Việt Nam không phải dân tộc màu mè, đời sống vật chất không phải giàu có đến mức trân châu hạt xoàn đính đầy trên áo, nó gần như là khát vọng, ước mơ là mình được giàu có.
- Chị thường xuyên xuất hiện với những chiếc áo dài rất ấn tượng và có phong cách, làm thế nào để có được sự đặc biệt này?
Quan niệm về áo dài đối với tôi là phải thanh thoát, tha thướt như gió, khi bước đi phải phất phơ “tung bay tà áo em bay”. Vậy nên tôi thường chọn chất liệu mềm mại như tơ tằm, xoa là rất phù hợp, ngoài ra khi mặc áo dài phải có tác phong thần thái, tinh thần của người Hà Nội.
- Chị thường chọn may áo dài như thế nào?
Tôi có một số địa chỉ quen ở Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng… nhưng có may ở đâu thì tôi cũng theo quan điểm của riêng mình nên áo dài của tôi thường rất đơn giản, không cầu kì. Gần đây tôi thấy có xu hướng Ấn Độ hóa chiếc áo dài, làm chiếc áo dài có màu mè lòe loẹt vì rất nhiều phụ nữ sợ mình không nổi bật khi mặc áo dài. Thậm chí có người chọn những màu sắc rất mạnh hoặc đính thêm kim sa hay đá quý, vẫn còn chưa nổi thì lại thêu thêm vào, nặng trĩu như một mảng phù điêu làm mất đi vẻ lịch lãm của áo dài.
Nếu hiểu về chiếc áo dài sẽ thấy áo dài có tỉ lệ cân đối của hai tà áo bong ra, khoan thai tung tẩy theo bước chân của người phụ nữ. Nếu nặng quá thì hai tà không thể bay được. Tà áo nhiều kim sa, kim tuyến, đá quý thì mang tính chất hội hè lễ giáo phù hợp với chốn Đền Mẫu. Chỉ đi quá một chút thôi là chiếc áo bị dịch chuyển không gian văn hóa hoặc địa lý, nên tôi thường nói vui là Ấn Độ hóa áo dài, người Ấn Độ thì kiểu của họ thường dùng những màu sắc mạnh như vậy.
- Vậy là chiếc áo dài cần được hiểu đúng như thế nào để có thể mặc cho đúng?
Áo dài đặc biệt lắm, khác hẳn các loại váy dạ hội. Nó dài nhưng lại có hai tà, hai mảnh thấp thoáng khép nép bên trong là cái quần của người phụ nữ. Nếu chiếc quần có màu sắc quá mạnh, quá bóng, quá lộ thì người ta chỉ nhìn thấy cái bên trong, tự nhiên thấy thô thô, không tế nhị. Mặc định là người phụ nữ khi mặc quần trắng thì có nét tinh tươm, khoan thai, nhẹ nhàng, thanh lịch. Nếu chiếc quần màu quá lòe loẹt, quá bóng thì sẽ không thanh và không lịch, phô trương và đồng bóng. Nên trước kia quần của áo dài chỉ quy định có hai màu là đen và trắng.
- Vậy là mặc một trang phục tưởng như đã có sẵn mà không hề đơn giản! Làm sao để chọn một chiếc áo dài cho thanh lịch?
Có một lần tôi nhói lòng khi thấy cảnh này. Một đại sứ nước ngoài lấy vợ Việt Nam, trong một lễ đón tiếp khách của các nước, người vợ mặc áo dài, người chồng nói với vợ là: Em không mặc áo dài đẹp hơn! Bởi vì chiếc áo dài người phụ nữ ấy chọn không đẹp, quá nhiều màu sắc, kim tuyến, đá rởm, đá nhựa quá nhiều. Khi nhìn trở về thì chiếc áo dài giản dị vẫn là đẹp nhất.
Thật may là năm ngoái đến năm nay, áo dài đã thanh lịch dần, những bông hoa nho nhỏ, quần bớt màu sắc và dịu dàng hòa với màu áo.
Có những năm còn có sự lẫn lộn áo dài với xường xám. Sau giải phóng thì có áo dài mini, trông vậy nhưng khác hẳn với áo dài bình thường. Áo dài mini lưỡng lự giữa áo cánh ngắn và áo dài, mang hồn cốt trong các quán Việt. Nếu không phân biệt thì dễ lẫn lộn. Rồi áo dài cho ngày Tết như thế nào, áo dài lễ hội, áo dài cho dịp cuối tuần đi chơi chụp ảnh, mặc gì vào lúc nào đi đến đâu để chọn cho phù hợp.
- Gần đây mọi người mặc áo dài rất nhiều, chị thấy những chiếc áo dài đó như thế nào?
Đây cũng là một niềm vui khi áo dài trở lại và mọi người yêu áo dài, tôn vinh áo dài, người người mặc áo dài, nhà nhà mặc áo dài. Có giai đoạn tôi thấy mọi người dùng loại quần dạng phi bóng Trung Quốc mà loại nào bóng nhất, màu mè nhất thì dùng.
Rồi có thời lại dùng áo dài voan kính, tôi cho đây là một thảm họa áo dài. Vải voan kính cứng như chiếc bánh đa nem, lại rất mỏng, vì mỏng nên được may lót thêm nhưng chỉ lót đến eo, từ dưới eo thì để voan trong suốt. Vậy là bao nhiêu nếp gấp ở quần lộ hết ra, mà người mình thì ngồi nhiều, vùng cần che kín thì phô hết ra ngoài. Vậy mà không hiểu sao không ai nhìn thấy điều này, mà vẫn cứ mặc nó khắp mọi nơi, càng văn nghệ quần chúng càng mặc nhiều.
Sau thảm họa voan kính thì đến thảm họa thêu thùa vàng bạc đá quý. Việt Nam không phải dân tộc màu mè, >đời sống vật chất không phải giàu có đến mức trân châu hạt xoàn đính đầy trên áo, nó gần như là khát vọng, ước mơ là mình được giàu có. Mỗi lần đi may áo dài, câu quen thuộc tôi được nghe thấy là: “Chắc phải thêm cái này hay cái kia vào, không sợ nó không nổi bật”. Nhu cầu khát vọng được nổi bật được chứng minh giờ mình có điều kiện, tất cả những cái đó đang kéo ta đi xa khỏi nét đẹp của áo dài.