"Chẳng có người đàn bà nào giỏi mà 2 rưỡi sáng vẫn làm việc như trâu như ngựa ngoài hiện trường. Tôi thấy bực bội vì mình làm quá nhiều mà không nhiều tiền", NSƯT Hạnh Thúy nói.
>NSƯT Hạnh Thúy tên thật là Ngô Phạm Hạnh Thúy, sinh năm 1976 tại Bến Tre. Chị bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 1997 đến nay với nhiều vai trò nổi bật như: diễn viên, tác giả, đạo diễn, giáo viên thỉnh giảng tại trường Sân khấu Điện ảnh TPHCM.
Hạnh Thúy ghi dấu ấn trong lòng công chúng với nhiều vai diễn trong các bộ phim truyền hình ăn khách như: Cái bóng bên chồng, Sống trong sợ hãi, Mẹ con Đậu Đũa, Bán chồng, Sông dài, Mưa thủy tinh, Nữ bác sĩ, Tay chơi miệt vườn, Thương con cá rô đồng, Nước mắt loài cỏ dại, Cây táo nở hoa...
Bên cạnh sự nghiệp khá viên mãn, Hạnh Thúy thừa nhận mình vất vả kiếm tiền, làm trụ cột gia đình. Dù cuộc sống hiện tại vẫn đang phải dành dụm, tiết kiệm nhưng Hạnh Thúy rất hài lòng về hai cô con gái. Chị xem đó là thành công lớn nhất của mình.
Là một nữ nghệ sĩ, khó khăn lớn nhất trong việc dạy con của chị là gì?
Với bé nhỏ, tôi chỉ bực cái "nết" ăn uống. Con khá biếng ăn. Bản thân tôi lúc nào cũng sợ con không an toàn và tiếc về điều đó cho con, cũng như cho chính mình.
Ngày xưa, ba mẹ tôi không sợ chuyện đó nên tuổi thơ của tôi rất nhiều màu sắc: được đi tắm sông, thả diều, tự đi học rồi đi về... Còn bây giờ, mình sợ con không an toàn nên giới hạn của nó là tới cái cổng rào rồi ngược trở vào trong nhà. Đi đâu cũng phải có ba mẹ nên con mất đi tính chủ động.
Việc mình sợ con không an toàn cũng hạn chế không gian hoạt động của con. Cho nên >đời sống tinh thần của con cũng nhạt bớt đi. Đó là điều tôi không thích nhất.
Ngoài vai trò diễn viên, đạo diễn, chị còn viết kịch bản, đi dạy học. Chị làm quá nhiều, quá bận rộn như vậy thì con có bị "dính" vào máy tính, điện thoại không?
Mỗi lần tôi đi làm về, vừa nghe tiếng xe là cả nhà nháo nhào chạy đi tắt các thể loại điện thoại và ti vi. Đó là vấn đề lớn nhưng con mình không có gì quá đặc biệt so với con người ta. Tôi chỉ cố gắng hạn chế trong khả năng của mình.
Người ta nói: xấu che, tốt khoe. Bất kỳ người cha người mẹ nào khi nói đến con cũng đầy tự hào, khoe điểm tốt nhưng tôi lại thấy chị quá thật thà, không ngại nói cả cái chưa được của con?
Tôi nghĩ nên như vậy. Đó cũng là điều tôi tự hào về con mình. Nó đánh giá rất đúng về bản thân và người khác, không bị huyễn hoặc. Tôi phân tích đúng sai cho con chứ không bắt ép con làm gì cả. Tôi chấp nhận cả việc con bị điểm thấp, miễn là nó trung thực và hiểu đúng vấn đề nó đang nói.
Chị chấp nhận cả việc con bị điểm thấp, như là điểm 0?
Bản thân tôi ngày xưa đi học, cũng có giai đoạn bị điểm thấp nên không có gì quá nghiêm trọng. Hiện tại, tôi cũng đang đi học tiếp. Có cách để được điểm cao nhưng tôi luôn 7, 8 điểm. Những ngày 9, 10 điểm là rất tự hào vì mình đã vô cùng vất vả.
Tôi chỉ dạy con, có những thứ con không được phép làm. Một là nói dối, hai là ăn cắp. Nếu con bị 0 điểm, con chủ động nói với mẹ thì nó sẽ không lớn chuyện bằng việc con giấu và mẹ tự biết. Cho nên, khi chúng nó gặp vấn đề, chúng sẽ tự nói chứ không giấu giếm tôi.
Ngày nào đi làm về, tôi cũng hỏi ngày hôm nay của con thế nào, học ra sao? Bản thân chúng nó cũng có nhu cầu hỏi lại mẹ như vậy. Đó là thói quen, là sợi dây kết nối cha mẹ với con cái đơn giản và hiệu quả nhất. Với tôi, điều đó giống như để tái tạo lại năng lượng cho mình.
Còn việc con bị điểm 0, tôi xem đó là những khó khăn, thất bại của con, nếu có thì đó là một phần cuộc đời của nó. Cũng là cách tập cho con làm quen với thất bại, để khi con thất bại thật thì không hụt hẫng. Nếu mình tô hồng, khi con va vấp, nó sẽ bị chông chênh.
Có bao giờ chị đặt lên bàn cân, giữa con cái và sự nghiệp, cái nào quan trọng. Và nếu phải lựa chọn thì chị chọn cái nào?
Tôi chưa bao giờ bị đặt vào trường hợp đó và cũng không để mình rơi vào trường hợp đó. Tôi buộc phải dùng công việc để lo cho gia đình, để gia đình có cuộc sống tốt hơn. Ngược lại, gia đình là động lực tinh thần, là động cơ phấn đấu để tôi tiếp tục làm việc tốt hơn.
Ở tuổi 46, chị có hài lòng với những gì mình đang lo được cho gia đình và con cái?
Bằng lòng thì đúng hơn là hài lòng. Bởi vì, như ngày hôm qua, tôi vừa đi dạy, vừa làm đạo diễn, vừa viết kịch bản, vừa làm diễn viên và vẫn làm một số công tác đoàn đội. Mọi người khen, hay quá, giỏi quá, làm đủ thứ.
Thật ra, đàn bà giỏi là 6 giờ hoặc 8 giờ xong việc. Họ đi chơi hoặc về nhà, ném tiền vào mặt chồng, anh đi chơi với em, con đi chơi với mẹ, chúng ta hãy hạnh phúc và tận hưởng đi.
Chẳng có người đàn bà nào giỏi mà 2 rưỡi sáng vẫn đang làm việc như trâu như ngựa ngoài hiện trường. Những người phụ nữ đó là những người phụ nữ thất bại. Bản thân tôi luôn cảm thấy bực bội vì mình làm quá nhiều mà không nhiều tiền.
Người ta làm MC, 1 ngày kiếm cả trăm triệu. Tôi làm chết mệt cả tháng chưa được từng đó thì làm sao nói là người phụ nữ giỏi và thành đạt được. Tôi thấy mình vất vả. Tôi có nhiều tham vọng và vất vả về tham vọng của chính mình.
Tôi cố giảm bớt công việc lại, nhưng không cam lòng. Tham vọng của tôi là được làm việc mình thích. Hiện tại, tôi thích đi dạy. Và vì thích đi dạy nên tôi đã hy sinh những công việc khác đem lại cho tôi nhiều tiền hơn rất nhiều.
Nếu tôi thật sự thành công thì đã không phải nghĩ, tháng sau mình đóng tiền học cho con thế nào. Nhiều khi tôi tự hỏi, mình phải quá dành dụm làm gì. Bởi vì hiện tại, tôi vẫn đang dành dụm, vẫn đang tiết kiệm. May mắn là các con tôi cực kỳ hiểu, tiền là thứ không nên vung vãi.
Chị dạy con điều đó bằng cách nào?
Tôi nói với con, mình có bao nhiêu tiền và phải chi cho những khoản mục nào, có những khó khăn gì. Chính bản thân tôi cũng không tiêu xài phung phí thì con sẽ thành quen.
Bé nhỏ để dành được tiền lì xì, tôi bảo khi nào mẹ không có tiền thì cho mẹ mượn. Nó bảo: "Con cho mẹ luôn, mẹ không cần phải trả đâu. Con có xài gì đâu, mọi thứ mẹ đã cho con rồi". Khi tôi trả lại tiền cho nó, nó rất áy náy vì luôn mong muốn được giúp mẹ.
Khi muốn tiêu xài gì, nó cũng hỏi ý kiến tôi. Lâu lâu 3 mẹ con mới "hẹn hò" nên thống nhất là sẽ đi quán thật đẹp, đồ ăn thật ngon để ăn chơi cho thật đã. Và nó luôn luôn hỏi, quán đó đẹp quá, sang quá, mẹ có tiền không, hay mình đi chỗ khác. Nó rất lo cho mẹ. Dù không rõ ràng nhưng đó là thành công của tôi.
Con gái lớn của tôi giờ 22 tuổi, đang là sinh viên năm 3. Mỗi ngày, nó tự chạy xe máy đi học, tự ăn trưa, tự đổ xăng mà 1 tuần chỉ có 850.000 đồng. Nó gói ghém cho đủ và không bao giờ xin thêm vì biết mẹ không có nhiều tiền.
Hiện tại, con gái lớn phụ tôi chăm sóc bà nội, thay tã, tắm rửa cho bà. Việc đó con chủ động đề nghị để mẹ bớt việc. Ngoài ra, con dịch truyện để kiếm thêm thu nhập. Đó là thành công của tôi.
Tôi nhận thấy chị rất nhiều lo toan, rất nhiều gánh vác. Vậy một ngày của chị bắt đầu và kết thúc lúc nào?
Nếu không đi quay là 5 giờ 45 tôi thức dậy, nấu ăn, kêu con dậy. Cho con đi học thì tôi đi làm. Trễ là 11 giờ đêm, nếu chỉ đi dạy, đi làm bình thường thì khoảng 9 giờ, tôi đến nhà. Chơi với con được nửa tiếng rồi con đi ngủ.
Cho nên, những ngày nghỉ, không ai kêu tôi ra khỏi nhà được. Việc quan trọng cỡ nào cũng không vì tôi xác định ở nhà. Tôi không thích đi chơi. Tới nỗi, đoàn phim đi nhậu, mọi người mặc nhiên là không rủ tôi. Đôi khi mình chạnh lòng, hỏi sao không ai rủ. Biết là mình không đi nhưng được rủ một tiếng cũng đỡ buồn.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!