Chấp nhận làm mẹ đơn thân khi tuổi đã “toan về già”, hành trình nuôi dạy con trưởng thành của Xuân Lan nếm trải đủ vị đắng, chua, mặn, ngọt và có phần khắc nghiệt hơn những bà mẹ khác.
Với cựu người mẫu, thời gian ở bên con vô cùng quý giá. Cô tâm niệm: “Khi chơi cùng con bạn phải có tâm. Chơi nhập vai, phải vui và tạo cảm hứng cho con”.
Yêu thương con vô điều kiện nhưng >Xuân Lan không chiều chuộng con bằng các trò chơi thời thượng, đắt tiền. Cô chủ trương dạy con nhận thức và yêu thương cuộc sống quanh mình từ những việc nhỏ nhặt.
Đồ chơi của bé Thỏ được biến tấu từ những vật dụng tưởng bỏ đi. Hai mẹ con rửa sạch các hộp sữa cũ và “hô biến” chúng thành các chậu xương rồng xinh xắn. Những lon thiếc nhỏ được “tân trang” thật đẹp, cắt dán giấy màu xung quanh. Đôi tất cũ trở thành đạo cụ để bé Thỏ tập tành may thêu, tạo ra những con thú nhồi bông đem tặng các gia đình không có điều kiện...
Từ những món đồ chơi tự thiết kế, bé Thỏ được mẹ hướng dẫn trồng cây, tưới nước và chăm bón mỗi ngày. Từ đó, cô bé rất yêu quý cây xanh. “Trẻ con hay lắm, chúng có nhận thức riêng về thế giới xung quanh. Điều người mẹ nên làm là cho con có cơ hội tiếp xúc với những điều mới mẻ, khuyến khích con thực hiện những gì con thích và giải thích điều con thắc mắc. Bé sẽ tự cảm nhận, tự học hỏi và điều chỉnh hành vi phù hợp. Đó là những bài học về cuộc sống mà con cần”, Xuân Lan cho biết.
Ở tuổi lên 5 nên cái gì bé cũng thắc mắc. Trước mỗi câu hỏi của con, cô kiên nhẫn giải thích và cung cấp cho con kiến thức có ích. Xuân Lan cho rằng những câu chuyện nhỏ không chỉ giúp con mở rộng kiến thức, góp phần bảo vệ môi trường, mà còn trang bị cho bé kỹ năng sống thực tế. “Học ở trường có khi chỉ là lý thuyết, tôi muốn con thật sự trải nghiệm, để có nhận thức đúng và áp dụng vào thực tế”, bà mẹ đơn thân nói thêm.
Có con gái, như bao người mẹ khác, Xuân Lan rất quan tâm tới con và chuẩn bị cho con những kiến thức để bảo vệ bản thân. Ngay từ khi còn bé, cô đã huấn luyện con cần biết không ai được đụng vào vùng kín của mình, chẳng người nào có quyền bắt ép thứ gì và bất kể đòn roi nơi nào cũng cần báo cho mẹ.
Cô dạy con cách bảo vệ bản thân từ lúc bé biết nói: Không cho người lạ chạm vào người, không tự ý đi chơi xa, không nhận đồ của người lạ. Mỗi lúc gần con, Xuân Lan đều đặt cho bé những câu hỏi cơ bản: "Hôm nay con thế nào? Ai làm con buồn? Ai khiến con vui?". Người mẹ nổi tiếng quan sát sắc mặt, trạng thái cảm xúc của Thỏ để nắm rõ tình hình.
Hai mẹ con Xuân Lan cùng nhau chơi trò "không giữ bí mật" mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Cô kể cho con nghe những bí mật của mình và đề nghị bé không giấu mẹ điều gì. Bé Thỏ được mẹ yêu cầu học thuộc "quy tắc thân mật": Ai, mức độ thân thiết ra sao, sẽ được gần gũi Thỏ theo mức nào? Ngoài bà ngoại và mẹ, không ai được chạm vào cơ thể bé; những người thân khác trong gia đình được ôm, hôn; bạn bè hoặc những người quen chỉ được vuốt tóc hay nắm tay bé”.
Xuân Lan thẳng thắn thể hiện quan điểm: "Tôi nghĩ kể cả bé trai hay bé gái thì cũng nên được gia đình, phụ huynh giáo dục kĩ lưỡng về việc tự bảo vệ bản thân để tránh bị người khác xâm hại. Quy tắc cơ bản nhất là nguyên tắc vùng tam giác. Tôi luôn dạy con rằng nếu ở ngay vùng tam giác, vùng bộ phận sinh dục và cả ngực thì chỉ có bà hoặc mẹ được nhìn thấy khi thay đồ hay tắm cho con. Còn ngoài ra, con có quyền từ chối bất kì ai khi họ có ý nhìn hay muốn chạm vào, bất kể đó là cô, dì, chú, bác.
Có một điều tôi rất thẳng thắn với con, dạy cho bé gọi đúng cái tên của bộ phận sinh dục và ngay cả các phần còn lại trên cơ thể để nếu lỡ bé có bị gì, khi bé nói mình sẽ biết ngay. Tôi thấy phụ huynh ở mình còn ngại, còn nói tránh như: cá chép, con voi, con bướm,… điều này thật không nên vì lỡ bé có bị gì thì cũng rất khó để người lớn biết được. Cách của tôi, khi mình gọi đúng tên bộ phận sinh dục nghe có vẻ không lịch sự, không hoa mỹ nhưng tôi nghĩ là nên làm như vậy vì nói là hiểu. Tôi dạy bé Thỏ điều này ngay từ khi bé mới bập bẹ biết nói".