"Tôi rất buồn và cảm thấy bất lực vì không làm gì được cho mẹ. Nhưng cuộc sống này vốn dĩ là như vậy. Cái cảm giác bất lực xảy ra thường xuyên...", Phi Thanh Vân kể.
Đây là lần hiếm hoi, >Phi Thanh Vân kể về mẹ mình... Theo lời kể của Phi Thanh Vân, mẹ chị là người phụ nữ thuần Việt đúng kiểu ngày xưa, thật thà, chân chất, nghĩ sao nói vậy. Phi Thanh Vân nhận mình giống mẹ mọi thứ, trừ một điều, chị luôn sống theo khoa học.
Dù rất thương mẹ nhưng chính sự khác biệt đó đã khiến hai mẹ con có nhiều quan điểm bất đồng và không ít lần hờn giận nhau. Nhưng sau tất cả, với Phi Thanh Vân, mẹ vẫn là người mà chị yêu quý nhất trên đời.
Nhiều lúc ước mẹ ruột được sinh ra trong 1 gia đình quý tộc, giàu có
Với chị, mẹ là người như thế nào?
Với một người phụ nữ hơn 60 tuổi như mẹ tôi, tùy vào từng khu vực địa lý mà họ sinh sống, trưởng thành như Bắc, Nam, Huế cũng như điều kiện gia đình sẽ khác nhau. Và họ cũng cực kỳ khác với người nước ngoài cũng trong tầm tuổi đó.
Bố mẹ chồng đầu tiên của tôi là người Pháp. Hai ông bà cực kỳ hiện đại, tinh tế, sắc sảo, nói chuyện với con dâu toàn bằng triết lý. Và khi tôi thấy họ, tôi lại tội nghiệp cho mẹ mình, tội nghiệp cho những người cùng lứa tuổi với họ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam trong hoàn cảnh quá nghèo khổ và cùng cực.
Tuổi thơ của mẹ tôi cực vô cùng. Nói đúng hơn, bà không có tuổi thơ và tôi cũng thế. Khi mình được nhìn nhận thấy nhiều mức sống cũng như trình độ khác nhau, mình thấy thương mẹ hơn rất nhiều.
Có những lúc, tôi thầm ước, giá như mẹ mình được sinh ra trong một gia đình quý tộc, giàu có, để bà có được một tuổi thơ đẹp... nhưng tất cả chỉ là điều ước vì chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nơi chúng ta sinh ra và người sinh ra ta.
Ngày xưa, mẹ tôi từng bị chấn động não do một vụ tai nạn bất ngờ. Đang ngồi ăn cơm, chiếc quạt trần rớt xuống, cánh phạt trúng đầu đã khiến mẹ tôi bị chấn thương sọ não. Cũng vì vụ tai nạn đó mà bây giờ mẹ bị lẫn, nhớ nhớ quên quên.
Tôi rất buồn và cảm thấy bất lực vì không làm gì được cho mẹ. Nhưng cuộc sống này vốn dĩ là như vậy. Cái cảm giác bất lực xảy ra thường xuyên và liên tục, quan trọng là mình có đủ mạnh mẽ để bước qua hay không.
Hai mẹ con hầu như không có tiếng nói chung dù rất giống tính nhau
Chị và mẹ có hợp nhau không?
Tôi và mẹ là hai thế hệ khác xa nhau quá nhiều nên hầu như không có tiếng nói chung. Từ bé tới giờ, tôi vẫn hay bị mẹ la.
Mẹ tôi cực kỳ thẳng tính, nhiều lúc nghĩ sao nói vậy khi chưa kịp kết luận và suy nghĩ chín chắn. Bà thuần phụ nữ thời xưa, rất thật thà, chân chất nhưng vì không được đào tạo về kỹ năng giao tiếp, ứng xử nên có những cái mẹ đúng, có những cái không đúng, có những cái đúng vì kinh nghiệm sống và có những cái vì góp nhặt từ những nguồn không chuẩn nên không chuẩn.
Tôi giống y chang mẹ, chỉ khác là tôi sống cực kỳ khoa học nên cái gì mẹ đúng là tôi đồng ý ngay, cái gì không đúng tôi cũng phản bác ngay.
Và mẹ là người hiếm khi chịu nghe những lời can gián hay nghe những điều người ta phản biện. Còn tính tôi sai là sai, đúng là đúng. Mẹ sai, tôi can gián trực tiếp vì mẹ là mẹ của tôi nên tôi phải nói.
Bởi vậy hai mẹ con như cục nam châm cùng cực, cứ đẩy nhau ra.
Ví dụ như chuyện tôi sinh và nuôi Tấn Đức, mẹ vẫn muốn tôi nằm bếp than, không nằm máy lạnh và nuôi cháu theo kiểu ngày xưa nhưng tôi thì đưa tất cả công nghệ 4.0 vào. Thay vì để mẹ chăm, tôi thuê dịch vụ chăm sóc mẹ và bé trong 2 tháng đầu.
Tất nhiên mẹ không chịu nhưng tôi nói "mẹ hãy để con sống với quan điểm, tri thức và sự nhìn nhận của con. Mẹ phải tin con chứ. Con từng này tuổi, nếu con dở thì làm sao con có được sự thành công như ngày hôm nay".
Thậm chí, cả chuyện đi mổ tôi cũng giấu mẹ, chỉ có người làm và chồng cũ của tôi biết. Nhưng cuối cùng mẹ vẫn biết và lên viện. Lẽ ra tôi dự sinh ở bệnh viện quốc tế nhưng phải chuyển về phụ sản Hùng Vương vì sinh non co giật mẹ, tiểu đường thai kỳ... nguy hiểm.
Lên viện thấy tôi, mẹ khóc. Bà sống đa đoan và hay suy nghĩ tiêu cực, lo xa. Lúc đó, tôi chuẩn bị mổ và mổ trong tình huống bị chỉ định gấp nên tôi buộc phải mạnh mẽ, quyết đoán. Tôi nói với mẹ "nếu mẹ thương con thì mẹ đi về đi, để con có thể vào phòng mổ một cách thanh thản và mạnh mẽ nhất".
Mẹ tôi lui lại một góc và đứng khóc. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh đó nên nói y tá đẩy vào phòng mổ ngay. Mình đang đứng ở cửa tử mà phải nhìn cảnh đó, thực sự không mạnh mẽ được.
Tôi cũng nói mẹ, đợi 2 ngày sau khi con mổ hẵng vào thăm. Tôi muốn mẹ gặp mình lúc mọi thứ đã ổn chứ không phải ở tình trạng nguy hiểm để mẹ lo lắng.
Dù mẹ con hầu như không có tiếng nói chung, bất đồng quan điểm nhưng qua những gì chị kể thì rõ ràng, chị rất thương mẹ. Chị cũng thấy tội nghiệp mẹ vì những thiệt thòi mà bà phải chịu. Vậy chị bù đắp cho mẹ thế nào?
Các cụ nói 1 câu hay lắm "nước mắt chảy xuôi". Khoan tính tới công lao chăm sóc của mẹ, chỉ tính riêng số tiền mà mẹ đã mua đồ cho con từ lúc sinh ra tới khi trưởng thành, bù đắp bao nhiêu cho đủ? Bù đắp bao nhiêu cho đủ tính được công sức mẹ chăm ta? Bù đắp bao nhiêu cho đủ tuổi xuân mẹ đã mất, >sức khỏe mẹ đã đi?
Có người con nào mà không có lúc ích kỷ, hẹp hòi đôi khi vì những cuộc vui mà quên mẹ? Khi có con, thời gian mình nghĩ tới con cũng chiếm hết. Bận việc thì thôi, rảnh việc lại nhớ con, có bao giờ ta nhớ đến mẹ? Có khi cả tuần nhớ được 1 tiếng và ta có đủ lý do cho cái sự quên đấy rằng con bận, con họp, con đi gặp bạn, gặp đối tác...
Nhưng tất cả những điều đó, chỉ đi tới 1 kết luận: bạn đã không nghĩ tới mẹ bạn, dẫu có trăm ngàn lý do đi nữa.
Trong cuộc sống, chúng ta có biết bao mối quan hệ, thậm chí rất thân thiết nhưng khi bạn sập xuống, ai là người chạy tới bên bạn đầu tiên, lo cho bạn bằng tất cả những gì mình có, hay chỉ có mẹ thôi?
Tất cả các mối quan hệ ngoài kia, ta dành thời gian cho họ rất nhiều, dành cả sự quan tâm, chăm sóc rất nhiều... nhưng ta lại bỏ lỡ những việc lẽ ra phải làm cho mẹ và khiến mẹ tổn thương.
Cảm giác đó đau lắm và tôi thường xuyên bị đau...
Cảm ơn chị đã chia sẻ!