Tất niên là thời điểm để bạn quây quần cùng với bạn bè, người thân tiễn năm cũ và chào đón năm mới.

05:00 02/01/2020

Bạn có thể tham khảo một số gợi ý món ăn cho ngày tất niên vừa ngon vừa ý nghĩa sau để bữa tiệc thêm ấm cúng.

Món ăn ngon, đơn giản  và ý nghĩa cho dịp tất niên cuối năm quây quần bên gia đình, người thân 

Tôm chiên xù

Với vị giòn tan của bột chiên xù và vị dai dai, ngọt ngọt của tôm đảm bảo sẽ là món ngon khoái khẩu và được lòng các thành viên trong gia đình bạn.

Nguyên liệu chuẩn bị

Tôm sú

Trứng gà

Bột năng

Bột mì

Bột chiên xù

Hạt nêm

Tôm chiên xù (Ảnh: Congthucmonngon)

Cách làm tôm chiên xù

Tôm sú rửa sạch, cắt bỏ chân và bóc vỏ, (chừa lại phần đuôi không bóc) ướp với 1 chút muối và hạt nêm, để khoảng 15 phút cho ngấm.

Cho trứng gà vào bát, đánh tơi vơi bột mì. Sau đó nhúng tôm vào tẩm bột. Chú ý nhúng thật kĩ để tạo một lớp bột dày bao bọc quanh tôm, có như vậy chiên mới ngon và giòn.

Đổ dầu vào chảo, đun sôi, cho tôm vào. Lưu ý khi chiên cho tôm ngập dầu và để lửa nhỏ. Khi tôm chuyển sang màu vàng rơm, bạn vớt tôm ra, dùng khăn giấy thấm cho hết dầu rồi bày biện thật đẹp mắt ra đĩa.

Gỏi cá hồi

Nguyên liệu chuẩn bị

Thịt cá hồi tươi: 400g

Hành lá, hành khô

Dầu vừng, vừng rang chín

Ớt, tỏi xay nhuyễn

Nước tương đậu nành

Gỏi cá hồi (Ảnh minh họa)

Cách làm gỏi cá hồi

Bước 1: Sơ chế cá hồi

Cá khi mua về rửa sạch rồi dùng khăn giấy sạch thấm hết nước còn đọng trên cá cho khô.

Sau đó ta thái cá thành từng miếng vuông nhỏ vừa ăn.

Cho cá vào hộp nhỏ, đậy kín rồi để trong ngăn mát tủ lạnh.

Bước 2: Sơ chế hành, tỏi và các nguyên liệu khác

Tỏi đã lột vỏ và ớt rửa thật sạch rồi để ráo nước. Sau đó, đem tỏi và ớt băm nhuyễn.

Hành lá rửa sach, thái khúc nhỏ.

Hành khô lột vỏ, rửa sạch rồi thái thành từng lát mỏng.

Bước 3: Chế biến món ăn

Cho hành khô, hành lá vừa chuẩn bị ở trên, 1 thìa nhỏ ớt xay nhuyễn, 3 thìa nhỏ nước tương đậu nành, 1 thìa dầu vừng với 1 ít vừng rang vào một tô lớn rồi trộn đều lại với nhau.

Bước 4: Hoàn thành món ăn

Lấy cá trong tủ lạnh ra đem  trộn đều với hỗn hợp vừa làm ở trên để miếng cá được thấm đều gia vị.

Sau khi trộn xong  ta bày gỏi cá ra đĩa và trình bày sao cho đẹp mắt là được.

Bò sốt vang ăn với bánh mì

Nguyên liệu chuẩn bị

Thịt bò: 500g

Cà chua: 3 quả (nếu quả to bạn chỉ cần 2 quả)

Cà rốt: 2 củ

Hành tây: 1 củ

Rượu vang đỏ hoặc trắng

Bánh mì: 3, 4 chiếc (tùy lượng người ăn)

Bò sốt vang ăn kèm bánh mì 

Cách làm bò sốt vang

Bước 1: Thịt bò cắt quân cờ, ướp chung với 3 muỗng bột nêm và 1 trái cà chua xay nhuyễn, 1/2 muỗng dầu, 3 muỗng rượu vang dùng găng tay trộn đều để 30 phút cho thịt thấm gia vị.

Bước 2: Bắc chảo lên bếp, tỏi đập dập. Dầu nóng cho tỏi phi thơm tiếp đến cà chua thái hạt lựu vào

Trút phần thịt đã ướp vào xào đến khi miếng thịt săn chắc.

Hoà 100ml rượu vang với 200ml nước. Sau đó cho phần rượu vang vào nồi thịt nấu trên lửa trung bình 20-30 phút tuỳ vào độ dày của miếng thịt bò.

Bước 3: Cà rốt thái khoanh tròn, cho vào nấu chung với thịt thêm 10 phút thì nêm lại gia vị cho vừa ăn và tắt bếp đi là xong.

Xôi đỗ xanh

Nguyên liệu chuẩn bị

400gr gạo nếp

200gr đậu xanh (nên chọn loại đậu xanh mà lòng của nó màu xanh, không nên chọn loại có lòng màu trắng vì đó là đậu đã để lâu dễ gây sượng)

Một thìa cà phê muối tinh

Xôi đỗ xanh (Ảnh minh họa)

Cách làm xôi đỗ xanh

Ga nếp và đậu xanh ngâm trước khoảng hai giờ, sau đó vo sạch để ráo nước. Riêng đậu xanh cần vo và đãi cho sạch vỏ.

Khi gạo và đậu đã ráo nước thì cho vào nồi cơm điện, đồng thời cho thìa muối tinh trộn đều.

Đổ nước sao cho ngập phần gạo khoảng 0,5cm. Cắm điện, đợi khi sôi thì mở nắp, nhanh tay đảo đều rồi đóng kín. Khi nồi cơm điện chuyển sang nút ủ ấm thì đợi thêm khoảng 10 phút là xôi đã chín tới. Bạn cho xôi ra đĩa và thưởng thức.

Lẩu

Một lồi lẩu nóng sẽ cho bạn và người thân có bữa tất niên được vui vẻ và ấm hơn trong thời tiết lạnh của mùa đông. Bạn có thể chọn một số loại lẩu như lẩu Thái, lẩu hải sản, lẩu cá, lẩu riêu cua bắp bò sườn sụn...

Ảnh minh họa: Internet

Lẩu gà nấm

Nguyên liệu chuẩn bị

Gà ta: 1-1,5kg

Nấm đông cô tươi

Nấm linh chi

Nấm rơm

Nấm bào ngư

Nấm kim châm

Nấm đùi gà

Củ cải trắng: ½ kg

Hành tím, tỏi băm nhuyễn + ớt

Gia vị: Dầu ăn, hạt nêm, đường, bột ngọt, muối, nước mắm.

Lẩu gà nấm ấm cúng cùng gia đình ngày cuối năm 

Cách làm lẩu gà nấm

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu làm lẩu nấm thịt gà

Thịt gà rửa sạch, xát muối lên đều da gà rồi rửa lại bằng nước sạch và để ráo nước.

Khi thịt gà ráo nước, tiến hành rút xương gà. Cách rút xương gà như sau: Dùng con dao nhỏ mũi nhọn và sắc cắt những lớp xương thừa, rồi dùng dao rạch bụng hay sống lưng gà rồi lọc đến các phần còn lại của con gà. Hoặc bạn chia gà thành 4 phần rồi rút xương.

Tiếp tục thực hiện cách làm lẩu gà nấu nấm ngon, các bạn chặt thịt gà và da gà thành từng miếng vừa ăn. Sau đó, ướp thịt gà với hạt nêm, bột ngọ, tiêu và hành tỏi băm trộn đều cho ngấm gia vị.

Bước 2: Nấu nước dùng: Bạn cho xương gà vào xoong nấu với lửa to, rồi cho thêm giấm gạo, muối vào xoong, khi nước sôi cho nhỏ lửa.

Củ cải trắng gọt vỏ, rửa sạch cắt khúc rồi cho vào nồi nước dùng. Khi nấu không nên đậy nắp vung và chú ý hớt sạch bọt để nước dùng được trong. Nấu khoảng 3 giờ đồng hồ là được.

Nấm rửa sạch ngâm với nước muối, rồi vớt ra cắt thành từng miếng để cho ráo nước.

Sau khi nước sôi cho nấm hương vào nấu trước để nồi lẩu có mùi thơm đặc trưng của nấm hương. Đợi nước sôi lại cho tiếp gà vào, cuối cùng mới cho các nguyên liêu khác vào. Tiếp tục đun nhưng để lửa nhỏ để các nguyên liệu chín đều và từ từ đem ra thưởng thức.

Theo Hoàng Ly/ Gia đình Việt Nam