Trong 3 ngày (từ 25/8 - 27/8) Việt Nam tiếp tục có 2 hoa hậu đăng quang khiến CĐM ngán ngẩm vì chưa kịp ấn tượng, chẳng kịp nhớ tên.
Chung kết Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2023 diễn ra vào 6 giờ sáng 25/8 bên bờ biển Hồ Tràm (Vũng Tàu) với màn tranh tài của 30 thí sinh
Xuất sắc vượt qua 29 đối thủ, thí sinh >Trần Thị Thu Uyên được xướng tên ở ngôi >hoa hậu. Ngoài danh hiệu cao nhất, Thu Uyên còn giành giải phụ Người đẹp áo tắm.
Được biết, Trần Thị Thu Uyên từng giành danh hiệu Hoa khôi Đại học Nam Cần Thơ 2019 rồi thử sức với một số cuộc thi lớn hơn, trong đó có Miss World Vietnam 2019 nhưng không tiến xa. Người đẹp sinh năm 2000 chia sẻ trong suốt 4 năm qua, cô đã không ngừng trau dồi, hoàn thiện bản thân để đến giai đoạn "chín" khi thử sức ở Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2023.
Ngay khi khán giả chưa kịp thuộc tên - nhớ mặt hoa hậu Đại dương 2023, thì tối qua (27/8), >Miss Grand VietNam 2023 đã bước vào đêm chung kết với màn đăng quang của hoa hậu Lê Hoàng Phương.
Lê Hoàng Phương cao 1,76 m, số đo hình thể 87-63-95 cm, có kinh nghiệm thi nhan sắc, từng vào top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Cô còn là "nàng thơ" của nhiều nhà mốt.
Tốt nghiệp loại khá ngành Kiến trúc, Đại học Công nghệ TP HCM năm 2021, cô nói muốn lan tỏa câu chuyện vượt định kiến về giới tính trong chọn nghề, kiến trúc sư không chỉ phù hợp với nam giới. Hiện người đẹp là CEO một công ty kiến trúc, chuyên vẽ thiết kế và thi công công trình.
Chỉ trong 3 ngày đã có 2 hoa hậu đăng quang, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu công chúng đã kịp tiếp nhận? Đầu năm mới, trong chương trình Táo quân, Nam Tào (NS Xuân Bắc thủ vai) có nói rằng: "Phấn đấu đến năm 2030, mỗi gia đình có từ 1 đến 2 hoa hậu". Với tốc độ phát triển này, biết đâu lời "anh Nam Tào" nói lại trở thành sự thực.
Theo thông tin từ báo Công an Nhân dân, nhiều quy định về các cuộc thi nhan sắc, hoa hậu đã được nới lỏng trong Nghị định 144/2020 NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nghị định này gồm 5 chương và 31 điều, đã “cởi trói” cho nhiều thủ tục hành chính, giấy phép như bỏ khái niệm “Tác phẩm sáng tác trước năm 1975”, thay khái niệm “cấp phép”, “chấp thuận” hay bỏ quy định cấm hát nhép khi biểu diễn, tăng quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với các sản phẩm trên nền tảng số,... nhiều quy định về việc tổ chức cuộc thi nhan sắc, hoa hậu cũng có nhiều sửa đổi.
Nghị định 144 không quy định thí sinh dự thi người đẹp phải là nữ và có vẻ đẹp tự nhiên; không giới hạn cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm; cũng như cho phép công dân Việt Nam dự thi nhan sắc quốc tế mà không cần Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép.
Những quy định mới này được đánh giá là có sự cởi mở hơn cho cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều người lo lắng và có không ít băn khoăn. Nếu việc tổ chức quá dễ dàng, không bị giới hạn số lượng, thì sắp tới có thể sẽ thêm cả hàng trăm cuộc thi với quy mô “ao làng”. Và việc trên thực tế có "ào ạt" các cuộc thi và "nhan nhản" các nàng hậu đăng quang đang diễn ra với nhiều sóng gió, ì xèo về trình độ ứng xử, kiến thức văn hóa đã khiến dư luận lo lắng, băn khoăn?
Năm 2023, dự kiến số lượng các cuộc thi tiếp tục tăng thêm với hàng loạt cái tên lạ lẫm được công bố. Thậm chí, bên cạnh những cuộc thì có danh tiếng lâu đời thì hàng loạt giải nhan sắc “chui” cũng rộ lên như "nấm sau mưa". Chính vì có quá nhiều cuộc thi mà giờ đây khán giả dần thờ ơ, ngán ngẩm mỗi khi báo chí, truyền thông “rộ” lên thông tin về thí sinh này, cuộc thi kia. Và sau mỗi cuộc thi, hầu như khán giả không nhớ nổi tên những hoa hậu vừa đăng quang vì có quá nhiều cuộc thi nhan sắc được tổ chức.