Trước khi qua đời 10 ngày, nghệ sĩ Văn Hường nhập viện điều trị xuất huyết não. Vì tuổi cao sức yếu, ông được các con chăm sóc tại nhà riêng trong thời gian qua.
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, gia đình nghệ sĩ Văn Hường xác nhận ông đã qua đời ở tuổi 90 tại bệnh Nhân dân Gia Định (TP.HCM).
Được biết, trước đó 10 ngày, nghệ sĩ Văn Hường nhập viện điều trị xuất huyết não. Vì tuổi cao sức yếu, ông được các con chăm sóc tại nhà riêng trong thời gian qua.
Tang lễ của nghệ sĩ Văn Hường được tổ chức tại nhà riêng ở TP Thủ Đức, lễ nhập quan 6 giờ ngày 8/12, lễ động quan lúc 8 giờ ngày 11/12, sau đó hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên TP Thủ Đức.
Dẫn tin từ Người Lao Động, nghệ sĩ Văn Hường (tên thật là Nguyễn Văn Hường), sinh năm 1934 tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức (nay là phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP HCM).
Năm 15 tuổi, nghệ sĩ Văn Hường bán hạt dưa ở rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM).
Cũng giống như nhiều nghệ sĩ thời đó, từ một khán giả có năng khiếu ca hát, ông dấn thân vào sân khấu cải lương với mơ ước được làm kép chánh.
Đó là giai đoạn quán Lệ Liễu nằm gần khu vực cầu Thị Nghè (thập niên 1960-1970) ra đời, trở thành điểm hẹn của người yêu thích ca cổ ở Sài Gòn - TP HCM thời đó.
Nghệ sĩ Văn Hường đã lân la đến quán này để được lên sân khấu ca vọng cổ. Nghệ sĩ Lệ Liễu phát hiện anh thanh niên bán hột dưa ca quá hay nên khoe với nhiều bạn tại quán.
Tình cờ, ông Bảy Cao - bầu gánh hát Hoa Sen - đến xem, nghe Văn Hường ca, thấy thích nên gọi nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp khác đến cùng nghe để nhận xét, trong đó có soạn giả Viễn Châu.
Theo lời tâm sự của soạn giả Viễn Châu lúc ông còn sống, chính quan điểm "tại sao bài vọng cổ có thể làm khán giả khóc mà không thể làm khán giả cười" mà soạn giả Viễn Châu đã chế tác ra thể điệu vọng cổ hài để từ cách ca, nội dung bài hát mang tính châm biếm thói hư, tật xấu.
Từ cơ duyên đó, soạn giả Viễn Châu sáng tác vọng cổ hài, khởi nguồn cho trào lưu này đầu thập niên 1960. Người thể hiện bài "Tư Ếch đi Sài Gòn" đầu tiên chính là nghệ sĩ Văn Hường.
Ông nổi danh như diều gặp gió. Năm 1972, ông hợp tác với ''vua'' ngâm thơ Tao Đàn - cố nghệ sĩ Thanh Hải lập đoàn hát riêng mang tên "Thanh Hải - Văn Hường".
Sau ngày đất nước thống nhất, ông về cộng tác với Đoàn Cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), rồi về Đoàn Cải lương Sống Chung (Phước Chung).
Năm 1987, do tuổi cao, ông từ giã sân khấu, về mở quán đờn ca tài tử Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức.