Thẩm Thúy Hằng là một trong "tứ đại mỹ nhân" của điện ảnh Sài Gòn, cuộc đời của bà trải qua nhiều thăng trầm trước khi qua đời vào năm 2022. Khi nhắc đến bà, người ta nhớ đến một nhan sắc lộng lẫy, một "người đàn bà đẹp" của điện ảnh miền Nam nhưng cuối đời rơi vào bi kịch của phẫu thuật thẩm mỹ.
>Thẩm Thúy Hằng: “Đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn”, “Nữ hoàng sân khấu” sở hữu cát xê khủng
Thẩm Thúy Hằng vừa là minh tinh màn bạc, vừa là biểu tượng nhan sắc của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng sinh năm 1939 tại Hải Phòng nhưng người gốc miền Nam. Thân phụ của bà là một viên chức trong chính quyền quốc gia Việt Nam ra Bắc công tác một thời gian nên Thẩm Thúy Hằng được sinh ra ở Hải Phòng. Sau đó, gia đình chuyển về An Giang sinh sống.
Bố mất năm 13 tuổi, sau khi học xong cấp 1 ở Long Xuyên, bà lên Sài Gòn sống với người chị gái và theo học Trường Huỳnh Thị Ngà ở Tân Định cho đến hết năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ).
Năm 16 tuổi, cô thiếu nữ Kim Phụng tham gia cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân và đạt giải nhất của cuộc thi sau khi vượt qua 2000 thí sinh khác.
Ông bà chủ hãng phim Mỹ Vân sớm nhận ra tiềm năng tỏa sáng của nữ diễn viên nên đổi nghệ danh của bà từ Kim Phụng thành Thẩm Thúy Hằng và bắt đầu tiến hành các chiến lược lăng xê cho "gà vàng" của mình.
Cái tên Thẩm Thúy Hằng do bà chọn với nhiều ý nghĩa đối với bà. Thẩm là họ của nhạc sĩ Thẩm Oánh, lúc đó đang là hiệu trưởng trường nhạc mà cô học. Còn Thúy là tên cô bạn thân, và Hằng là con sông nổi tiếng bên Ấn Độ.
Sau này, Thẩm Thúy Hằng kể lại: "Hồi đó, tôi không hề được học hành trường lớp về diễn xuất, gia đình cũng không đồng ý cho theo nghiệp diễn viên, nhưng vì đam mê với nghề nên bất chấp đi thi và không thể ngờ lại đoạt giải nhất trước hàng ngàn thí sinh khác".
Với vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương - một phim đen trắng của hãng phim Mỹ Vân ra mắt năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đã nổi lên như một ngôi sao điện ảnh. Cái tên “Người đẹp Bình Dương” cũng đã theo Thẩm Thúy Hằng từ đó.
Một vai diễn khác cũng rất đẹp của bà từng gây được tiếng vang góp phần đưa tên tuổi của bà lên nấc thang danh vọng, đó là vai Chức Nữ trong bộ phim "Ngưu Lang Chức Nữ" cũng do hãng phim Mỹ Vân sản xuất, NSND Năm Châu đạo diễn.
Nhiều người còn ví rằng, nếu nước Mỹ có Marilyn Monroe thì Việt Nam có Thẩm Thúy Hằng. Câu nói đó không hề quá lời, vì ở nền điện ảnh Việt Nam khi ấy, không một nữ diễn viên nào nổi tiếng và sở hữu nhan sắc tuyệt trần như Thẩm Thúy Hằng.
Bà sở hữu đôi môi căng mọng, đôi mắt to sâu thẳm ngọt ngào, cặp lông mày đậm quyến rũ và đường cong cơ thể nóng bỏng. Vẻ đẹp đầy đặn, căng tràn sức sống của Thẩm Thúy Hằng được xem là chuẩn mực thời bấy giờ. Rất nhiều người mua ảnh lịch của bà về treo trong nhà để được ngắm nhìn nữ minh tinh mỗi ngày.
Thẩm Thúy Hằng đóng khoảng 60 phim và là giai nhân nổi tiếng vào thập niên 1950, 1960. Không chỉ điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn tham gia lĩnh vực sân khấu, đóng kịch và cải lương.
Vào thập niên 60, 70, từ Nam ra Bắc không ai là không biết tới Thẩm Thúy Hằng. Người ta thường nói với nhau: "Nghe Khánh Ly, xem Thẩm Thúy Hằng". Chẳng mấy chốc, Thẩm Thúy Hằng trở thành minh tinh điện ảnh của Việt Nam được các hãng phim săn đón. Bà đóng hàng trăm bộ phim khác nhau và hầu như phim nào cũng thành công vang dội.
Thẩm Thúy Hằng rực sáng trong các phim Nàng, Trà Hoa Nữ, Đôi mắt huyền, Điệp vụ tìm vàng, Sóng tình, Như hạt mưa sa, Tứ quái Sài Gòn... Nữ minh tinh cũng sở hữu mức cát xê cao nhất khi ấy, với một triệu đồng cho một vai diễn (tương đương gần một tỷ đồng bây giờ). Cho đến nay, hiếm có nữ diễn viên nào đạt tới mức cát xê này.
Dưới vai trò của một minh tinh màn bạc, Thẩm Thúy Hằng liên tục tham dự các liên hoan phim quốc tế ở Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Liên Xô… và đạt các giải thưởng lớn như Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Đài Bắc, Ảnh hậu Á Châu trong Liên hoan phim Á Châu tổ chức tại Hong Kong và Đài Loan năm 1972 - 1974, Nữ diễn viên khả ái nhất tại Liên hoan phim Moskva và Tasken tại Liên Xô năm 1982…
Sau năm 1975, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục đóng nhiều phim: Cho cả ngày mai, Ngọn lửa Krông Jung... Bà được chọn tham dự Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc).
Thẩm Thúy Hằng: Người đàn bà đẹp tài năng nhưng hôn nhân bất hạnh
Không chỉ diễn xuất giỏi, Thẩm Thúy Hằng còn tỏ ra đa năng khi tự thành lập hãng phim riêng mang tên mình và sản xuất được nhiều bộ phim thành công rực rỡ như Nàng, Ngậm Ngùi… Trên vai trò mới, Thẩm Thúy Hằng đã càng cho thấy bà là một người quyền lực và giỏi giang.
Ngoài lĩnh vực điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng cũng tham gia các sân khấu kịch, cải lương để trải nghiệm khả năng diễn xuất đa dạng của mình. Thẩm Thúy Hằng có những vai diễn đáng chú ý trong Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Hoa sim gai trắng, Biệt thự hoang tàn... Vai diễn cuối cùng của bà trên sân khấu là Phồn Y trong vở Lôi Vũ của Đoàn kịch Kim Cương sau năm 1975. Tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng trên sân khấu cải lương ngày đó có lẽ chỉ dưới Thanh Nga và một số diễn viên gạo cội khác.
Trong vai trò trưởng ban, bà tỏ ra khá tài năng khi viết kịch bản, dàn dựng và đóng luôn vai chính. Ban kịch của Thẩm Thúy Hằng là một trong những ban kịch được yêu thích ở Sài Gòn thời gian ấy.
Ngoài ra, Thẩm Thúy Hằng còn là một biểu tượng >thời trang dẫn đầu các xu hướng như cuốn khăn turban, đeo kính mắt mèo, kẻ viền mắt đen, thời trang ethnic… Bà nổi bật bởi phong cách quý phái.
Đứng trên đỉnh cao của tiền bạc và danh vọng, nhưng cuộc sống cá nhân của Thẩm Thúy Hằng lại khá nhiều bi kịch.
Từ năm 19 tuổi, Thẩm Thúy Hằng đã phải lấy chồng theo sự dàn xếp của gia đình mà không có tình yêu. Cuộc hôn nhân này nhanh chóng tan vỡ sau 5 năm, khiến bà phải làm mẹ đơn thân. Đôi khi vì công việc diễn xuất bận rộn, Thẩm Thúy Hằng không còn thời gian >chăm sóc con, và luôn cảm thấy day dứt.
Năm 1970, Thẩm Thúy Hằng lên xe hoa lần thứ hai với một người đàn ông có vị trí lớn trong xã hội. Nhưng ông đã qua đời năm 2003, để lại mình bà lẻ loi.
Bi kịch của phẫu thuật thẩm mỹ, chọn ở ẩn những năm tháng cuối đời
Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng là một trong ít tên tuổi của điện ảnh miền Nam trước 1975 quyết định ở lại và sinh sống ở Sài Gòn. Giai đoạn sau năm 1975, bà xuất hiện trong một số phim của điện ảnh miền Bắc quay tại Sài Gòn, điển hình là bộ phim hai tập Nơi tình yêu bắt đầu, đóng chung với Thế Anh, Bích Liên nhưng cũng chỉ là một vai phụ.
Bi kịch lớn nhất của Thẩm Thúy Hằng là hậu quả phẫu thuật thẩm mỹ, khiến khuôn mặt bị biến dạng.
Nhiều người cho rằng đó là hệ quả của việc đam mê thẩm mỹ để níu giữ thanh xuân. Nhưng theo một nguồn tin khác, Thẩm Thúy Hằng từng gặp tai nạn nghiêm trọng nên mới phải phẫu thuật khuôn mặt.
Từ một nhan sắc tuyệt trần, nay lại phải mang gương mặt biến dạng, là một nỗi đau tột cùng với Thẩm Thúy Hằng. Bà đã khép lại mọi cánh cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, chỉ quanh quẩn trong nhà niệm Phật.
Bà chỉ liên hệ với một vài người bạn thân, trong đó có Kim Cương. "Sau này Thẩm Thúy Hằng trở thành phật tử tu tại gia. Tôi hay nói với bà là đôi lúc nghịch duyên nó hỗ trợ cho tu tập. Bà ấy ăn chay trường, làm từ thiện và sống những năm tháng cuối đời thanh thản, không có gì hối tiếc" - NSND Kim Cương kể về người bạn và người đồng nghiệp thân thiết cùng thời với mình với một chút ngậm ngùi.
Mỹ nhân màn ảnh Thẩm Thúy Hằng đã qua đời tối 6/9/2022 tại nhà riêng ở quận 7, TP HCM do bệnh già. Thọ 82 tuổi, chính thức khép lại cuộc đời vĩ đại cho nền điện ảnh Sài Gòn.