Ngày càng nhiều các thương hiệu mỹ phẩm gắn mác organic (hữu cơ) hay natural (tự nhiên). Bạn có biết đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau?
Mỹ phẩm Natural có hoàn toàn thiên nhiên?
Thuật ngữ “natural” không được FDA (Cơ quan Quản lý dược phẩm thực phẩm Hoa Kỳ) kiểm soát, có lẽ vậy, bất cứ nhãn hiệu mỹ phẩm nào cũng có thể đính mác “tự nhiên” cho các sản phẩm của họ, dù trong thành phần đầy rẫy hóa chất tổng hợp.
Tuy nhiên, khái niệm trên không thể chỉ ra họ sai, vì những sản phẩm thiên nhiên không bắt buộc hay có quy định nào phải gồm 100% thành phần từ thiên nhiên.
Dù chỉ chứa rất ít thành phần thiên nhiên nhưng các loại mỹ phẩm hiện nay vẫn ồ ạt gắn mác "NATURAL"
Ở Mỹ, hầu như có rất ít các quy định về việc quảng cáo các sản phẩm gắn mác “Natural”. Điều này có nghĩa là những sản phẩm dù chứa tỉ lệ phần trăm các thành phần thiên nhiên thấp vẫn được gọi là mỹ phẩm Natural.
Mỹ phẩm Natural nói chung sẽ không chứa các thành phần tổng hợp từ dầu mỏ, parabens, sodium lauryl, laureth sulfates, phthalates, màu tổng hợp… trong bảng thành phần.
Hãy kiểm tra thành phần trước khi quyết định mua một loại >mỹ phẩm tự nhiên.
Vì thế, bạn chỉ có thể dựa vào thứ tự trong bảng thành phần để xác định sản phẩm có chứa nhiều nguyên liệu tự nhiên hay không. Thông thường, các thành phần tự nhiên này nên nằm ở nửa đầu của bảng thành phần.
Một điểm khác bạn có thể dựa vào để lựa chọn là chứng nhận từ NPA (Natural Products Association) có mặt trên gần 800 sản phẩm tại Mỹ. Để có được con dấu của NPA, một sản phẩm phải chứa ít nhất 95% nguyên liệu từ thiên nhiên (không bao gồm nước) được làm từ các nguồn không liên quan đến dầu mỏ, các nguồn thực vật, động vật và khoáng vật có thể tái tạo được. Bao bì sản phẩm phải có ý thức bảo vệ môi trường và hoàn toàn không thử nghiệm trên động vật.
Mỹ phẩm Organic không thể tự phong
Mỹ phẩm Organic cần được phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền.
Nếu như mỹ phẩm Natural có sự dễ dãi hơn trong quy định, thì mỹ phẩm muốn gắn mác Organic thật sự không hề dễ dàng. Đầu tiên là thành phần phải được điều chế từ cây trồng không sử dụng thuốc trừ sâu tổng hợp, phân bón có nguồn gốc dầu mỏ và hoàn toàn không sử dụng công nghệ biến đổi gen (GMO).
Quan trọng nhất, >mỹ phẩm hữu cơ đúng chuẩn cần có sự xét duyệt và chứng nhận của các tổ chức có thẩm quyền như QAI, NSF, USDA,… Các dấu công nhận này sẽ được in rõ ràng trên nhãn sản phẩm.
Tiếp đó, một sản phẩm muốn được chứng nhận "organic" phải chứa ít nhất 95% nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Một số sản phẩm khác có thể được chứng nhận là "chứa thành phần hữu cơ" (contains organic) hoặc "được sản xuất với nguyên liệu hữu cơ" (made with organic) nếu chứa ít nhất 70% nguyên liệu hữu cơ.
Giữa mỹ phẩm hữu cơ và tự nhiên có những quy định khác nhau về thành phần nguyên liệu.
Ngoài ra, đối với một vài sản phẩm có công dụng điều trị sẽ có những quy chuẩn riêng để đạt được chứng nhận hữu cơ. Chẳng hạn, với những loại mỹ phẩm chỉ được phép chứa tối đa 5% các thành phần không phải hữu cơ, với điều kiện các thành phần đó phải có trong danh sách cho phép sử dụng với liều lượng nhất định.
Như vậy "mỹ phẩm organic" không chỉ khác "mỹ phẩm natural" về quy trình kiểm định mà yêu cầu về thành phần cũng khắt khe hơn nhiều.
Tạm kết
Hãy đầu tư thời gian tìm hiểu về bất cứ một loại mỹ phẩm nào, dù là hữu cơ hay tự nhiên trước khi quyết định mở "hầu bao".
Khái niệm “tự nhiên” hay “hữu cơ” của mỹ phẩm hoàn toàn không được định nghĩa và quy định bởi FDA. Những sản phẩm dù chứa phần trăm các thành phần hóa học cao hơn các thành phần từ tự nhiên vẫn có thể được gắn mác “Natural”.
Do đó, các bạn không nên đặt quá nhiều niềm tin vào quảng cáo, hãy đầu tư chút thời gian và cân nhắc kỹ bảng thành phần trước khi quyết định chọn mua mỹ phẩm. Việc tìm hiểu về các chứng chỉ chứng nhận mỹ phẩm hữu cơ cũng là một cách hay để bạn có thể yên tâm hơn về loại mỹ phẩm bạn sẽ mua.