Cúng Rằm tháng 7 là một lễ cúng quan trọng trong văn hóa của người Việt, vì vậy, bạn đừng quên tham khảo cách chuẩn bị mâm chúng chúng sinh dưới đây nhé!
>Lễ cúng chúng sinh hay còn gọi là cúng cô hồn là lễ cúng thường được thực hiện vào dịp rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm cho các cô hồn, vong linh không nơi nương tựa. Bởi theo quan niệm dân gian ta, tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng cô hồn, đặc biệt ngày rằm tháng 7 là thời điểm tất cả các vong hồn được về nhân giới, trong đó có rất nhiều quỷ đói. Vì vậy, vào dịp này, người ta thường chuẩn bị nhưng >mâm cúng chúng sinh cho các cô hồn, quỷ đói đó để mong chúng không quấy nhiễu cuộc sống của gia đình.
TS. Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng lý giải: "Khi con người chết đi, có những người trở về thế giới tổ tiên, sau đó được con cháu thờ cúng hàng năm. Tuy nhiên, cũng có những người gặp tai nạn mà qua đời, chết bất đắc kỳ tử, chết đường chết chợ, không được con cháu chăm sóc nên phải bơ vơ. Người Việt cổ quan niệm, tháng 7 là tháng mà trời đất, âm dương có thể gặp gỡ nhau, nên phải làm lễ cúng chúng sinh cho những linh hồn không có nơi nương tựa".
Mâm cúng chúng sinh rằm tháng 7 thường có:
- Tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ.
- Tiền chúng sinh (tiền trinh), hoa, quả 5 loại 5 màu (ngũ sắc).
- Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.
- Kẹo bánh, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).
- Nếu cúng thêm cháo thì thêm mâm gạo muối (5 bát, 5 đôi đũa hoặc thìa)
Ngoài ra, ở nhiều nơi, mâm cúng cô hồn cũng chỉ cần đơn giản như gạo, các nắm cơm nhỏ hoặc nước cơm, cháo loãng, muối, bỏng ngô, nước lọc thanh khiết, hương đèn, hoa... Để cúng cô hồn đúng cách, gia chủ không cúng xôi, gà và không cúng đồ mặn. Khi rải tiền vàng ra mâm, để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3 - 5 - 7 cây hương.
Lễ cúng chúng sinh nên thực hiện cúng ngoài trời, hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Tuyệt đối không đặt mâm cúng ở bậu cửa và lễ cúng chỉ thực hiện sau khi hoàn thành lễ cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên. Dân gian cũng quan niệm người cúng không nên ăn đồ cúng cô hồn, không đem đồ cúng đó vào nhà (nếu không ai giành giật thì bỏ vào túi cho người ăn mày).
Bên cạnh mâm lễ để thực hiện cách cúng cô hồn tháng 7 như trên, các gia chủ có điều kiện nên chuẩn bị thêm cả ít lươn, cua, cá... để làm lễ phóng sinh. Việc này không bắt buộc nhưng nên làm. Bởi người Việt xưa quan niệm, những người nhiều nghiệp sẽ bị đầy làm súc sinh, làm lễ phóng sinh cũng như tích phước, giải phóng cho những con vật đó khỏi khổ ải. Những thứ như muối, gạo, bỏng có thể rắc ra ngoài đường hoặc hóa kèm với vàng mã cho các cô hồn thụ hưởng.
Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, tháng nào cũng như nhau, ngày tốt ngày xấu là trong quan niệm, việc kiêng kỵ làm việc lớn trong tháng 7 chỉ là chuyện tín ngưỡng, không tính đến đúng sai và không ai có thể kiểm chứng đúng sai.
Con người có niềm tín ngưỡng là để yên tâm về mặt tâm lý, nhưng không nên biến nó thành mê tín tiêu cực, vì thành công hay thất bại chính là phụ thuộc vào chúng ta.
Theo quan điểm Phật giáo, không có ngày tháng nào là ngày tháng xấu, đen đủi, cần kiêng kỵ hay né tránh.
Điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết sống lương thiện, làm nhiều việc tốt thì tự nhiên vận may sẽ đến.