Tóc xơ rối, rụng theo mảng hay chẻ ngọn có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề ở gan, hệ miễn dịch hay nội tiết tố.

05:38 09/10/2018

Tóc xơ rối

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng tóc khô, xơ rối là thiếu sự chăm sóc, lạm dụng hóa chất làm tóc hay thường xuyên sử dụng các sản phẩm nhiệt để tạo kiểu. Một nguyên nhân khác là cơ thể thiếu hụt vitamin và các khoáng chất cần thiết cũng khiến mái tóc trông yếu. Cụ thể, mái tóc xơ rối cảnh báo cơ thể đang thiếu selen, lưu huỳnh và phốt pho. 


Gàu

Gàu không phải là một tình trạng nguy hiểm nhưng nó khiến bạn khó chịu và kém thẩm mỹ. Có nhiều lý do gây ra gàu, trong đó có việc sử dụng quá nhiều sản phẩm tạo kiểu, thường xuyên căng thẳng, chế độ ăn uống kém lành mạnh (ăn quá nhiều tinh bột và chất béo) hay vấn đề về đường tiêu hóa hoặc suy giảm hệ miễn dịch. Nếu xuất hiện gàu vàng, bạn có thể mắc bệnh viêm da tiết bã, một bệnh lý da liễu khá khó chữa dứt điểm. Trong trường hợp dầu gội đầu trị gàu không thể giúp bạn giải quyết tình trạng, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để có được liệu pháp tốt nhất.


Tóc mỏng và giòn

Tóc mỏng và giòn có thể do cơ thể thiếu protein. Ngoài biểu hiện ở tóc, bạn có thể nhận thấy rõ tình trạng khi da khô hơn, móng tay yếu, dễ gãy. Tóc giòn cũng là một dấu hiệu của bệnh Cushing. Nếu bạn có thêm các dấu hiệu như mất ngủ mãn tính, huyết áp cao và đau lưng không thể giải thích được thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám kỹ hơn. 


Tóc rụng từng mảng

Mỗi ngày, bạn có thể rụng tới 100 sợi tóc, trừ trường hợp mang thai, tiền mãn kinh hay một số bệnh lý khác có thể khiến tóc rụng nhiều hơn. Cách dễ nhất để kiểm tra xem tình trạng rụng tóc của bạn có nằm trong quy luật bình thường hay không là đưa các ngón tay qua tóc và kéo từ gốc đến ngọn. Nếu chỉ có từ 0 - 2 sợi rụng, mọi thứ đều ổn, nếu có từ 3 - 5 sợi tóc rụng hoặc nhiều hơn, bạn nên tới gặp bác sĩ. Rụng tóc có thể là một dấu hiệu cảnh báo hệ thống nội tiết hoặc hệ miễn dịch của bạn có vấn đề. Nó cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường. 


Tóc dầu

Tóc dầu thường gặp khi chế độ ăn uống của bạn thiếu cân bằng. Để giải quyết tình trạng, bạn nên hạn chế tiêu thụ mỡ động vật, ăn ít thịt, các món chiên, hạn chế đồ ngọt, đồ ăn hun khói, rượu và cà phê. Thêm một vài giọt tinh dầu cây trà vào dầu gội có thể giúp bạn giảm bớt tình trạng tiết dầu trên da đầu. Nếu mẹo này không cải thiện tình hình, bạn có thể đã gặp vấn đề trao đổi chất, suy giảm nội tiết tố hoặc các vấn đề về gan. Trong trường hợp này, bạn nên đến gặp bác sĩ để có chẩn đoán đúng nhất. 


Tóc bạc sớm

Về lý thuyết, tóc bạc chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố di truyền. Khi chúng ta già đi, số lượng melanocyte chịu trách nhiệm cho việc sản xuất sắc tố giảm, khiến tóc bạc nhanh. Trung bình, phụ nữ sẽ bắt đầu thấy tóc bạc ở độ tuổi 30 - 40 nhưng cũng có người bị bạc tóc sớm hơn. Nếu bạn có tóc bạc cả sợi thì thường là do căng thẳng nghiêm trọng, mệt mỏi mãn tính hoặc ăn uống kém (chế độ ăn thiếu protein). 


Ngứa da đầu

Nếu bạn bị ngứa da đầu kèm theo nổi mụn, lở loét, bong da đầu và các vấn đề kích ứng da khác thì nên tới gặp bác sĩ da liễu ngay để đảm bảo mình không mắc bệnh vẩy nến hoặc chàm. Nếu chỉ bị ngứa da đầu không kèm theo triệu chứng nào khác thì vấn đề có thể là rối loạn hệ thần kinh do căng thẳng gây ra. Trong trường hợp này, bạn nên uống các loại thảo mộc, tăng cường vitamin B1 và B6.


Tóc khô và chẻ ngọn

Tóc khô và chẻ ngọn là biểu hiện cơ thể thiếu protein, đặc biệt là sắt. Vấn đề này cũng dễ xảy ra với những người ăn kiêng hà khắc hoặc gặp vấn đề nội tiết tố. Nên tăng cường ăn cá, cà rốt, uống nước cam để bổ sung vitamin. 

Theo Giang Nguyên/ Ngoisao.net