Cách làm nước hoa khô chắc chắn chẳng mấy người biết làm dù có là fan cuồng của nước hoa lâu năm đi chăng nữa.

Hanako 16:15 16/09/2019

Cách làm >nước hoa khô chắc chắn chẳng mấy người biết làm dù có là fan cuồng của nước hoa lâu năm đi chăng nữa.

Dùng nước hoa khô là trải nghiệm rất thú vị và nếu bạn có đủ đam mê khám phá, hãy bắt đầu ngay với bài hướng dẫn sau đây.

Nước hoa khô rất dễ thương với hương thơm dịu nhẹ - Ảnh minh họa: Internet

Nước hoa khô là gì?

Nước hoa khô (Solid Perfume) là loại nước hoa ở thể rắn. Trông kết cấu của nó tương tự như sáp nến hay son dưỡng môi. Nước hoa khô thường có mùi hương nhẹ dịu, và được bảo quản trong những chiếc hộp thiếc dễ thương chứ không đựng trong lọ để xịt như các chai xịt thông thường.

Nước hoa khô có thành phần chính là sáp gốc thực vật, phổ biến như sáp đậu nành, sáp ong hoặc sáp khoáng như sáp ozokerite, sáp ceresin. Nó được điều chế cùng với tinh dầu thiên nhiên từ hoa, gỗ thơm, trái cây hoặc các loại hạt để đạt được sự nhất quán và tạo ra các loại mùi hương đa dạng.

Thời gian lưu giữ mùi hương nước hoa khô trên cơ thể tùy thuộc vào nguyên liệu sản xuất, phần trăm tinh dầu thơm có mặt trong đó và cả yếu tố cơ địa. Theo lý thuyết, nước hoa khô có thể giữ hương từ 2 đến 12h đồng hồ. Tuy nhiên, đa phần các loại nước hoa khô thiên nhiên 100% chỉ lưu giữ được khoảng 3 – 4h đồng hồ.

Hương thơm của nước hoa khô cũng không nồng gắt, sắc sảo như nước hoa truyền thống mà nhẹ nhàng, tinh tế, mộc mạc, tự nhiên nhưng vẫn quyến rũ và thu hút. 

Nước hoa khô được bán trên thị trường có giá thành tương đối phù hợp với các bạn học sinh sinh viên khi không phải bỏ ra một số tiền quá lớn để mua, dùng cũng không quá tốn kém vì một hũ nhỏ cũng có thể sử dụng được một khoảng thời gian khá dài.

Nước hoa khô cũng có thể tự làm tại nhà với các công thức cách làm nước hoa khô rất đơn giản dưới đây bạn có thể áp dụng ngay.

Nước hoa khô được đựng trong những chiếc hộp rất xinh xắn - Ảnh minh họa: Internet

Cách làm nước hoa khô

Cách làm nước hoa khô handmade

Nguyên liệu

Sáp: Sáp ong hoặc sáp đậu nành. Sáp ong được dùng phổ biến hơn vì giá rẻ hơn, độ cứng ổn định hơn sáp đậu nành.

Dầu thực vật: Nên dùng dầu hạnh nhân hoăc dầu quả bơ vì hai loại dầu này không có mùi, sẽ không làm ảnh hưởng đến mùi nước hoa khô. Nếu định dùng dầu dừa, bạn phải chọn loại có mùi thật nhẹ. Không nên dùng dầu olive vì olive có mùi rất nồng.

Hương liệu: Không nên dùng tinh dầu vì hương tinh dầu đậm đặc rất nồng. Hương liêu phải an toàn cho da, không sử dụng hương liêu đốt phòng cho thơm.

Hộp đựng: Hãy chọn các loại hộp đựng trông xinh xắn và phải vệ sinh sạch sẽ. Lưu ý, không nên dùng hộp kim loại tái chế.

Công thức chung

30% sáp ong

50% các loại dầu thực vât (dầu quả bơ, dầu hạnh nhân, dầu quả mơ)

20% hương liệu an toàn cho da

Cách thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

6g sáp ong; 10ml dầu quả bơ; 4ml hương liêu Delicious của DKNY; Cốc thủy tinh chịu nhiêt; Que khuấy; Nồi đun cách thủy; Hộp đựng nước hoa khô thành phẩm

Nguyên liệu nước hoa khô - Ảnh minh họa: Internet

Bước 2: Cân 6g sáp ong cho vào cốc chịu nhiệt, sau đó đổ dầu quả bơ vào

Bước 3: Đun cách thủy cốc nguyên vât liệu trong lửa nhỏ khoảng 3-5 phút, khuấy nhẹ để sáp ong tan hết trong dầu thành môt hỗn hợp lỏng. Không được để nước nhỏ vào hỗn hợp trong quá trình hấp cách thủy nên không cần đây vung nồi.

Bước 4: Tắt bếp, đợi khoảng 1-2 phút cho hỗn hợp nguôi thì nhỏ hương liệu vào, khuấy đều. Chú ý, không nên cho hương liệu vào khi hỗn hợp còn quá nóng hoặc quá nguội vì quá nóng thì hương liệu bốc hơi hết còn quá nguội thì sáp đã vón cục không hòa tan được hương liệu.

Bước 5: Nhanh tay đổ ngay ra hộp đựng và chờ khoảng vài phút cho hỗn hợp cứng lại là bạn đã có những hộp nước hoa cộp mác của riêng mình rồi.

Một vài lưu ý nhỏ

+ Khi nước hoa nguội rồi mà thấy hỗn hợp cứng tức là bạn đã cho quá nhiều sáp, quá ít dầu. Khắc phục bằng cách khoét phần nước hoa khô ra khỏi hộp, cho lại vào bát, chưng cách thủy lên kèm theo 1-2 thìa dầu thực vật. Ngược lại, nếu nước hoa khô quá mềm thì bạn chưng cách thủy lại và cho thêm một chút sáp.

+ Cách vệ sinh dụng cụ sau khi làm: Viêc vệ sinh dụng cụ (bát, que khuấy) sau khi làm xong có thể hơi khó vì nó dính sáp ong. Hãy dùng giấy ăn lau hết phần sáp thừa dính trên bát (nếu sáp đã khô có thể dùng dao cậy), khi cảm thấy dụng cụ đã bớt độ dính của sáp thì mới rửa bằng nước rửa bát.

+ Hạn sử dụng: Một hộp nước hoa khô bé tẹo dùng sẽ rất lâu hết. Tuy nhiên bạn nên cố dùng hết cho nhanh, vì nhiều trường hợp, sau vài tháng, nước hoa khô bắt đầu bị biến mùi do hương liệu handmade không thể bền bằng hương liệu nước hoa công nghiệp.

+ Tuyệt đối không thoa nước hoa khô lên môi vì hương liêu không ăn được. 

+ Người dị ứng với hạnh nhân và phụ nữ có thai không nên sử dụng nước hoa khô.

Đây là cách làm nước hoa khô có một chút cầu kỳ nhưng không hề khó chút nào. Chỉ gần chịu khó chuẩn bị tốt khâu nguyên liệu là việc thực hiện rất dễ dàng.

Hãy sử dụng những chiếc hộp xinh xắn, sạch sẽ để đựng nước hoa khô - Ảnh minh họa: Internet

Cách làm nước hoa khô từ vaseline

Nguyên liệu: Nước hoa mùi mà bạn thích; Vaseline; Hũ nhỏ đựng kem

Cách thực hiện

Bước 1: Cho vaseline vào hũ. Các bạn nên dùng hũ nhỏ như hũ đựng kem hoặc son dưỡng.

Bước 2: Thêm nước hoa mùi mà bạn thích vào.

Bước 3: Trộn đều hỗn hợp là xong

Nước hoa khô từ vaseline - Ảnh minh họa: Internet

Cách làm nước hoa khô từ tinh dầu

Nguyên liệu: Sáp; Dầu thực vật; Tinh dầu tràm trà

Cách thực hiện

Bước 1: Cho sáp và dầu thực vật vào một chiếc cốc sau đó cho vào lò vi sóng khoảng 5 – 10 phút để chúng hòa tan vào nhau.

Bước 2: Hãy đổ hỗn hợp ra một chiếc ly rồi để nguội hẳn

Bước 3: Cho tinh dầu vào, sau đó đổ dung dịch ra lọ đến khi đông lại (phải để dung dịch nguội nếu cho tinh dầu vào sớm thì sẽ bị bay hơi). Đây là cách làm nước hoa khô thơm lâu đơn giản mà bạn nên ghi nhớ để thực hiện.

Làm nước hoa khô từ tinh dầu - Ảnh minh họa: Internet

Cách làm nước hoa hồng từ hoa hồng khô theo phương pháp đun sôi

Cách làm nước hoa hồng bằng phương pháp đun sôi

Nguyên liệu: Cánh hoa hồng khô; Nước; Túi lọc; Nồi có nắp đậy; Chai tối màu để cất giữ

Cách thực hiện

Cho 1/4 chén cánh hoa hồng khô vào nồi cùng 1,5 chén nước rồi đậy nắp đun sôi trong lửa nhỏ đến khi cánh hoa hồng nhạt dần và gần như trong suốt trong khoảng 5 -10 phút.

Sau khi nước đã sôi 5-10 phút, bạn hãy mở nắp ra cho nguội.

Tiếp tục đổ nước và cánh hoa qua túi lọc để lọc hết cánh hoa rồi đổ nước hoa hồng vào chai tối màu.

Bạn có thể bảo quản nước hoa hồng trong tủ lạnh vài tuần hoặc nếu để ở ngoài thì tối đa 1 tuần.

Cách làm nước hoa hồng từ hoa hồng khô theo phương pháp chưng cất

Phương pháp chưng cất hơi mất thời gian hơn cách đầu nhưng sẽ cho ra nước hoa hồng tinh khiết có hạn sử dụng lâu hơn.

Nguyên liệu

Cánh hoa hồng khô; Nước; Đá lạnh; Nồi to có nắp đậy; Một viên gạch sạch; Bát kim loại hoặc thủy tinh cách nhiệt; Chai đựng tối màu

Nước hoa hồng - Ảnh minh họa: Internet

Cách thực hiện

Bạn hãy đặt một viên gạch ở giữa nồi rồi đặt bát kim loại hoặc thủy tinh cách nhiệt lên trên viên gạch.

Hãy cho cánh hoa hồng khô vào nồi xung quanh viên gạch, dưới chén kim loại hoặc thủy tinh.

Đổ nước vào ngập cánh hoa và ngang mặt viên gạch rồi đậy ngược nắp nồi để hơi nước ngưng tụ lại và nhỏ giọt xuống vào bát. Đặt đá viên lên trên nắp để kích thích hơi nước ngưng tụ.

Đun nước sôi trong lửa nhỏ rồi thay đá viên khi đá đã chảy ra hoàn toàn và đun ít nhất trong 30 phút sau đó cẩn thận đổ nước hoa hồng đã thu được vào chai tối màu.

Phương pháp này sẽ giúp bạn sử dụng nước hoa hồng lâu hơn khi để ở nhiệt độ phòng. Bạn có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng tối đa 6 tháng. Tuy nhiên, bạn vẫn nên bảo quản nước hoa hồng trong tủ lạnh.

Cách làm nước hoa khô và nước hoa hồng không hề khó chút nào, vì vậy bạn có thể áp dụng làm ngay tại nhà để có thể có được sản phẩm yêu thích, sử dụng an toàn mà lại tiết kiệm nữa.

Hanako (TH)