Quả thực, tiếng hát Thu Hiền đã làm lay động khán giả cả ba miền đất nước, ai cũng yêu mến.
Sự nghiệp gắn bó với chiến trường, dùng tiếng hát át tiếng bom
>NSND Thu Hiền tên thật là Nguyễn Thị Thanh Hiền, sinh năm 1952 tại Thái Bình, trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha bà là NSƯT Nguyễn Hoài Ân, nổi tiếng với biệt danh Tám Kèn của Đoàn Dân ca liên khu V (tiền thân của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định), mẹ bà là diễn viên chèo tuồng Thanh Hảo, con gái một ông bầu hát nổi tiếng.
Em trai và em dâu bà là >NSND Hoài Huệ và >NSND Hồ Thu, đều công tác tại Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
Từ nhỏ, Thu Hiền đã được sống trong những làn điệu dân ca cổ truyền, đặc biệt là dân ca miền Trung (do cha là nghệ nhân hát bài chòi). Nhờ đó, bà sớm hình thành năng khiếu và đam mê ca hát. Mới 10 tuổi, Thu Hiền đã bắt đầu đi hát.
Nhận thức được vai trò, sứ mệnh của một nghệ sĩ trong giai đoạn chiến tranh đổ lửa, từ năm 1967 đến 1968, Thu Hiền cùng đoàn quân khu Tây Bắc vào biểu diễn phục vụ động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân tuyến lửa miền Trung. Tại đây, nữ nghệ sĩ miệt mài dùng tiếng hát át tiếng bom, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, đi hát ngày đêm giữa làn bom đạn.
Cũng nhờ thời gian này, Thu Hiền ngày càng gắn bó với mảnh đất miền Trung, thấu hiểu tình cảm, cốt cách người dân nơi đây. Đó là lí do vì sao Thu Hiền hát dân ca theo giọng miền Trung rất hay, ngọt ngào và thấm đậm cảm xúc, dù bà là người Bắc.
Năm 1971, Thu Hiền vào đoàn ca nhạc dân tộc Trung ương để theo đuổi sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp. Từ đây, bà được chứng kiến và gắn bó sự nghiệp, tiếng hát của mình với những giai đoạn quan trọng của lịch sử cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Rất nhiều sự kiện quan trọng có sự hiện diện của Thu Hiền.
Nhờ những đóng góp to lớn với nền nhạc Cách mạng, Thu Hiền được phong nghệ sĩ ưu tú từ rất sớm (năm 1984) và tới 1993 đã được xét duyệt phong tặng nghệ sĩ nhân dân.
Dù không phải nghệ sĩ được đào tạo bài bản về thanh nhạc và cũng không giảng dạy trực tiếp tại trường lớp, nhưng nhờ vốn liếng kinh nghiệm riêng, bà vẫn được nhiều học trò theo học. Các sinh viên Nhạc viện muốn theo đuổi dòng dân ca thường được gửi sang học riêng với Thu Hiền.
Đi chợ được khán giả miền Nam nhận ra vì ai cũng yêu mến
NSND Thu Hiền sở hữu giọng nữ cao trữ tình mềm mại, ấm áp và vô cùng ngọt ngào. Do từ nhỏ đã được học hát các làn điệu dân ca miền Trung (vì cha bà là nghệ nhân hát bài chòi) và suốt năm tháng tuổi trẻ gắn bó với dải đất miền Trung (đặc biệt là khu vực Bình Trị Thiên) nên dù là người Bắc nhưng NSND Thu Hiền lại hát dân ca theo giọng miền Trung và rất thành công. Nhiều khán giả còn tưởng NSND Thu Hiền là người miền Trung vì bà hát rất mùi, phát âm chuẩn phương ngữ vùng miền.
Điều đặc biệt ở Thu Hiền là giọng hát khác hẳn giọng nói, nói giọng Bắc nhưng hát giọng Trung với độ ấm áp khó tả. Bà nói:
"Tuy không sinh ra ở miền Trung nhưng lúa khoai ở đó nuôi sống mình, tuổi thanh xuân với những cảm nhận đầu đời của mình gắn liền với nơi này nên có nói miền Trung là quê hương mình thì cũng chẳng sai".
Ở thời gian đầu, bà hát chủ yếu theo bản năng nhưng sau này cũng được theo học NSND Trung Kiên (giáo sư thanh nhạc cổ điển) và được đào tạo kỹ càng về thanh nhạc. Nhờ đó, NSND Thu Hiền hát ngày càng hay hơn. Bà kể:
"Tôi ở chiến trường về, một nốt nhạc cũng không biết, chỉ hát theo tình cảm của mình với bài hát thôi. Nhưng thầy Trung Kiên dành 3 năm để dạy tôi. Tôi theo dòng nhạc dân gian hoàn toàn, còn thầy dạy chính quy Nhạc viện hát Opera.
Hai dòng nhạc khác nhau nhưng thầy vẫn cần mẫn dạy tôi từ kỹ thuật lấy hơi, nhả chữ. Thầy còn dạy tôi hát tiếng Nga nữa".
Tuy nhiên, NSND Thu Hiền vẫn thường tự nhận mình hát chủ yếu bằng cảm xúc và đó mới là điểm nhấn giúp tên tuổi bà ở lâu trong lòng khán giả. Nữ nghệ sĩ cho rằng người hát hay không thiếu, người được đào tạo trường lớp bài bản cũng rất nhiều nhưng sở dĩ bà vẫn được nhắc đến là vì hát bằng tiếng hát từ trái tim, từ sâu thẳm trong tâm hồn.
Thu Hiền và Thanh Huyền có thể xem là hai nghệ sĩ thành công nhất khi đem âm hưởng dân ca vào nhạc Cách mạng, thổi điệu hồn dân tộc, quê hương vào dòng nhạc đầy tính chính luận này. Nếu NSND Thanh Huyền đưa âm hưởng dân ca Bắc Bộ vào nhạc Cách mạng thì NSND Thu Hiền lại thành công khi đưa âm hưởng dân ca Trung Bộ, tạo nên những giai điệu mềm mại, mùi mẫn.
Thu Hiền tuy không sở hữu nhiều kỹ thuật thanh nhạc cao như lứa NSND cùng thế hệ nhưng giọng hát lại có âm sắc riêng cùng lối hát tự sự, thấm đẫm cảm xúc. Nhờ đó, tiếng hát của bà bình dân, gần gũi với khán giả, được đông đảo công chúng mọi tầng lớp yêu thích.
Nữ nghệ sĩ từng tâm sự: "Tôi được nhiều người yêu mến, kể cả người nghèo cũng thích nghe tôi hát!".
Quả thực, tiếng hát Thu Hiền đã làm lay động khán giả cả ba miền đất nước, ai cũng yêu mến.
Bà kể rằng, thời gian sống tại Sài Gòn, có một lần đi chợ Phạm Văn Hai bỗng có một người bán hàng hỏi bà: "Có phải Thu Hiền không?". Nữ nghệ sĩ giật mình vì tưởng trước đó mình mua gì mà quên trả tiền, vừa lúng túng "dạ vâng" thì người đó tiếp luôn: "Tôi thích bà quá trời!".
NSND Thu Hiền tỏ ra vô cùng bất ngờ vì cứ đinh ninh rằng người miền Nam chắc chẳng biết đến mình, ai ngờ lại được mọi người nhận ra.