Cựu người mẫu Thanh Thảo, vợ Hoàng Bách, đi chơi suốt thai kỳ và tháng cuối vẫn tranh thủ làm việc, đưa đón các con, thay vì ngồi một chỗ.
- Cảm xúc của chị thế nào khi cận kề ngày sinh?
- Tôi rất háo hức, mong chờ và đếm từng ngày để được gặp con. Như hai lần vượt cạn trước, điều tôi muốn nhất là xem em bé của mình trông thế nào, đôi mắt, cái miệng ra sao, giống bố hay giống mẹ...
- Ở tháng cuối thai kỳ, cơ thể chị thay đổi ra sao?
- Tôi tăng gần 10 kg, bắt đầu thấy bụng nặng nề và khó khăn hơn khi di chuyển. Nhưng tôi vẫn tìm cách đi đâu đó chứ không nằm im ở nhà. Buổi sáng tôi giành phần đưa hai con đi học. Cuối tuần nếu có điều kiện thì rủ cả nhà đi chơi. Chắc tôi là bà bầu "tăng động".
- Chị lo lắng điều gì nhất vào lúc này?
- Tôi không lo lắng điều gì cả. Tôi luôn có suy nghĩ nên chuẩn bị tốt nhất cho việc làm mẹ, còn con sinh ra thể trạng thế nào, tính cách ra sao, đều có cách xử lý. Tôi không để tâm trạng căng thẳng xâm chiếm cảm xúc mà tận hưởng từng ngày. Học lớn lên cùng con là điều tôi chờ đợi hơn hết.
- Ông xã >Hoàng Bách chăm sóc chị ra sao ở lần mang thai thứ ba?
- Tôi thuộc tuýp chủ động nên tự lo từ đầu đến cuối, anh Bách lần nào cũng vậy, chỉ quan tâm về mặt tinh thần. Anh ấy pha trò làm tôi vui, đưa đi chơi hay thỉnh thoảng chở ra ngoài dạo mát vài vòng. Tôi cần gì thì nhờ, còn không thì tự xử lý. Nhưng được cái anh ấy yêu con lắm, không bận gì là chỉ ở nhà quanh quẩn chơi cùng vợ con.
- 'Bụng bầu vượt mặt' nhưng trông chị gọn gàng và rạng rỡ. Chị có bí quyết gì vậy?
- Có câu "tâm sinh tướng", khi tâm trí không lo âu, thay vào đó là đón nhận mọi thứ một cách tự nhiên, tìm kiếm sự tích cực cho bản thân và những người xung quanh, tin tưởng vào chính mình... tự khắc thần thái trên gương mặt sẽ rạng rỡ. Đó là kinh nghiệm của tôi.
Ngoài ra, tôi áp dụng một số nguyên tắc trong ăn uống để đảm bảo >sức khỏe khi mang bầu như sau:
1. Chia nhỏ các bữa ăn lớn thành ba bữa chính và hai bữa phụ. Cách này giúp khắc phục tình trạng kén ăn vì nghén trong những tháng đầu và sau đó giúp >mẹ bầu cân đối lượng thức ăn nạp vào trong mỗi bữa, không ăn quá no dẫn đến tích lũy mỡ thừa.
2. Bổ sung chất xơ và vitamins bằng cách ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Không chỉ giúp cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, chúng còn giúp mẹ bầu hạn chế táo bón, đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, hạn chế đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh vì các loại thực phẩm này chỉ khiến mẹ tăng cân mà không cung cấp >dinh dưỡng cho con phát triển.
3. Ăn đa dạng các loại thực phẩm.
4. Ăn chậm, nhai kỹ - thói quen này giúp mẹ bầu hạn chế ăn quá nhiều, tạo cảm giác ngon miệng trong suốt bữa ăn.
5. Uống đủ nước để giúp hạn chế cơn đói. Uống nước lọc hay nước ép đều được, không dùng nước có gas hay có cồn.
- Thực đơn ăn uống của chị có gì đặc biệt?
- Suốt thai kỳ, tôi áp dụng thực đơn như sau: Mỗi ngày ăn một bát cơm và các loại khoai. Mỗi tuần ít nhất 3-4 bữa có thịt bò và 3-4 bữa có cá và trứng. Rau thì ăn đều mỗi ngày, đặc biệt là các loại rau có màu xanh đậm, họ đậu có chứa nhiều axit folic tốt cho sự phát triển trí não và hệ thần kinh của thai nhi. Tôi bổ sung hoa quả bằng cách ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước. Uống hai ly sữa tươi không đường mỗi ngày và các loại sữa chua, dùng vitamin tổng hợp.
- Còn các công đoạn chăm sóc, giữ gìn nhan sắc thì sao?
- Tôi bôi kem chống rạn da hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối để hạn chế tình trạng rạn da sau sinh đồng thời hỗ trợ giảm thâm cơ thể. Dù mang bầu hay không, tôi vẫn duy trì >chăm sóc da đều đặn, chỉ khác là khi có thai thì sử dụng mỹ phẩm dưỡng da chiết xuất thiên nhiên để an toàn và an tâm hơn.
- Việc mua sắm đồ đạc để đón em bé được anh chị chuẩn bị đến đâu rồi?
- Tôi đã sắm đủ đồ dùng cho con bao gồm: quần áo, bỉm - tã, bình sữa và các vật dụng cần thiết khác như khăn xô, tất chân - tay, mũ, yếm, khăn quấn, chậu tắm, bộ rửa bình sữa, gạc rơ lưỡi, kem chống hăm, sữa tắm dầu gội... Tất cả đã sẵn sang để đón bé Hippo chào đời.
- Rút kinh nghiệm từ hai lần sinh trước, chị có điều chỉnh gì về việc lên danh sách đồ dùng cần mua ở lần sinh này để tránh lãng phí?
- Tôi hiểu tâm lý người mẹ nào cũng muốn dành những điều tốt nhất cho con nên hay bị mua nhiều dẫn đến lãng phí. Trẻ con lớn rất nhanh, đôi khi đồ chưa kịp cũ đã không còn dùng được. Với kinh nghiệm làm "mẹ bỉm sữa" lần ba, tôi quan niệm cần tới đâu, mua tới đó. Ví dụ quần áo cho bé 0-3 tháng tuổi, tôi mua áo sơ sinh cộc tay, áo sơ sinh dài tay, quần dài và bộ ngủ mỗi loại 5 chiếc. Về bỉm, tiêu chí hàng đầu là thoáng, thấm hút tốt, không làm bé bị hăm và mẩn ngứa sau đó mới bàn đến yếu tố giá thành. Một số loại vật dụng như khăn, chậu tắm, bình sữa, hút mũi... chỉ nên mua và sử dụng trong ba tháng sau đó phải thay mới để đảm bảo vệ sinh cho bé. Các loại xe nôi có thể lựa chọn loại nào cần thiết mua trước, chiếc nào mua sau...