Trong một tập phát sóng mới đây của chương trình 'Vua tiếng Việt', khán giả xôn xao về việc nội dung sai chính tả một từ phổ biến.
Tập 29 Vua tiếng Việt lên sóng ngày 21/4 đăng tải dòng chữ đính chính có nội dung: "Trong tập 28 phát sóng ngày 14/4, Ban biên tập có một câu hỏi chính tả sai đáp án. Chúng tôi xin đính chính đáp án đúng của câu hỏi này là chậm trễ".
Trước đó, trong phần thi của thí sinh Đỗ Văn Tăng ở tập 28 (phát sóng 14/4), câu hỏi yêu cầu người chơi chọn từ viết đúng chính tả giữa hai phương án "trậm trễ" hay "chậm chễ". Người chơi chọn "chậm chễ" và MC khẳng định đáp án người chơi đưa ra là chính xác. Phần thi của thí sinh tiếp tục diễn ra bình thường.
Cả hai cách viết chương trình đưa ra đều không chính xác. Từ điển tiếng Việt chỉ có từ "chậm trễ". Từ "chậm" có nghĩa là muộn, trễ (so với yêu cầu hoặc thời hạn quy định). Từ "trễ" cũng có nghĩa là chậm, muộn.
Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công thông tin trên Tiền Phong cho biết lỗi sai của chương trình được một bạn đọc phát hiện, sau đó chụp ảnh màn hình và đăng kèm với bình luận trong bài viết của anh.
"Theo tôi, phía nhà sản xuất chương trình không đính chính kịp thời. Sau khi chương trình phát trực tiếp, đáng lẽ bộ phận biên tập phải cắt sửa chỗ sai trước khi đưa lên YouTube, nhưng họ vẫn để nguyên", anh Hoàng Tuấn Công nói.
Nội dung đính chính chỉ là dòng chữ chạy phía dưới màn hình. Hơn nữa, một số kênh khác khi phát chương trình này lại không có dòng đính chính.
Theo VTC, Vua tiếng Việt là một gameshow của VTV không chỉ giúp cho các người chơi mà còn cả các khán giả thêm phần hiểu biết và yêu mến tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên đây cũng không phải lần đầu chương trình gặp phải những tranh cãi.
Trước đó với câu hỏi: "Càn rỡ là tính từ hay động từ?". Thành viên ban cố vấn của chương trình đã chia sẻ rằng "càn rỡ" là từ bổ ngữ cho một động từ nào đó rồi lấy ví dụ: hành động càn rỡ, thái độ càn rỡ... Cuối cùng, ban cố vấn khẳng định "càn rỡ" là một "tính từ bổ ngữ cho động từ".
Tuy nhiên, người xem lại cảm thấy lấn cấn vì những ví dụ mà thành viên ban cố vấn đưa ra. Ở cụm "hành động càn rỡ", "thái độ càn rỡ" thì "hành động" hay "thái độ" được hiểu là danh từ chứ không phải động từ. "Càn rỡ" ở đây đang bổ ngữ rõ ràng cho danh từ "hành động", "thái độ". Nếu vị cố vấn đưa ví dụ cụ thể như: "Anh ta hành động càn rỡ" thì "hành động" mới là động từ.
Theo kiến thức, một từ bổ ngữ cho danh từ thì gọi là tính từ, còn một từ bổ ngữ cho động từ thì gọi là trạng từ. Chính vì vậy với trường hợp này "càn rỡ" sẽ biến thành trạng từ nếu đi theo động từ "hành động". Chính bởi lẽ đó mà câu trả lời này cũng từng khiến khán giả tranh cãi một thời gian.