Làm sao để xử lý hết lượng thức ăn thừa sau Tết luôn là mối lo của của nhiều chị em. Tuy nhiên sẽ thật dễ dàng nếu chị em nắm một số nguyên tắc “tái chế” thực phẩm dưới đây.
Mẹo xử lý trái cây
Theo Sức khỏe và Đời sống, Tết nào nhà cũng đầy ắp các loại trái cây từ táo, lê, nho, cam, thanh long... để cúng ông bà tổ tiên và mời khách đến chơi nhà, vì thế việc chế biến xử lý trái cây sau tết là băn khoăn của cánh nội trợ. Dưới đây là một vài gợi ý:
- Quả na (mãng cầu ta), bạn có thể tách vỏ lấy phần thịt, thêm đường vào cho thấm, hạt bí, hạt dưa cho vào tô, thêm một ít bơ, hạt yến mạch, 1 lòng đỏ trứng, ít đường trộn đều. Cho hỗn hợp các loại hạt lên phía trên mãng cầu. Rồi đem hỗn hợp trên nướng ở nhiệt độ 160 độ trong khoảng 45 phút, để nguội, dùng để ăn kèm với kem rất ngon.
- Đu đủ, nếu đu đủ non thì bạn có thể đem hầm xương, hầm đu đủ là món ăn thanh mát, rất tốt cho cơ thể sau những ngày ăn uống đồ nhiều dầu mỡ và bia rượu. Còn nếu là đu đủ chín thì có thể làm sinh tố, cũng là một thức uống giải nhiệt cho cơ thể.
- Xoài, dừa bạn cũng có thể đem làm sinh tố hoặc trái cây trộn, rất hợp khẩu vị cho các chị em, hay các bạn nhỏ trong nhà.
- Trái cây trộn thập cẩm: táo, lê, thanh long, cam, dưa hấu... cắt miếng nhỏ (hạt lựu), cho chút rượu rum, nước cam và vài thìa đường trộn đều là món ăn yêu thích của cả nhà
- Trái cây trộn sữa chua: cắt nhỏ và trộn với sữa chua (quá nhanh và dễ lại lành mạnh).
- Trái cây sấy: Các loại trái cây như cam, táo, lê, thanh long chỉ đơn giản cắt lát và sấy trong lò nướng khoảng 3 tiếng ở nhiệt độ 100 độ C hoặc đến khi trái cây đủ khô. Trái cây sấy uống cùng trà tuyệt ngon, bảo quản bằng cách hút chân không và cất tủ lạnh dùng dần.
- Trái cây làm sinh tố thập cẩm: Trộn chung tất cả, xay nhuyễn sẽ có ngay một ly sinh tố ngon.
Nếu làm hết các món rồi mà chưa hết, đem hầm trái cây lấy nước cốt để làm nước dùng cho các món chay (nước canh, nước lẩu...) rất ngon ngọt tự nhiên.
Mẹo xử lý bánh chưng, bánh tét, dưa kiệu
Bánh chưng, bánh tét sau tết thường có hai hiện tượng: một là bị đổ nhớt, hai là bị lại gạo. Nếu lại gạo, bạn có thể đem luộc lại bánh để có thể dùng nóng. Nếu bánh đổ nhớt mà không có mùi chua hay nổi váng mốc và không bị đắng thì bạn có thể tận dụng bằng cách chiên.
Nếu bảo quản trong tủ lạnh, thỉnh thoảng bạn nên mở ra kiểm tra, nếu bánh bị chảy nhựa thì bạn nên vứt đi. Bánh để trong tủ lạnh thì dùng đến đâu, bóc vỏ đến đấy. Phần còn lại bọc bằng màng bọc thực phẩm, không để trần khiến bánh nhanh cứng và bị ám mùi thức ăn khác trong tủ, mất ngon. Sau khi lấy bánh ra khỏi tủ lạnh, nếu bị khô thì bạn có thể hấp lại trước khi chiên lên, ăn với củ kiệu, dưa món cho đỡ ngấy.
Với bánh chưng hay bánh tét thì bạn có thể đem đi chiên lại ăn sẽ lạ miệng hơn. Tách phần nhân và phần nếp ra riêng. Quết nhuyễn từng phần, vo tròn phần nhân rồi bọc bên ngoài 1 lớp nếp. Làm nóng chảo dầu, cho bánh nếp vào chiên vàng, vớt ra để ráo dầu. Món bánh nếp này ăn kèm tương ớt, nước mắm chua ngọt đều được.
Với dưa kiệu thì bạn vớt ra để ráo rồi cắt sợi nhỏ, dùng để trộn chung với các loại khô, như khô gà, khô bò ăn cũng rất ngon.
Mẹo xử lý gà luộc
Gà là thực phẩm đứng hàng thứ hai trong danh sách các món dư thừa sau Tết. Để tận dụng gà thừa, có rất nhiều cách xử lý.
Một là: Bạn có thể sử dụng để làm nhiều món ăn khác nhau như nấu súp, làm gỏi, hay nộm chung với các loại rau củ có sẵn. Nếu bạn có thời gian, hãy ngồi xé thịt hết các phần gà thừa và nấu một nồi súp măng thật ngon cho cả nhà dùng. Phần thịt lớn hơn, có thể chế biến thành các món gỏi, nộm. Có thể tận dụng cả các loại rau củ trong nhà có sẵn. Như vậy là bà nội trợ đã có thêm món ngon cho bữa cơm trưa của cả nhà.
Tối đến, bạn có thể dùng những phần thịt gà ngon nhất còn lại để chế biến món gà nấu nấm thật thanh đạm và bổ dưỡng. Nếu gà dư quá nhiều mà cả nhà ai cũng ngán thì bạn có thể xé sợi thịt gà thật nhuyễn và làm món ruốc (chà bông) để dùng dần.
Nếu vẫn còn quá nhiều gà, bạn cũng có thể lọc lấy thịt cho vào hộp kín rồi cấp đông (-18 độ C) hoặc để vào ngăn lạnh sâu (0 độ C) để giữ hương vị và dùng làm nguyên liệu cho các món sau:
- Gỏi gà: hành tây thái mỏng ngâm dấm đường, gà rắc chút gia vị, rau răm rửa sạch thái nhỏ. Trộn đều tất cả, vắt thêm chút chanh cho thơm, thêm lát ớt nếu thích ăn cay, vậy là được món gỏi đơn giản và dễ bay 1/2 con gà.
- Phở gà: nước gà có sẵn, gà có sẵn, thêm chút bánh phở, hành mùi là có phở gà ăn sáng. Dĩ nhiên nước gà cần được bỏ thêm chút rễ mùi, hạt mùi già, hành gừng nướng và hạt tiêu vỡ để có mùi thơm đặc biệt đúng vị.
- Bún thang: dù nguồn gốc món bún thang không phải do việc tận dụng đồ thừa nhưng đặc biệt vào dịp Tết lại thường có đủ luôn đồ để làm bún thang thì tại sao lại không nhỉ.
- Cháo gà: một khi trong nhà có sẵn cả nước gà và thịt gà thì tại sao không làm nồi cháo ăn đêm phục vụ cả nhà xem phim khuya?
- Bún gà: Măng nứa khô xào và om kỹ cho mềm, thêm gà và mọc (nên cho nấm, mộc nhĩ, tiêu và chút nước mắm vào mọc sẽ ngon hơn). Vậy là có bát bún gà siêu ngon.
- Phở gà trộn: nguyên liệu của món phở gà trộn gồm có gà, bánh phở, rau thơm mùi, hành phi, lạc rang và nước trộn chua mặn ngọt vừa miệng là được bát phở trộn cho bữa tối nhẹ bụng rồi nhé.
- Cơm gà Hội An: nước gà nấu cơm, gà trộn cùng hành tây và hoa chuối, rau răm. Nếu có lòng gà xào nữa thì trọn vị.
- Xôi xéo gà: món này ngại nhất làm hành phi nhưng ăn thì bao nhiêu cũng hết và nhà làm sẽ luôn ngon và hấp dẫn hơn quán nhiều.
Cách chế biến các loại thịt thừa
- Các món như thịt kho, thịt xíu, thịt luộc... thì giữ trong ngăn mát như thường, đến bữa ăn làm nóng lại. Tuy nhiên nếu để trên 3 ngày thì nên trữ trong ngăn đông, hạn sử dụng tối đa là một tuần. Các loại giò chả cũng tương tự, nên để trong ngăn mát và nếu bị chảy nhựa thì phải bỏ đi.
- Giò chả thường cắt khoanh làm mồi nhắm, nhưng bạn có thể cắt hạt lựu làm nguyên liệu cho món cơm chiên dương châu. Thịt luộc, thịt xíu cuốn chung với bánh tráng, rau sống cho đỡ ngán còn thịt gà đem nấu cháo đậu xanh là hết ý.
- Với các loại thịt nguội như chả lụa, chả bò,... có thể làm thức ăn kèm với bánh mì hay bánh ướt cho bữa sáng. Hoặc đem rim mặn, làm thức ăn cho bữa chính.