Duy trì ăn ức gà liên tục trong một thời gian dài, người đàn ông 30 tuổi thực sự sốc khi biết chế độ ăn không những không đem lại lợi ích sức khỏe, mà còn khiến một cơ quan nội tạng bị tổn thương nghiêm trọng.
Thịt gà là nguồn cung cấp >dinh dưỡng quan trọng, đem lại nhiều lợi ích cho >sức khỏe con người. Tuy nhiên, khi sử dụng không đúng cách, cơ thể vẫn gặp phải những tác hại khôn lường.
Điển hình là trường hợp của anh Mã, 30 tuổi, nhà ở Chiết Giang, Trung Quốc. Do bắt đầu tập thể hình để giảm cân và muốn tăng cơ, anh Mã đã lên mạng tìm hiểu về chế độ ăn. Anh lựa chọn ức gà là món chủ đạo vì lượng protein dồi dào. Loại thực phẩm này cũng rất thích hợp cho những người đang tập thể hình.
Ngoại trừ bữa sáng ra, anh Mã đều sử dụng ức gà để xoa dịu cơn đói. Điều này liên tục kéo dài trong một khoảng thời gian dài. Tính trung bình số lượng thịt mà anh ăn đã lên tới 160 túi/tháng. Đó cũng là lúc anh Mã bắt đầu cảm thấy cơ thể mệt mỏi, xuống cân trông thấy và đôi khi kiệt sức, không thể dậy nổi vào buổi sáng.
Anh Mã lo lắng về tình trạng sức khỏe bất thường nên đi khám tại bệnh viện. Kết quả kiểm tra tổng quát cho thấy, chức năng thận suy giảm nghiêm trọng.
Bác sĩ cho rằng, khẩu phần ăn của anh chính là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng này. Bệnh nhân đã nạp quá nhiều chất đạm vào người, dẫn đến quá trình chuyển hóa ở thận quá tải, khiến thận bị tổn thương nghiêm trọng.
Vậy ăn ức gà liên tục có tốt không? Đây là loại thực phẩm thường được tận dụng để giảm cân. Điều này hoàn toàn không sai, nhưng khi sử dụng không đúng cách, với khẩu phần không hợp lý, chế độ ăn này sẽ phản tác dụng. Khi cơ thể dư thừa protein và tích tụ nhiều cholesterol sẽ tạo thành gánh nặng cho gan và thận…
Tác hại không ngờ khi ăn quá nhiều thịt gà
Sử dụng nhiều thịt gà liên tục sẽ gây nguy cơ khó tiêu. Bộ máy tiêu hóa mất nhiều thời gian làm việc liên tục, vừa gây khó chịu cho cơ thể, vừa không có lợi về mặt tiêu hóa.
Tuy chế độ ăn giàu protein có thể đem lại lợi ích sức khỏe khi thúc đẩy tăng quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp đốt năng lượng nhiều hơn. Như vậy, cơ thể tan mỡ nhanh hơn, cơ bắp phát triển tốt và sung sức hơn. Nhưng ăn quá nhiều protein lại đem tới ảnh hưởng không tốt cho thận.
Thận phải làm việc quá mức khi xử lý quá trình chuyển hóa protein và đào thải lượng protein dư thừa. Hiện tượng này sẽ khiến cơ thể bị khát, buộc phải uống nước nhiều và đi tiểu nhiều. Theo Popsugar dẫn ý kiến của các chuyên gia sức khỏe, hậu quả là có thể gây tổn hại đến thận, thậm chí gia tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Ngoài ra, nếu khẩu phần ăn chỉ chứa protein từ động vật, không bổ sung chất xơ từ thực vật, cơ thể cũng có khả năng bị táo bón.
Ở một số quốc gia, thịt gà được xếp vào thực phẩm khá “bẩn” vì chúng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu bảo quản trong điều kiện vệ sinh kém, nhiều loại vi khuẩn có hại rất dễ xâm nhập vào miếng thịt, gây nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng.
Nếu sử dụng thịt gà không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, bạn rất dễ nạp thêm vào cơ thể một lượng kháng sinh, hormone kích thích tăng trưởng còn tồn dư trong sản phẩm. Những chất này được sử dụng trong quá trình nuôi dưỡng, còn tồn đọng trong thịt, xâm nhập vào cơ thể người có thể gây ra những tác hại không mong muốn.
Ăn thịt gà bao nhiêu là hợp lý?
Theo khuyến cáo của Cao đẳng Y học Thể thao Mỹ (ACSM), với mỗi pound (khoảng 450 g) trọng lượng cơ thể, chúng ta nên ăn 0,5-0,8 gram protein. Trong trường hợp một người có cân nặng khoảng 68 kg thì nên ăn 75-120 gram protein/ngày.
Nếu chế độ ăn giàu protein từ thịt động vật thì con số này có thể điều chỉnh thêm/bớt cho phù hợp. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), với các loại thịt nạc, chẳng hạn như thịt gà không da, thì không nên ăn quá 155 gram/ngày.
Bên cạnh đó, chỉ nên ăn khoảng 4-5 bữa có nhiều thịt nạc mỗi tuần, theo AHA. Các loại thịt đỏ như heo, bò hay các chất béo bão hòa… đều cần hạn chế.
Cách tốt nhất là có một chế độ ăn uống cân bằng, tránh những chế độ ăn cực đoan, chỉ nạp một loại thực phẩm và chất dinh dưỡng trong thời gian quá dài. Thói quen ăn uống như vậy sẽ gia tăng gánh nặng cho các cơ quan nội tạng trong cơ thể.
*Theo 163, ACSM, AHA