trưng nồng nàn.
* Những ngày thời tiết nắng nóng sẽ dễ ủ cơm rượu hơn còn nếu làm vào những ngày mát mẻ hay lạnh thì nên chắc chắn rằng bạn đã giữ ấm cho hũ cơm rượu bằng cách ủ trong lò vi sóng hay cạnh bếp lửa.
* Khi cơm rượu nếp cẩm lên men, quan sát thấy cơm rượu ra nước cốt, men ngấu, mặt cơm có phần hơi ướt bóng là bắt đầu có thể ăn được. Một mẹo nhỏ là để bảo quản cơm rượu nếp cẩm được lâu, bạn nên cho chúng vào ngăn mát tủ lạnh ăn dần.
+ Kích thích tiêu hóa
Cơm rượu nếp cẩm có cả phần cái và nước nên vừa là thức ăn và cũng là một loại đồ uống. Chúng có hương vị thơm ngon được nhiều người ưa chuộng, kể cả người già hay trẻ em. Món ăn này giúp bồi bổ cơ thể rất tốt, tăng cường miễn dịch và kích thích hoạt động tiêu hoá hiệu quả.
+ Tốt cho tim mạch
Một nghiên cứu khoa học gần đây chỉ ra rằng men gạo nếp có chứa hoạt chất lovastatine và egosterol - những hoạt chất giúp hạn chế tình trạng tai biến tim mạch và giúp tái tạo các tế bào mạch máu khỏe mạnh cho những người sau khi phẫu thuật về tai biến mạch máu não. Đặc biệt, các loại thuốc bào chết từ men rượu nếp cẩm thường không gây tác dụng phụ và không làm thay đổi huyết áp như các loại thuốc khác.
+ Phòng bệnh thiếu sắt
Lượng sắt trong gạo nếp cẩm rất cao. Do vậy nếu ăn gạo nếp cẩm thường xuyên sẽ phòng được các bệnh về thiếu sắt. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai, nên bổ sung cơm rượu nếp cẩm vào thực đơn ít nhất 2 lần/ tuần để hạn chế các tai biến cho cả mẹ và con cũng như giúp tăng lượng sữa cho người mẹ.
Với vài chia sẻ cách làm cơm rượu nếp cẩm cho dịp Tết Đoan Ngọ trên đây, hy vọng các chị em sẽ thành công. Còn chần chừ gì mà không vào bếp ngay để trổ tài cho gia đình những bữa ăn ngon.