Việc mở ồ ạt các cuộc thi nhan sắc để tìm kiếm chủ nhân vương miện dễ dàng trở thành bức bình phong cho những mục đích thương mại hóa, nấp dưới những thông điệp nhân văn.
Những năm gần đây, bên cạnh những cuộc thi quy mô lớn tầm quốc gia, thì nhiều sự kiện do các đơn vị hội ngành, các công ty >giải trí thực hiện như: Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu...cũng "mọc" lên như "nấm sau mưa". Nhiều người ví von thời nay thi hoa hậu dễ như tham gia gameshow, khi mà tháng nào cũng có người đăng quang.
Lý giải về sự "lạm phát" các cuộc thi hoa hậu, theo thông tin từ báo Lao Động, được biết sở dĩ số lượng đấu trường nhan sắc "bùng nổ" là nhờ hưởng lợi từ Nghị định 144, có hiệu lực từ tháng 2/2021.
Trước đây, việc cấp phép do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) thực hiện. Từ sau Nghị định 144, các đơn vị tổ chức chỉ cần thông qua Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh - nơi tổ chức sự kiện là đã có thể tổ chức thi sắc đẹp.
Sau hai năm biến động vì dịch bệnh, cùng sự nới lỏng của quy định tổ chức, các hoạt động giải trí tăng đáng kể. Con số về các cuộc thi nhan sắc ước tính tăng lên gấp 10 lần so với trước. Trong đó, năm nay, ghi nhận nhiều cuộc thi hoa hậu lần đầu diễn ra như Miss Grand Vietnam, Miss Earth Vietnam...
Tuy nhiên, sự "bùng nổ" các cuộc thi nhan sắc lại gây ra một số mặt trái nan giải. "Lợi bất cập hại" khi mà nhiều thí sinh muốn thử sức mình nên đã đăng ký cùng lúc nhiều cuộc thi, kiểu "lọt sàng xuống nia" khiến cho chất lượng thí sinh tụt giảm.
Chưa kể, hoa hậu cũng dần trở thành danh xưng "đại trà", khi chỉ cần đạt đủ tiêu chuẩn do BTC cuộc thi đó đề ra về nhan sắc, hình thể là đã đủ để đội vương miện. Để rồi sau khi đăng quang, những cô gái ấy đã và đang khoác lên mình "tấm áo" quá rộng bởi nhưng mỹ từ như "hoa hậu là người đẹp nhất, hoàn thiện nhất về chân - thiện - mỹ, là cô gái tuyệt vời nhất đại diện cho phụ nữ VN…".
Dẫn tin từ Thanh Niên, mới đây, trong buổi họp báo công bố cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 diễn ra vào tối 7/8 tại TP.HCM, ông Trần Việt Bảo Hoàng, CEO của công ty tổ chức cuộc thi, đã khiến công chúng một lần nữa phản ứng bởi tự khoác "chiếc áo quá khổ" khi khẳng định: "Chúng tôi đặt tiêu chí: tìm ra một hoa hậu là để phụng sự đất nước…".
Hay trước đó, vào năm ngoái, BTC cuộc thi Miss Peace cũng từng tuyên bố: "Vượt lên trên một cuộc thi sắc đẹp đơn thuần, Miss Peace Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là biểu tượng tâm - tài - trí - sắc, là cuộc thi sắc đẹp duy nhất quy mô quốc gia tầm quốc tế, mang tính toàn diện về đức hạnh, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ, sắc đẹp dành cho phụ nữ Việt có khát khao vun đắp hòa bình, kiến tạo thịnh vượng và lan tỏa tình yêu khắp thế giới".
Nhưng danh xưng như vậy đang khiến cho công chúng kỳ vọng quá nhiều vào người dành được ngôi vị cao nhất, để rồi phải thất vọng khi tân hoa hậu lại có cách hành xử kém duyên, thiếu tinh tế.
Đơn cử những ngày gần đây có thể kể đến ồn ào của hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi. Những phát ngôn "ngây ngô" đến mức dại miệng của mỹ nhân này trở thành đề tài tranh cãi rùm beng khắp cõi mạng.
Hay như á hậu 1 - Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam> Thảo Nhi Lê cũng khiến công chúng ngán ngẩm khi vô tư nói năng kém duyên dù đang có mặt tại Dinh Độc Lập.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy hoa - á hậu những năm gần đây đẹp nhưng chưa đủ tài đến thế nào!
Quả thật, tình hình bùng nổ các cuộc thi hoa hậu hiện tại đã bộc lộ nhiều hạn chế về chất lượng tài năng của thí sinh. Một vườn hoa chỉ có sắc mà không có hương kéo theo nỗi lo "loạn" hoa hậu với một thị trường "được mùa nhưng mất giá".
Khoảng 10-20 năm trước, danh xưng hoa hậu là thứ gì đó rất cao quý, chiếc vương miện là thứ mà hàng triệu cô gái phải ao ước. Tại thời điểm đó, tiêu chuẩn để được đội chiếc vương miện danh giá thực sự tài sắc, nhân phẩm vẹn toàn, nhưng giờ đây có vẻ nó không còn quá xa tầm với.
Ông cha ta có câu "cái gì hiếm thì mới quý", thật vậy, trong thời đại mà vương miện quá nhiều, danh hiệu đếm không xuể thì đương nhiên giá trị cũng giảm đi. Việc mở ồ ạt các cuộc thi nhan sắc để tìm kiếm chủ nhân vương miện cũng dễ dàng trở thành bức bình phong cho những mục đích thương mại hóa, nấp dưới những thông điệp nhân văn.