Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) hay còn gọi là ngày diệt sâu bọ, từ lâu đã trở nên rất quen thuộc đối với người dân Việt Nam bao đời qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của nó.
Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương là một ngày Tết truyền thống tại một số nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa.
"Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ tức là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất. Ở Việt Nam, tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là "tết giết sâu bọ". Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Tết Đoan Ngọ 2023 rơi vào thứ 5, ngày 22/6 dương lịch.
Nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ
Theo truyền thuyết, vào một vụ mùa bội thu, người nông dân ăn mừng vì trúng mùa. Thế nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến đông đảo, ăn hết cây trái, thực phẩm đã thu hoạch được. Người dân rất lo lắng, đau đầu không biết cách gì để có thể giải quyết được nạn sâu bọ thì xuất hiện một ông lão xưng là Đôi Truân.
Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm những lễ vật đơn giản: Bánh gio, trái cây, sau đó đi ra trước nhà mình vận động thể dục. Mọi người làm theo lời ông thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì đã dặn thì sẽ trị được chúng.
Dân chúng biết ơn và để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày Tết “diệt sâu bọ", nhiều người gọi nó là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ
Người dân làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ nhằm mục đích phát động phong trào bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng và cầu mong một vụ mùa bội thu.
Theo quan niệm dân gian, người dân ăn hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5 Âm lịch là một cách để diệt trừ sâu bọ. Vào ngày này, cần phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó là ăn trái cây cho sâu bọ chết.
Ở nhiều nơi, các gia đình còn có thói quen ăn bánh tro hay còn gọi là bánh gio, chè trôi nước, hạt sen... để diệt trừ sâu bọ, bệnh tật trong người.
Chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ theo 3 miền như thế nào?
Theo truyền thống văn hóa người Việt, mâm cúng tết Đoan Ngọ thường có các lễ vật như:
- Hương, hoa, vàng mã,
- Nước, rượu nếp
- Các loại hoa quả,
- Bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp,
- Xôi, chè.
Tùy thuộc vào văn hóa và quan niệm của từng dân tộc, vùng miền, các lễ vật dâng cũng khác nhau. Tuy nhiên, hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp là những lễ vật không thể thiếu.
Đối với miền Bắc và Bắc Trung bộ: Dưa hấu đỏ thường được dâng cũng trong dịp Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc. Miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Thừa Thiên - Huế không thể thiếu chè kê và thịt vịt, vì người Việt xưa tin rằng thịt vịt mát, ăn vào sẽ làm mát cơ thể cả năm.
Đối với miền Nam Trung bộ: Từ Đà Nẵng vào đến Quảng Ngãi, tại một số gia đình, trên mâm cúng tết Đoan Ngọ luôn có xôi chè cúng lễ, nhà nào có trồng cây thì cho trẻ nhỏ vào tận vườn hái trái ăn.
Đối với miền Nam: Mâm cúng tết Đoan Ngọ của người miền Nam không thể thiếu bánh ú tro, chè trôi nước, xôi gấc,… Sau khi cúng xong, cả nhà sẽ cùng quây quần bên mâm để ăn những món ăn này.